Truyền thông

Dạy PCCC trong trường học, linh hoạt ứng phó

Mai Hà 24/11/2023 14:05

Những hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm PCCC là hết sức bổ ích đối với các em học sinh, sinh viên. Thế nên đừng để việc đưa nội dung PCCC vào trường học như một phong trào thiếu bền vững.

Diễn tập PCCC tại trường mầm non trong năm học 2023-2024.

Cần kíp dạy kiến thức, kỹ năng PCCC trong nhà trường

Theo Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạọ, về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, thì nội dung về PCCC đã chính thức được đưa vào các môn học chính khóa.

Thông tư cũng quy định thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy: Đối với trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học. Đối với sinh viên bảo đảm tối thiểu 03 buổi/năm học.

Thực tế đau xót mấy chục người tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội đã nói lên rất nhiều điều đáng tiếc. Nhiều người đã theo cầu thang lao lên tầng tum thì tử vong. Ngược lại, một số gia đình ở ngay trong phòng đóng chặt cửa, chèn khăn ướt, chờ lực lượng đến cứu lại thoát nạn. Nếu hiểu biết về nguyên tắc của cháy, có thể nhiều người, thậm chí các em học sinh, sinh viên đã có cách xử trí khác.

Bởi vậy, ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đồng loạt triển khai nội dung dạy PCCC trong các nhà trường từ năm học 2023-2024.

Tại Hà Nội, ngay từ đầu năm học mới 2023-2024, các cơ sở giáo dục toàn Thành phố đã phối hợp các đơn vị PCCC trên địa bàn, tổ chức những buổi tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh, sinh viên.

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xác định cụ thể các nhiệm vụ, nội dung thực hiện để phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Linh hoạt ứng phó trong đưa nội dung PCCC vào chương trình chính khoá

Theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học.

Có quy định cụ thể, thống nhất trong các cơ sở giáo dục cả nước về nội dung kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, đảm bảo thống thống nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và không làm thay đổi quy định khung về chương trình giáo dục chính khóa của các cấp học, trình độ đào tạo.

Cụ thể, với bậc mầm non, kiến thức này sẽ được lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa, thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.

Đối với giáo dục đại học, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.

Bên cạnh chương trình chính khóa, học sinh sẽ được học các kiến thức, kỹ năng bổ trợ trong các hoạt động ngoài giờ, được thực hành, diễn tập hình thành các kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

Về những kiến thức kỹ năng cần đạt được xây dựng dựa trên năng lực nhận thức và năng lực hành vi của mỗi đối tượng. Với trẻ mầm non là biết nhận biết được nguồn lửa, biết cách phòng tránh nguồn lửa, có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy...

Đối với học sinh tiểu học, ngoài kỹ năng nhận biết, còn có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy, biết kỹ năng thoát nạn, sử dụng thiết bị bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ. Sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc, biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

Đối với học sinh THCS là nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường, biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ...

Đối với học sinh THPT, ngoài những kỹ năng trên còn biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn, biết sử dụng bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường, sử dụng được một số phương tiện chữa cháy ban đầu với các nguồn cháy khác nhau.

Đối với sinh viên, sử dụng được các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản và các thiết bị có tại gia đình, nhà trường và các khu vực công cộng.

Trường hợp sinh viên có nhu cầu được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định.

Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội cho rằng, đối với trẻ nhỏ, để ghi nhớ và thực hiện được những kỹ năng thoát hiểm không hề dễ dàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và lực lượng PCCC.

Đầu tiên đó là phải huấn luyện cho trẻ ghi nhớ những kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn, thầy cô hoặc phụ huynh có thể thực tập cùng bé bằng những phương pháp chơi mà học. Ví dụ, cho bé đóng vai lính cứu hỏa hoặc nạn nhân, viết lên tấm bảng số cứu hỏa 114, số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân và dạy trẻ nhớ.

Dạy PCCC không nên là phong trào thiếu bền vững

Những hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm PCCC là hết sức bổ ích đối với các em học sinh, sinh viên. Thế nên đừng để việc đưa nội dung PCCC vào trường học như một phong trào thiếu bền vững. Không thể chậm trễ hơn việc giảng dạy những kiến thức cơ bản, kỹ năng thoát hiểm PCCC cho học sinh, sinh viên.

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh - Ảnh 2.
Một buổi học PCCC tại trường tiểu học.

Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, nhiều trường học ở Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên các tiết học ngoại khoá nhằm tăng cường tuyên truyền, trang bị thêm cho học sinh của mình các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi gặp sự cố mất an toàn.

Là người trực tiếp tham gia hướng dẫn học sinh và các thầy cô giáo về những kỹ năng cơ bản khi có sự cố cháy nổ xảy ra như: kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, thao tác sử dụng một số phương tiện chữa cháy thông dụng..., Đại úy Hoàng Văn Hải, Đội cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Long Biên cho rằng việc trang bị kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, phòng chống cháy nổ cho lứa tuổi học sinh là rất cần thiết, giúp các em biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân, phòng chống tai nạn thương tích và giúp đỡ người khác khi gặp sự cố.

Hiện nay, toàn bộ 100% các trường học trên địa bàn quận Hà Đông đã phối hợp với Công an quận xây dựng kế hoạch và triển khai việc tuyên truyền hướng dẫn trang bị kiến thức, kĩ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, tập trung vào các nội dung như: thoát nạn trong môi trường khói khí độc; di chuyển nạn nhân, sơ cấp cứu ban đầu; thoát nạn từ nhà cao tầng bằng dây hạ chậm; tham quan các loại phương tiện CC&CNCH, triển khai đội hình chữa cháy, phun nước vào tiêu điểm; sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy giả định…

Giảng viên, Đại úy Bùi Văn Vũ, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Hà Đông cũng chia sẻ, với những trải nghiệm thực tế trên, các em học sinh và giáo viên đã rất hào hứng, tích cực tham gia và thực hiện khá tốt các kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống nguy hiểm giả định. Qua buổi tuyên truyền, chắc chắn rằng mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sẽ có thêm kiến thức bổ ích trang bị cho bản thân mình về kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để bình tĩnh xử lý và đảm bảo an toàn cho bản thân mình.

Theo nhiều nhà giáo cũng như bậc phụ huynh, để đảm bảo an toàn PCCC, trang bị kiến thức, kỹ năng thoát nạn cho học sinh là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các nhà trường. Ở các khu đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một thói quen, nếp sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của cả người lớn lẫn trẻ em.

Tuy nhiên, việc cung cấp kiến thức cũng cần chú trọng đến trang bị kỹ năng cho các em học sinh để tránh hàn lâm; tập trung vào các kỹ năng thiết thực như kỹ năng hô hoán, kỹ năng gọi điện thoại cho lực lượng chức năng, kỹ năng xử lý khi lửa bén vào quần áo, kỹ năng thoát hiểm khi có khói, hỏa hoạn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Dạy PCCC trong trường học, linh hoạt ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO