Dịch COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận của người dùng với fintech

Thuỳ Chang| 30/06/2022 09:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện BambuUP, dịch COVID-19 như một cơn bão hoàn hảo làm thay đổi hành vi của người dùng và thúc đẩy sự đổi mới không ngừng trong cách tương tác với dịch vụ tài chính. Do đó cần đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp tài chính số sáng tạo và tạo ra những thay đổi đột phá trong ngành công nghệ tài chính (fintech).

Chia sẻ tại FinnoBox số 07 với chủ đề "Fintech và kinh doanh số: Cơ hội, thách thức và triển vọng", bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP cho biết, nếu như năm 2020 là một năm đầy biến động cho ngành fintech tại Việt Nam do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, sang đến năm 2021, fintech đã đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế tại thị trường Việt Nam.

Hội thảo thuộc chuỗi sự kiện FinnoBox của cuộc thi cấp quốc gia Finnovation 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, ĐHQG TP. HCM phối hợp tổ chức.

Ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục của Fintech Việt

Năm 2021 là bước tiến nhảy vọt của thị trường fintech Việt Nam. Theo thống kê của CB Insights, quý 3 năm 2021 đã ghi nhận mức tăng 147%, mức tăng kỷ lục của ngành fintech Việt Nam so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021 do BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, giao dịch bằng thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 400% trước 2025, 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ "tích cực theo đuổi hiện đại hóa các nền tảng lõi kỹ thuật số". Số tài khoản được tạo mới của top 8 ngân hàng hàng đầu tăng 50%, sử dụng tự động hóa thông minh trong việc xác minh nguồn gốc tài khoản.

Ngành fintech tại Việt Nam xếp thứ 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu, xếp thứ 14/50 trên bảng xếp hạng tại châu Á. Dự kiến từ năm 2021 đến năm 2025, đây sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty công nghệ tài chính ưu tiên việc chuyển đổi số (Digital First).

Theo bà Hằng, sẽ có 3 nhóm đối tượng chính của fintech trong thời gian tới. Đầu tiên, đối với nhóm đối tượng ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, tổ chức tài chính, có 5 xu hướng fintech nổi bật, trong đó trải nghiệm khách hàng là ưu tiên quan trọng nhất. Các xu hướng tiếp theo bao gồm: ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến (Neobank) vận hành độc lập và phát triển mạnh mẽ; công nghệ kích hoạt bằng giọng nói; công nghệ quản lý tự động và hạn chế rủi ro cho dịch vụ tài chính và ngân hàng; tài chính phi tập trung (Decentralized Finance - DeFi).

Với nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, các xu hướng fintech chủ yếu liên quan đến việc: quản lý tài chính cá nhân; đầu tư cá nhân; thanh toán không tiếp xúc. Trong đó có 2 xu hướng fintech nổi bật đối với nhóm đối tượng này là thanh toán không tiếp xúc và ứng dụng quản lý tài chình cá nhân.

Nhóm đối tượng cuối cùng là khách hàng doanh nghiệp. Đối với nhóm đối tượng này, bà Hằng cho biết, đây là một mảnh đất màu mỡ, có giá trị thị trường ước tính lên đến 3 tỷ USD vào năm 2030 và đang được ứng dụng rất nhiều. Với nhóm này, sẽ có 3 xu hướng nổi bật: tài chính nhúng và xu hướng "mua ngay trả sau"; trả lương linh hoạt; tài chính chuỗi cung ứng.

Dịch COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận của người dùng với fintech - Ảnh 1.

Phần thảo luận sự kiện FinnoBox số 07 với chủ đề "Fintech và kinh doanh số: Cơ hội, thách thức và triển vọng".

Những công nghệ hàng đầu đang được ứng dụng trong fintech tại Việt Nam

Tại sự kiện, bà Hằng cũng điểm qua một số ứng dụng công nghệ hàng đầu trong ngành Fintech tại Việt Nam. Đầu tiên là xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngân hàng. Hiện nay, những ứng dụng công nghệ AI hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng có thể kể đến như chatbot, tự động hóa và làm cho quá trình liền mạch, thu thập và phân tích dữ liệu, danh mục đầu tư và quản lý tài sản, quản lý rủi ro, phân tích thực trạng tài chính, phát hiện gian lận và chống rửa tiền.

Công nghệ tiếp theo là nền tảng huy động vốn cộng đồng. Đây là hình thức huy động tiền vốn thông qua những đóng góp cá nhân nhỏ từ số đông và được thực hiện chủ yếu qua Internet. Thay vì phải đến một ngân hàng truyền thống để vay, giờ đây những người khởi nghiệp có thể "đến" thẳng nhà đầu tư để được hỗ trợ về tài chính.

Công nghệ thứ 3 liên quan đến blockchain và tiền điện tử. Các sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase và Gemini kết nối người mua và người bán các loại tiền điện tử như bitcoin hoặc litecoin.

Ngoài ra, công nghệ thanh toán di động cũng đang bước vào giai đoạn bùng nổ. Hiện nay, lĩnh vực này tại Việt Nam có gần 20 đơn vị trung gian thanh toán được Nhà nước cấp phép có cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng như: MoMo, VNPay, VTCPay, ZaloPay, AirPay, Vimo,… Cùng với tính năng thanh toán qua mã QR cũng được các đơn vị cung cấp triển khai trên các ví điện tử.

Công nghệ bảo hiểm (insurtech) đã tác động mạnh mẽ đến ngành bảo hiểm, từ bảo hiểm xe hơi đến bảo hiểm gia đình và bảo vệ dữ liệu.

Cố vấn tài chính tự động và giao dịch chứng khoán trực tuyến (robo advisor) cũng đã không ngừng phát triển trong thời gian qua về tính năng và hiệu suất hoạt động. Công nghệ này đảm nhận nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp như phân bổ tài sản, lựa chọn chứng khoán, tự động lập danh mục, tự động quản lý thực hiện tái cân bằng danh mục, giảm hóa đơn thuế và khai thác lỗ thuế (tax-loss harvesting), lập kế hoạch hưu trí…

Cuối cùng là các ứng dụng lập ngân sách, nhờ có fintech thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng dịch vụ tài chính, người tiêu dùng có thể dễ dàng theo dõi thu nhập và quản lý các khoản chi phí.

Tại phiên thảo luận mở tại Hội thảo, bà Hằng cũng đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các bạn sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp: "Bước đầu hãy tìm ra tập khách hàng mà bạn muốn phục vụ, bước hai là thấu hiểu được nỗi đau của nhóm đối tượng này, ý tưởng của bạn giải quyết được bài toán gì cho họ? Sau đó, cần tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề đó".

Ở cuối phần trình bày của mình, bà Hằng khẳng định, những chia sẻ này sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp fintech tại Việt Nam trong năm 2021. Bà Hằng cũng hy vọng các bạn trẻ sẽ có được những ý tưởng mới, ý tưởng sáng tạo để tham gia vào cuộc thi Finnovation.

Năm 2021 được xem là "cú hích" tạo đà cho quá trình số hóa toàn xã hội, tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực fintech toàn cầu. Điều này đã và đang đặt ra những cơ hội, thách thức và triển vọng cho nhiều bạn trẻ trong việc nắm bắt được các xu hướng công nghệ số, hình thành ý tưởng khởi nghiệp ĐMST. Để tìm hiểu thêm thông tin về xu hướng phát triển và toàn cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp fintech tại Việt Nam tại: http://ldp.to/report-fintech

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch COVID-19 làm thay đổi cách tiếp cận của người dùng với fintech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO