Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66%
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) là trên 287 triệu giao dịch, đạt 33% kế hoạch năm 2023 (860 triệu giao dịch).
Đó là một trong số những kết quả quan trọng được Bộ TT&TT tổng hợp về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 – 2020 của các đơn vị, bộ, ngành, thành phố, địa phương.
Theo đó, kết quả số liệu còn thể hiện điều đáng mừng với trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch qua NDXP. Và chính điều này đã góp phần hỗ trợ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương và giúp kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương trên toàn quốc…
Cụ thể hơn, khi nói về việc kết nối dữ liệu với CSDL quốc gia để sớm, nhanh tạo nền tảng vận hành thành công, hiệu quả CPĐT, các đơn vị điển hình, tích cực kể đến như: Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam …
Nói về việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, đến nay, Bộ Công an đã vận hành, kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp (DN) nhà nước là EVN, 3 DN viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin; tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (83%).
Ngành BHXH đang tích cực tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ CSDL tập trung; phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư.
BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế… đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày.
Cũng tích cực như 2 đơn vị trên, Bộ Tư pháp thúc đẩy mạnh mẽ CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc (tính đến ngày 21/6/2023), trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có: 42.191.471 dữ liệu đăng ký khai sinh (trong đó có 8.873.051 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định); 5.004.800 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 10.444.538 dữ liệu đăng ký kết hôn; 7.211.352 dữ liệu đăng ký khai tử và 10.298.528 dữ liệu khác.
Đối với lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT đã thúc đẩy mạnh mẽ việc số hoá dữ liệu, đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng CSDL đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả việc xây dựng, sử dụng CSDL quốc gia hiệu quả, Bộ TT&TT đề nghị một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm 2023 như: Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).
“Xây dựng, phát triển Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành địa phương theo hướng tích hợp, chia sẻ, kế thừa tối đa các thông tin, dữ liệu sẵn có và kết nối tự động với các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương”, Bộ TT&TT nêu đề xuất.
DVCTT toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66%
Cũng theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ DVCTT toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66% (ước tính đến ngày 19/6/2023), đạt 90,66% kế hoạch năm 2023 (mục tiêu năm 2023 là 100%). Hiện có 80/83 bộ, tỉnh đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (còn TP. Hà Nội, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Nông chưa ban hành).
Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến (HSTT) đạt 53,77% (mục tiêu năm 2023 đạt 80%). Tỷ lệ HSTT toàn trình đạt 39,21% (mục tiêu năm 2023 đạt 60%).
Số bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc CQĐT 2.0: 22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0.
Bộ TT&TT trong 6 tháng đầu năm 2023 đang đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT, đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện với người dùng; Thực hiện đánh giá các cổng dịch vụ công, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công; xây dựng Kế hoạch nâng hạng CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn khảo sát DVCTT tại một số bộ, ngành, địa phương về một số vướng mắc khi sử dụng DVCTT liên quan đến các Hệ thống thông tin phục vụ DVCTT của bộ, ngành, địa phương.
Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 1284/BTTTT-CĐSQG ngày 12/4/2023 để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, cụ thể: (i) Xác định các TTHC đủ điều kiện lên DVCTT toàn trình; (ii) Xây dựng Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVCTT của bộ, ngành, địa phương năm 2023; (iii) Nâng cấp Hệ thống thông tin đảm bảo dễ sử dụng, thân thiện người dùng; (iv) Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích người dân sử dụng DVCTT như: rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ giấy, giảm phí, lệ phí khi sử dụng DVCTT./.