Đây là văn bản quan trọng gồm 06 Chương, 19 Điều, quy định việc chuẩn số hóa, thống nhất dữ liệu đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan... Tất cả vì mục tiêu hoàn thiện khung danh tính số quốc gia, nền tảng, dịch vụ cung cấp phục vụ các tiện ích, thuận lợi cho người dân, thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia toàn diện, bền vững.
Tài khoản ĐDĐT do bên sử dụng dịch vụ quyết định
Theo đó, danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm: số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung và vân tay). Danh tính điện tử của người nước ngoài sẽ thay số định danh công dân bằng số của hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương cùng các dữ liệu còn lại.
Cùng với đó, Quyết định quy định 02 mức độ đối với tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT). Cụ thể, mức 01 là tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong CSDLQG về dân cư. Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của người nước ngoài đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong CSDLQG về xuất nhập cảnh, trừ ảnh chân dung và vân tay. Trong khi, mức 02 là tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong CSDLQG về dân cư, CSDL CCCD hoặc CSDLQG về xuất nhập cảnh.
"Đặc biệt, việc lựa chọn sử dụng mức độ của tài khoản ĐDĐT do bên sử dụng dịch vụ quyết định", Quyết định nêu rõ.
Tài khoản ĐDĐT do Bộ Công an cung cấp, cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quyết định
Bộ Công an là đơn vị tạo phần mềm ĐDĐT để phục vụ đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử; xây dựng, quản lý hệ thống xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp, quản lý định danh và xác thực.
Theo quyết định này, người từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản ĐDĐT. Các cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Cũng giống như quy định đối với tài khoản ĐDĐT, việc kích hoạt tài khoản ĐDĐT gồm 02 mức độ, khi công dân Việt Nam và người nước ngoài nếu đáp ứng các trường thông tin đầy đủ (theo quy định chi tiết, cụ thể tại Quyết định) sẽ được Hệ thống định danh xác thực điện tử gửi thông tin tài khoản cho người đăng ký theo điện thoại, email...
Về tính pháp lý, quyết định quy đinh chặt chẽ việc tạo lập, sử dụngtài khoản ĐDĐT của cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử (MTĐT) phải sử dụng danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp và được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an để thực hiện TTHC trên MTĐT do cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quyết định.
Khi có thay đổi thông tin danh tính điện tử, CSDLQG về dân cư, CSDLCCCD và CSDLQG về xuất nhập cảnh cập nhật, đồng bộ thông tin về Hệ thống định danh và xác thực điện tử và thông báo cho cá nhân có danh tính điện tử.
"Trường hợp thay đổi thông tin danh tính điện tử chưa được điều chỉnh trong CSDLQG về dân cư, CSDL CCCD và CSDLQG về xuất nhập cảnh thì thực hiện điều chỉnh theo quy định của pháp luật", Quyết định nhấn mạnh.
ĐDĐT và xác thực điện tử phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Để thực hiện hiệu quả Quyết định, văn bản quy định quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, cá nhân đăng ký ĐDĐT, có tài khoản ĐDĐT cần: Tuân thủ quy định về đăng ký ĐDĐT và xác thực điện tử; sử dụng tài khoản ĐDĐT để thực hiện các TTHC trên MTĐT và các giao dịch điện tử khác; cung cấp và chịu trách nhiệm về các giấy tờ, thông tin đã cung cấp cho cơ quan chức năng để tạo tài khoản ĐDĐT; quản lý, bảo mật thông tin tài khoản ĐDĐT, không được cho người khác sử dụng tài khoản ĐDĐT của mình, bảo đảm sử dụng tài khoản ĐDĐT an toàn...
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần bảo đảm hạ tầng công nghệ, an toàn, bảo mật để kết nối sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; lựa chọn mức độ của tài khoản ĐDĐT đối với từng dịch vụ cung cấp trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong khi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần bảo đảm sử dụng danh tính điện tử, tài khoản ĐDĐT để thực hiện các thủ tục hành chính trên MTĐT; phối hợp với Bộ Công an để thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản ĐDĐT được cung cấp, tạo lập bởi Hệ thống ĐDĐT và xác thực điện tử của Bộ Công an; bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.
Đặc biệt, Bộ TT&TT cần tăng cường việc hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin trong hoạt động định danh và xác thực điện tử; phối hợp với Bộ Công an trong thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động định danh và xác thực điện tử.
Yếu tố then chốt, nền tảng cho CĐS
Có thể nói, việc thúc đẩy, hoàn thiện định danh số đã và xác thực điện tử chính là giúp chúng ta xây dựng khung danh tính số quốc gia, xây dựng nền tảng định danh và xác thực an toàn... Đây là những nội dung tiên quyết, cần thực hiện tích cực ngay để phục vụ công cuộc CĐS của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cũng nhờ việc đẩy mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng ta đã tạo ra các giá trị được đảm bảo trong việc khẳng định chính xác danh tính số hợp pháp của người thực hiện giao dịch, nâng cao độ bảo mật và tin tưởng giữa cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp trên môi trường số - nền tảng cho việc CĐS mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai, đồng thời đóng vai trò quan trọng, tạo lợi ích to lớn trong môi trường số.
Theo đánh giá từ Ngân hàng thế giới, việc ĐDĐT đang hứa hẹn tạo ra giá trị kinh tế bằng cách thúc đẩy tăng cường hòa nhập, mang lại khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn; tăng cường quy trình hóa, giúp giảm gian lận danh tính, duy trì quyền hạn và tăng tính minh bạch và thúc đẩy số hóa, thúc đẩy tính năng động và dễ sử dụng của các dịch vụ được cung cấp.
Không chỉ ở Việt Nam, đối với các quốc gia khác trên thế giới, khi triển khai tốt việc tạo lập danh tính số cho người dân (định danh và xác thực điện tử), nghĩa là chúng ta đang: cung cấp sự tin tưởng (niềm tin, sự tin cậy) cho các dịch vụ khi giao dịch với người dùng, giảm trùng lặp giữa các cơ quan chính phủ, đơn giản hóa việc triển khai cho các nhà cung cấp dịch vụ; giảm thiểu những sai sót, gian lận của con người trong quá trình thực hiện xác thực danh tính; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ công của nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều nhóm đối tượng người dùng khác nhau...
Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, nhất là việc duy trì hệ thống quản lý nhận dạng và xác thực điện tử giúp giải phóng nhân lực về cả thời gian và nỗ lực, tạo điều kiện để nhân lực trong khối cơ quan chính phủ tập trung cho việc cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan Chính phủ...
Việc Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg một lần nữa khẳng định con đường, chính sách, chủ trương đúng đắn trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS, nhằm phát triển kinh tế số, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xã hội số.
Khi chúng ta thực hiện, triển khai tốt, hiệu quả các yêu cầu quy định tại Quyết định chính là bước tiếp theo trong hành trình thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 6/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030... tất cả vì mục tiêu xây dựng, hoàn thiện CSDL về ĐDĐT, xác thực điện tử - yếu tố then chốt, nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia phát triển bền vững./.