Định hướng phát triển công nghiệp chất bán dẫn với góc nhìn từ chính sách đầu tư của Nhật Bản
Những biến động trong các năm qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã quay trở lại cuộc đua công nghệ và đảm bảo an ninh kinh tế giữa các cường quốc thế giới với những diễn biến đáng chú ý.
Tóm tắt:
* Chính sách, hành động Nhật Bản đối với ngành công nghiệp bán dẫn
- Tập trung thu hút chuyển dịch sản xuất, hợp tác R&D chip bán dẫn trở lại vào trong nước.
- Ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số sửa đổi.
- Củng cố các cơ sở sản xuất chip bán dẫn, duy trì nguồn cung và ảnh hưởng chuỗi cung ứng trên toàn cầu;
Tăng cường nhu cầu sử dụng chip bán dẫn trong nước.
- Đảm bảo nguồn cung khoáng sản - nguyên vật liệu quan trọng cho sản xuất chip bán dẫn.
- Hạn chế xuất khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất chíp bán dẫn quan trọng.
* Đề xuất định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đối với Việt Nam
- Lựa chọn phân khúc trong chuỗi sản xuất chip bán dẫn; lựa chọn đối tác hợp tác và phương án phù hợp để
thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn theo hình thức công - tư; hỗ trợ các
tập đoàn, công ty tư nhân lớn có tiềm lực xây dựng nhà máy chip bán dẫn; tập trung tăng cường đầu tư cho R&D.
- Hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác nguồn nguyên liệu cho sản xuất chip bán dẫn để tiến đến
chủ động nguồn cung nguyên vật liệu.
Vì thế, xu hướng thu hút đầu tư trở lại vào trong nước của Nhật Bản tập trung vào 2 trụ cột chiến lược “Quyền tự chủ chiến lược” và “Tính tất yếu chiến lược” nhằm đảm bảo tự chủ sản xuất chip bán dẫn và cung ứng nhu cầu trong nước trong tương lai.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản đạt đến thời kỳ hoàng kim vào những năm 1980 khi các công ty điện tử khổng lồ của Nhật Bản (như NEC, Toshiba và Hitachi...) chiếm khoảng 50% trong số 10 công ty hàng đầu thế giới về doanh số bán hàng. Đây là kết quả của việc tăng đầu tư R&D cho sản xuất chip bán dẫn, từ 2% (năm 1970) lên đến 26% (năm 1977) trong tổng chi tiêu của Nhật Bản cho R&D.
Vào năm 1976, Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư 300 triệu USD triển khai các dự án hợp tác công - tư với sự tham gia của 6 công ty lớn Fujitsu, Hitachi, NEC, Mitsubishi Electric, NTT và Toshiba. Kết quả của các dự án là những thành công bước đầu đạt được trong nghiên cứu công nghệ chip bán dẫn, đưa ra nhiều chuẩn công nghệ đặc biệt là kỹ thuật in khắc chùm tia điện tử (EBL). Điều này đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp thiết bị chế tạo chip bán dẫn, là điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản thống trị thị trường chip bán dẫn toàn cầu.
Vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước đối với Nhật Bản
Thị phần bán dẫn toàn cầu của Nhật Bản đã giảm xuống còn 10% vào năm 2019, so với 50% vào năm 1988. Hiện nay, không một công ty Nhật Bản nào giữ vị trí trong top 10, riêng Công ty Kioxia Holdings đứng ở vị trí thứ 12. Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được dẫn đầu bởi Công ty Qualcomm và Nvidia của Mỹ, Công ty sản xuất chip bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc. Đến nay, Nhật Bản vẫn còn 64 nhà máy sản xuất chip hoạt động nhưng không đủ khả năng sản xuất sản phẩm cao cấp, vẫn phải nhập khẩu 65% chất bán dẫn phục vụ nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản vẫn duy trì vị thế cao1 trong một số công nghệ quan trọng, cụ thể: Tập đoàn Sony nắm giữ khoảng một nửa thị phần toàn cầu đối với cảm biến hình ảnh, điốt phát quang (đèn LED); Công ty Shin-Etsu Chemical và SUMCO nắm giữ gần 60% thị phần toàn cầu mảng sản xuất các tấm silicon - loại vật liệu thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn; Công ty JSR và Tokyo Ohka Kogyo nắm giữ thế mạnh về chất quang học - loại vật liệu nhạy cảm với ánh sáng. Đây là những công nghệ cao hàng đầu trong chuỗi sản xuất chip bán dẫn.
Những biến động trong các năm qua, đặc biệt là 4 - 5 năm gần đây cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã quay trở lại cuộc đua công nghệ và đảm bảo an ninh kinh tế giữa các cường quốc thế giới với những diễn biến đáng chú ý:
(1) Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi hết sức quan trọng, không thể thiếu trong mọi thiết bị được sử dụng cho cuộc sống hàng ngày (ô tô, điện thoại, tivi, tủ lạnh...) đến các loại vũ khí tối tân nhất trong thời đại chuyển đổi số;
(2) Cạnh tranh bá chủ cường quốc công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới thiếu hụt chip bán dẫn, làm giảm lượng cung ứng hàng hoá;
(3) Các quốc gia ban hành chính sách tăng cường đầu tư vào chip bán dẫn:
Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS vào tháng 8/2022, cung cấp 52,7 tỷ USD hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn trong thời gian 5 năm.
Ủy ban châu Âu đã công bố gói Đạo luật Chip châu Âu vào tháng 02/2022 với khoản đầu tư trị giá 43 tỷ Euro nhằm tăng thị phần sản xuất toàn cầu từ 10% lên 20% vào năm 2030.
Hàn Quốc dự kiến đầu tư 450 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn trong thời gian 10 năm đến năm 2030.
Trước những diễn biến xu hướng lớn trên thế giới, Nhật Bản tập trung thu hút đầu tư trở lại vào trong nước với 2 trụ cột chiến lược “Quyền tự chủ chiến lược” và “Tính tất yếu chiến lược” nhằm đảm bảo tự chủ sản xuất chip bán dẫn và đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước trong tương lai.
Nhật Bản tiếp tục đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư, hỗ trợ chi phí cho các công ty xây dựng nhà máy và cơ sở nghiên cứu R&D để cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ tiến tiến nhất và tiếp tục tăng cường ảnh hưởng lên chuỗi sản xuất toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn thông qua hợp tác với các đồng minh và đối tác có công nghệ hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Một số hành động gần đây của Nhật Bản thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn
Ngày 6/6/2023, Nhật Bản đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số sửa đổi với nhiều mục tiêu tham vọng như tăng doanh số bán hàng lên hơn 15.000 tỷ Yên (tương đương khoảng 108 tỷ USD) đến năm 2030, tăng gấp 3 lần so với năm 2020; đảm bảo nguồn cung chip bán dẫn cho thị trường Nhật Bản; tăng cường nỗ lực phát triển và sản xuất chip bán dẫn tiên tiến quan trọng để thực thi chính sách an ninh kinh tế...
Thu hút chuyển dịch sản xuất, hợp tác R&D chip bán dẫn vào trong nước
Mặc dù, với số lượng nhà máy sản xuất chip bán dẫn nhiều nhất thế giới nhưng Nhật Bản chỉ có thể sản xuất chíp bán dẫn kích thước 40nm hoặc lớn hơn. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất loại chip bán dẫn cao cấp (kích thước 5nm - 16nm) và loại tầm trung (kích thước 20nm - 40nm).
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi chiến lược bán dẫn và kỹ thuật số (chiến lược lần đầu được ban hành vào tháng 6/2021) để tài trợ cho các cơ sở sản xuất chip bán dẫn và thu hút đầu tư vào trong nước đối với lĩnh vực này. Cụ thể, Nhật Bản kỳ vọng việc hỗ trợ cho hai nhà máy liên doanh tại tỉnh Kumamoto và tỉnh Mie (Nhật Bản) sẽ tạo ra tăng trưởng GPD lên 4,2 nghìn tỷ Yên, 463.000 việc làm và 750 triệu Yên thuế thu nhập.
Trong đó, Nhật Bản đã thu hút Công ty TSMC2 (vùng lãnh thổ Đài Loan) hợp tác với Công ty Sony và Denso (Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip tại tỉnh Kumamoto.
Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 476 tỷ Yên (khoảng 3,5 tỷ USD), chiếm 40% chi phí xây dựng nhà máy. Nhà máy liên doanh được khởi công vào tháng 4/2022 và dự kiến bắt đầu sản xuất chip loại 10 - 20nm từ tháng 12/2024 với 1.700 nhân công (trong đó 320 người từ Công ty TSMC, 200 người từ Công ty Sony), dự kiến mang lại hơn 4.000 tỷ Yên cho kinh tế địa phương trong 10 năm và tạo việc làm cho 7.000 người.
Tiếp đó, vào tháng 9/2022, Nhật Bản công bố tài trợ 46,5 tỷ Yên (320 triệu USD) xây dựng nhà máy liên doanh với công ty Micron (Mỹ) sản xuất chip DRAM 1-beta mới tại Hiroshima trong động thái tăng cường liên minh sản xuất chip với Mỹ. Công ty Micron sẽ đưa công nghệ tia cực tím (EUV) tiên tiến nhất lần đầu tiên vào Nhật Bản, dự kiến đầu tư 500 tỷ Yên để sản xuất chip DRAM 1-gamma (1γ) node.
Hợp tác với đối tác nước ngoài thành lập các trung tâm R&D trình độ cao
Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản tài trợ 50% chi phí xây dựng Trung tâm nghiên cứu hợp tác với Công ty TSMC (vùng lãnh thổ Đài Loan), trị giá 18,6 tỷ Yên (khoảng 170 triệu USD) tại Thành phố khoa học Tsukuba để hợp tác cùng nghiên cứu phát triển các vật liệu và công cụ bán dẫn. Trung tâm được thành lập với sự tham gia của hơn 20 nhà cung cấp hàng đầu Nhật Bản như Công ty Ibiden - nhà đóng gói chip, Công ty Asahi Kasei - nhà sản xuất vật liệu nổi tiếng với hệ thống dây điện siêu mỏng; Công ty Shin-Etsu Chemical - nhà sản xuất vật liệu tản nhiệt mới; Công ty Nagase & Co - nhà sản xuất vật liệu đúc và Công ty Shibaura Mechatronics - nhà sản xuất thiết bị chế tạo...
Cuối năm 2022, Nhật Bản ra mắt “Trung tâm công nghệ bán dẫn tiên tiến” hợp tác với Mỹ, với sự tham gia của các Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước để cung cấp các nghiên cứu mới nhất phục vụ sản xuất chip thế hệ mới 2nm.
Củng cố các cơ sở sản xuất chip bán dẫn, duy trì nguồn cung và ảnh hưởng chuỗi cung ứng trên toàn cầu
Nhật Bản tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mới sản xuất chip bán dẫn loại cao cấp và loại tầm trung thông qua cung cấp các khoản tài trợ cải tạo và mở rộng các nhà máy của 134 công ty trong nước. Mục đích chính của việc củng cố các cơ sở sản xuất trong nước để tiếp tục tăng sản lượng cho nhu cầu trong nước và đảm bảo thị trường toàn cầu tiếp tục phụ thuộc vào Nhật Bản trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Ngày 11/11/2022, Nhật Bản đã công bố thành lập Công ty Radipus, liên kết từ 8 tập đoàn (Toyota, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Denso, Sony, NTT, NEC, Softbank, nhà sản xuất chất bán dẫn KIOXIA, và ngân hàng MUFG) nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chip cao cấp và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Nhật Bản dự kiến cung cấp khoản tài trợ cấp 70 tỷ Yên cho Công ty Radipus, còn 8 tập đoàn sẽ đầu tư thêm tổng cộng khoảng 7 tỷ Yên. Mục tiêu Công ty Radipus hướng tới việc phát triển và sản xuất chất bán dẫn dưới 2 nanomet vào cuối những năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ 330 tỷ Yên cho Công ty Radipus theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số sửa đổi đã công bố.
Đảm bảo nguồn cung khoáng sản - nguyên vật liệu quan trọng cho sản xuất chip bán dẫn
Nhật Bản xác định chất bán dẫn là “vật liệu quan trọng được chỉ định” theo “Đạo luật thúc đẩy an ninh kinh tế” được ban hành vào tháng 5/2022. Vì vậy, để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đất hiếm đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm 60%), năm 2021, Nhật Bản đã sửa đổi Luật khai thác cho phép, khuyến khích các cơ quan khai thác nguồn đất hiếm trong nước. Các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước đủ điều kiện, được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, trợ cấp và cho vay với lãi suất thấp để sản xuất nguyên liệu thô cần thiết trong ngành sản xuất chất bán dẫn.
Hạn chế xuất khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất chip bán dẫn quan trọng
Hiện các công ty Applied Materials của Mỹ, ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản là ba công ty đang thống trị thị trường toàn cầu về các thiết bị sản xuất chip được sử dụng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI). Tiếp theo Hà Lan, vào tháng 3/2023, Nhật Bản đã cùng với Mỹ tham gia vào việc hạn chế xuất khẩu 23 thiết bị sản xuất chip bán dẫn tiên tiến, có hiệu lực từ tháng 7/2023.
Tăng cường nhu cầu sử dụng chip bán dẫn trong nước
Để thu hút các nhà sản xuất chip tiên tiến đầu tư đòi hỏi Nhật Bản phải kích thích nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm của họ. Kinh nghiệm cho thấy, chính nhu cầu từ những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Microsoft đã giúp nỗ lực thúc đẩy chuỗi cung ứng bán dẫn ở Mỹ. Nhật Bản không có Thung lũng Silicon, rất khó để thu hút các cơ sở sản xuất chip cao cấp.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành các kế hoạch thúc đẩy các ngành sử dụng chip tiên tiến như mạng 5G, ô tô tự hành, công nghệ thành phố thông minh và robot y tế... Luật an ninh kinh tế cũng yêu cầu các DN, cơ quan nhà nước rà soát các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hướng tới sử dụng các trang thiết bị tin cậy, được sản xuất trong nước và đảm bảo an ninh, an toàn.
Đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế
Trong thời gian qua, mặc dù số lượng nhân lực trong ngành sản xuất thiết bị bán dẫn đang gia tăng, nhưng trong ngành sản xuất mạch tích hợp nhân lực lại giảm đáng kể. Nhìn chung, nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn đã giảm khoảng 30% trong 20 năm qua. Nhu cầu thị trường nguồn nhân lực bán dẫn trong tương lai dự báo là rất cao, chỉ tính riêng 8 công ty lớn của Nhật Bản cần bổ sung thêm 40.000 nhân viên trong 10 năm tới.
Để đảm bảo nguồn nhân lực chất bán dẫn, Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường hợp tác đào tạo giữa công ty - học viện - chính phủ với sự tham gia của 76 tổ chức ở phía Nam - Nhật Bản (Công ty JASM, Đại học Kyushu và Cao đẳng Công nghệ Quốc gia Kumamoto); 71 tổ chức ở phía Bắc - Nhật Bản (Công ty Kioxia Iwate, Đại học Tohoku và Cao đẳng Quốc gia Ichinoseki); 95 tổ chức ở miền Trung Nam - Nhật Bản (Công ty Micron, Đại học Hiroshima và Cao đẳng Quốc gia Kure); 25 tổ chức ở miền Trung - Nhật Bản (Công ty Kioxia, Đại học Nagoya và Cao đẳng Quốc gia Gifu).
Để củng cố và tăng cường nghiên cứu và phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn, Nhật Bản chú trọng hợp tác với các đồng minh, các quốc gia thiện chí khác trong khu vực. Hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn đã tiến triển không chỉ ở cấp độ công ty mà còn ở cấp độ Lãnh đạo và Bộ trưởng. Vào tháng 5/2022, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nhất trí với “Nguyên tắc cơ bản trong hợp tác bán dẫn”, tiếp đó tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Mỹ đã công bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Vào ngày 18/5/2023, “Hiệp định Hiroshima” đã được ký tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Anh về quan hệ đối tác bán dẫn và hợp tác nghiên cứu phát triển chung để tăng cường chuỗi cung ứng bán dẫn. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima, lần đầu tiên tại G7, các nước đã thảo luận nghiêm túc về an ninh kinh tế và thông qua “Nguyên tắc về một chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đáng tin cậy”.
Ngoài Mỹ, Anh và vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản sẽ chú trọng hợp tác với EU, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong việc nghiên cứu và phát triển, sử dụng chất bán dẫn thế hệ tiếp theo và hợp tác trong trường hợp khẩn cấp... tuỳ theo nhu cầu và tình hình thực tế của các quốc gia.
Đề xuất định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đối với Việt Nam
Với những diễn biến và điều chỉnh chính sách, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước phát triển về công nghệ bán dẫn trong thời gian qua, trước nhu cầu không thể thiếu chip bán dẫn trong các sản phẩm của kỷ nguyên chuyển đổi số, Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia, xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn, trung hạn về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, từng bước tiếp cận tham gia vào các khâu, chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo trong tương lai 10-20 năm tới không bị nằm ngoài xu thế phát triển và bị động trong ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu thế giới, cụ thể:
Ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã phát triển rất cao và đã có sự phân công trình độ công nghệ khác nhau giữa các quốc gia. Việt Nam là nước đi sau xem xét, lưu ý đến trình độ công nghệ, phân công quốc tế (thiết kế, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói) trong chuỗi sản xuất chip bán dẫn, từ đó lựa chọn đối tác hợp tác phù hợp (Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan) để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ.
Trong kêu gọi hợp tác với nước ngoài, mục tiêu và lợi ích của đối tác là những yếu tố cần cân nhắc để xây dựng phương án hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ phù hợp như tại sao chiến lược thu hút đầu tư vào trong nước, Nhật Bản lựa chọn theo hình thức liên kết, liên doanh, còn khi Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thường chọn phương án đầu tư 100% vốn Nhật Bản. Để thu hút đầu tư cần đánh giá lựa chọn giữa các hình thức (đầu tư FDI, liên doanh hay chuyển giao toàn bộ công nghệ...) để Việt Nam có thể từng bước nắm bắt, làm chủ và phát triển được công nghệ trong ngành bán dẫn.
Trên cơ sở kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, DN mới chính là đối tượng nắm giữ các công nghệ quan trọng và sản xuất chip bán dẫn. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn theo hình thức công - tư, hỗ trợ các tập đoàn, công ty tư nhân lớn có tiềm lực như Viettel, FPT, Vingroup... xây dựng nhà máy chip bán dẫn.
Trong đó, tập trung tăng cường đầu tư cho R&D; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, đào tạo chuyên gia kĩ thuật cao; tập hợp, thu hút sự tham gia của chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài trong tham vấn chính sách, tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu - sản xuất chip bán dẫn.
Với trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, 22 triệu tấn, Việt Nam cần tìm kiếm, kêu gọi hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác nguồn nguyên liệu cho sản xuất chip bán dẫn, tiến tới làm chủ công nghệ khai thác, chủ động nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.
1. Ước tính có hơn 1.000 quy trình sản xuất chip bán dẫn với yêu cầu độ sạch cực cao. Với công nghệ tiên tiến và kỹ thuật tinh tế cao như vậy, các công ty Nhật Bản chiếm khoảng 31% ngành công nghiệp thiết bị sản xuất chất bán dẫn sau Mỹ (35%) và chiếm gần 50% số vật liệu bán dẫn chính không thể thiếu trong chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn.
2. TSMC kiểm soát hơn một nửa thị trường toàn cầu về sản xuất chip cho các Tập đoàn hàng đầu thế giới như Apple, Qualcomm, Nvidia, Broadcom, Amazon, Google và cũng là một nhà sản xuất quan trọng, cung cấp chip ô tô cho các Tập đoàn tại Nhật Bản như Sony, NXP, Renesas Electronics và Infineon. Các chip bán dẫn logic hiện đại kích thước nhỏ hơn 9 nm được sử dụng trong điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu và AI mới nhất chỉ được sản xuất ở 4 quốc gia, vùng lãnh thổ (Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc và Ireland), trong đó khoảng 60% ở Đài Loan.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)