Diễn đàn

Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn

Anh Minh 29/09/2023 15:21

Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, khẳng định quyết tâm, lộ trình cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Ngày 29/9/2023, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) 2023 đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC), Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) tổ chức.

Đây là sự kiện thường niên thảo luận về các cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn

Theo bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á, bất chấp những thách thức toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và thích ứng vượt trội trong năm 2022, khẳng định vị thế của Việt Nam như là một ngọn hải đăng của sự ổn định và tăng trưởng.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ. Đặc biệt, đầu tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và cùng nhau công bố việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm chiến lược toàn diện, cũng như, trong tuyên bố chung của hai quốc gia, hợp tác về ĐMST và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là những nội dung quan trọng nhất.

Hiệp hội SEMI Đông Nam Á cam kết đóng vai trò dẫn đầu trong việc giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực. Các sự kiện như VBS 2023 nhằm mục đích nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, Bà Linda Tan cho biết.

dt.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn với một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn với một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam; theo đó, đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Chúng tôi tin rằng hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để kết nối và hợp tác. Các doanh nghiệp (DN) thuộc SEMI Đông Nam Á sẽ thấy được tiềm năng của Việt Nam để trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, tạo ra sự tăng trưởng bền vững và góp phần mang lại lợi ích lớn cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi số (CĐS) được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Đồng thời, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.

Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam và trong khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh năm nay sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa DN trong chuỗi cung ứng bán dẫn Đông Nam Á và là cầu nối cho sự phát triển của ngành bán dẫn trong khu vực, được xem như thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm tới”, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết tại Hội nghị.

19-4-5666.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.

Đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực

Việt Nam đang được biết đến như là một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu nhờ vào những thay đổi tích cực trong chính sách thu hút đầu tư.

Trình bày về các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Long, phụ trách cơ sở Hà Nội, Trung tâm ĐMST quốc gia, Bộ KH&ĐT, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư mang lại cả những thách thức và cơ hội, điều cần thiết là phải ngay lập tức nắm bắt và vận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Long cho biết Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư đã yêu cầu phải tập trung phát triển những ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như CNTT, điện tử và truyền thông. Chính phủ cũng đã ban hành những chính sách hỗ trợ cho các ngành ưu tiên này, thông qua đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế và tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Từ năm 2001 - 2021, ngành bán dẫn toàn cầu tăng trưởng 13% mỗi năm, đạt giá trị khoảng 600 tỷ USD vào năm 2021. Xu hướng phát triển trong các lĩnh vực như xe tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, CĐS và dữ liệu lớn là động lực chính thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới.

Khuyến khích đầu tư là một trong những chính sách quan trọng trong thu hút đầu tư vào Việt Nam, tạo môi trường hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, qua đó đẩy nhanh quá trình thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo ra tác động tích cực chuyển dịch cơ cấu đầu tư giữa các ngành, các vùng.

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã liên tục ưu tiên chiến lược phát triển các sản phẩm bán dẫn, vì thế đã thiết lập nên những nền tảng quan trọng cho ngày hôm nay. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần một cách tiếp cận thống nhất mang tính quốc gia để giải quyết vấn đề chất bán dẫn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT để xây dựng Chiến lược Quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong những năm gần đây.

Việt Nam đứng thứ 10 trong xuất khẩu sản phẩm điện tử và đứng thứ 6 trong số các nước gia công, đóng góp lớn vào ngành công nghệ ICT. Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, CNTT, như những ưu đãi về thuế cho các sản phẩm về phần mềm và dịch vụ CNTT, chẳng hạn thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng cùng các ưu đãi về thuế thuê đất, mặt nước….

Ngoài ra, Việt Nam cũng có chi phí nhân công tốt, hệ sinh thái sẵn sàng. Đây chính là những động thái khuyến khích hữu ích để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam hiện tại có khoảng 300 DN lớn trong ngành, chúng tôi cũng là điểm đến của rất nhiều các công ty CNTT thế giới. Việt Nam đã thu hút đầu tư khoảng gần 30 tỷ USD trong ngành”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết và nói thêm rằng bằng việc hỗ trợ cho xu thế đa dạng hóa trong công nghệ, cũng như tham gia một cách tích cực, tập trung đúng thị trường ngách phù hợp, cung cấp, thiết kế vi mạch, sản xuất và xây dựng nâng cao năng lực, Việt Nam cũng như các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á có rất nhiều tiềm năng hướng tới tương lai.

1.jpg
VBS là sự kiện thường niên thảo luận về các cơ hội hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các DN bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp bán dẫn./.

Bài liên quan
  • Hà Nội chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn
    Công nghiệp bán dẫn được đánh giá là ngành của tương lai. Chính vì vậy, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng tối đa cho dự án mới, từ mặt bằng tại các khu công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đến cung cấp nguồn nhân lực…
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO