Truyền thông

SEMI SEA: Việt Nam đang là trung tâm phát triển bán dẫn của khu vực

Anh Minh 09:14 02/10/2023

Nói về triển vọng thị trường cũng như năng lực sản xuất và dự đoán ngành bán dẫn, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), nhận định Việt Nam là trung tâm của các hoạt động phát triển bán dẫn trong khu vực.

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Thông tin với các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) 2023 vừa qua, ông Nguyễn Đức Long, phụ trách cơ sở Hà Nội, Trung tâm ĐMST quốc gia, Bộ KH&ĐT, đã đưa ra một số chính sách nổi bật của Việt Nam. Theo đó, Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phát triển Sản phẩm Quốc gia đến năm 2030 xác định công nghệ thông tin, ngành viễn thông, điện tử là ngành được ưu tiên xem xét, lựa chọn sản phẩm để đầu tư phát triển.

resize-26-06-2023-11-24-12-chip-vn-13141.jpg
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về phương hướng thực hiện xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết định sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp là con đường chính và mục tiêu đến năm 2030, các ngành này sẽ đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo nền tảng công nghệ số cho các ngành khác.

Ông Long cho biết năm 2010, mạch tích hợp (IC) và vật liệu bán dẫn lần đầu tiên được thêm vào danh sách công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng.

Khuyến khích đầu tư là một trong những chính sách quan trọng nhằm thu hút các công ty, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, chính phủ luôn tạo môi trường hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, qua đó đẩy nhanh quá trình thu hút vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tạo ra tác động tích cực chuyển dịch cơ cấu đầu tư giữa các ngành, các vùng.

Việt Nam có các hình thức ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cả việc áp dụng chính sách thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường trong một kỳ hoặc trong suốt thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất như miễn tiền sử dụng hạ tầng đối với diện tích đất thuê nằm trên địa bàn phải nộp phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật do nhà nước đầu tư dự án cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung cấp dịch vụ công nghệ cao và có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thông thường thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%); Thời gian ưu đãi là 15 năm kể từ ngày chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển các hoạt động bán dẫn của khu vực

Ông Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) cho biết điểm mạnh cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn là có cơ sở hạ tầng và logistics tiện ích, với nhiều dự án đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đường sá, cảng và sân bay; giao thông đường bộ và đường biển, đường hàng không thuận lợi.

Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, rất lý tưởng để tiếp cận đến các chuỗi cung ứng bán dẫn hàng đầu thế giới giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nói về triển vọng thị trường bán dẫn cũng như năng lực sản xuất, trang thiết bị và dự đoán ngành bán dẫn, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), nhận định Việt Nam là trung tâm của các hoạt động phát triển bán dẫn trong khu vực.

“Những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên quốc tế đã gây áp lực lên ngành công nghệ, buộc các DN phải đa dạng hóa nền tảng sản xuất sang các quốc gia khác. Việt Nam đang hưởng lợi từ những hoạt động, xu hướng dịch chuyển sản xuất này”, ông Clark Tseng nói và cho rằng đầu tư vào bán dẫn và tăng trưởng năng suất sẽ đa dạng, phát triển về mặt địa lý trong vài năm tới.

Việt Nam là trung tâm phát triển ngày càng lớn mạnh đối với hoạt động kiểm thử và đóng gói bán dẫn. Việt Nam hiện là điểm đến của một số các công ty bán dẫn lớn nhất thế giới như Intel, Samsung, Amkor…

Theo ông Clark Tseng, về lâu dài, những yếu tố thúc đẩy thị trường bán dẫn là trí tuệ nhân tạo (AI) điện toán hiệu suất cao, công nghệ di động thế hệ mới 5G, tự động hóa và công nghiệp…

Ngành công nghiệp bán dẫn đã tăng trưởng 14% mỗi năm trong 20 năm qua và tăng trưởng hai con số trong 3 năm gần đây. Quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo phân tích của báo Bloomberg.

img_6431.jpg
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á

Để khai thác hết những tiềm năng và phát triển ngành bán dẫn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và thế giới, chuyên gia của SEMI cho rằng Việt Nam cần có những yếu tố hỗ trợ quan trọng về khung chiến lược và chính sách, về cơ sở hạ tầng, phát triển nhân tài và hệ sinh thái hợp tác. Trong đó, cần xây dựng chiến lược và lộ trình bán dẫn quốc gia với các định hướng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và các lĩnh vực trọng tâm; tăng cường hỗ trợ để DN nắm bắt cơ hội trong bối cảnh đầu tư bán dẫn đang tích cực…

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á, khẳng định ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế.

4 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tăng tốc ngành bán dẫn

Chiến lược và chính sách: Hoạch định chiến lược phát triển, tích hợp vào chuỗi giá trị toàn cầu; đưa ra các gói khuyến khích đầu tư và chương trình bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ.

Phát triển tài năng: Đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên; Thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực tư nhân và các tổ chức giáo dục để đào tạo, thực tập và tạo việc làm

Cơ sở hạ tầng: Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạnh mẽ, đảm bảo ổn định về nước, điện, quản lý rác thải; thiết lập cơ sở hạ tầng xã hội để thu hút và duy trì nhân tài.

Hệ sinh thái hợp tác: Thiết lập môi trường hỗ trợ quan hệ đối tác giữa các tổ chức và các nhà tiên phong trong nước; Phát triển hệ sinh thái công nghệ cao tại các địa điểm trọng điểm như Hòa Lạc, TP.HCM, Đà Nẵng để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
SEMI SEA: Việt Nam đang là trung tâm phát triển bán dẫn của khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO