Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất bán dẫn và những lưu ý để không thất bại
Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất bán dẫn sẽ góp phần giúp ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực cũng như toàn cầu, đẩy nhanh quá trình CĐS một cách tích cực.
Ngành công nghiệp bán dẫn có tác động thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Năm 1989, Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận SGS đã đưa ra nhận định: Không có một xã hội công nghiệp mạnh nào có thể tồn tại nếu không có ngành công nghiệp điện tử mạnh và năng động.
Để có một ngành công nghiệp điện tử mạnh, cần tiếp cận có kiểm soát đối với công nghiệp bán dẫn tiên tiến. Quá trình công nghiệp hóa của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của ngành bán dẫn.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương, ngành công nghiệp bán dẫn có tác động thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc biệt giúp nâng cấp toàn bộ nền công nghiệp của một quốc gia trên phương diện năng suất, năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), tổng doanh thu toàn cầu năm 2022 của ngành bán dẫn đạt 601 tỷ USD, đóng góp 5,9% GDP toàn cầu. Với mức độ phát triển và số hóa như hiện nay, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của ngành bán dẫn sẽ đạt từ 6 - 8%/năm cho đến năm 2030 và đạt doanh thu 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh xung đột và chiến tranh thương mại hay dịch bệnh, ngành bán dẫn toàn cầu gặp khó khăn về thiếu hụt nguyên liệu, nguồn cung, nguồn nhân lực, tốc độ tăng trưởng thực tế chưa ổn định.
Thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Anh nhằm tái cơ cấu chuỗi cung ứng cũng như gia tăng khả năng chịu rủi ro nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển.
Với lợi thế địa chính trị, độ mở kinh tế, nguồn nhân lực cũng như nền tảng ban đầu của ngành bán dẫn đã được tạo dựng trong gần 20 năm qua, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến có tiềm năng, cạnh tranh để tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả thế mạnh của mình, đạt được mục tiêu CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp bán dẫn phải là động lực của CĐS, giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới.
Thúc đẩy CĐS trong sản xuất bán dẫn sẽ góp phần giúp ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực cũng như toàn cầu, đẩy nhanh quá trình CĐS một cách tích cực.
Những nguyên nhân khiến DN CĐS thất bại
Tuy vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp tình trạng CĐS thất bại. Lý giải nguyên nhân, ông Chong Chan Pin, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc sản phẩm và giải pháp, Kulicke & Soffa, Phó Chủ tịch Ban cố vấn Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu khu vực Đông Nam Á (SEMI SEA), cho rằng có những DN triển khai dự án CĐS lớn quá, phức tạp quá, liên quan đến nhiều bộ phận, phòng ban. Vì vậy, dần dần mọi người bị mất tập trung, sao nhãng khỏi những điểm mấu chốt của dự án. Kết quả cuối cùng là DN không CĐS thành công.
Bởi vì dự án CĐS quá lớn nên mọi thứ triển khai chậm trễ, ngân sách không đủ, vận hành không nhanh. Để giải quyết vấn đề này, ông Chong Chan Pin cho rằng dự án CĐS quá cồng kềnh sẽ rất khó triển khai và khả năng thất bại cao. Thay vào đó, DN cần tập trung xem xét đâu là những vấn đề chính cần giải quyết.
“Chúng ta phải tìm hiểu rõ năng lực, quy mô triển khai chứ đừng cố gắng làm quá to, quá lớn so với khả năng”, ông Chong Chan Pin nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng hành trình CĐS cần bắt đầu từ quyết tâm kiên định của ban lãnh đạo cấp cao, rồi từ đó truyền xuống các bộ phận bên dưới. Thứ hai, DN phải xây dựng lộ trình CĐS rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm và có thể dự báo được những điều bất thường có thể xảy ra.
Trao đổi về câu chuyện CĐS như thế nào để tránh thất bại, ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc nhân sự, tiếp thị sản phẩm Qualcomm Việt Nam, cho rằng xây dựng lộ trình là điều rất quan trọng song điều đáng chú ý hơn nữa là làm thế nào để triển khai được lộ trình đó.
“Đôi khi DN đã có lộ trình nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp triển khai lộ trình”, ông Hoàng Hưng Hải nói và cho biết Qualcomm có hệ sinh thái với các đối tác, và có thể cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng về việc xây dựng lộ trình, đánh giá lại, đối sánh với chiến lược riêng của DN, để từ đó có chiến lược phù hợp hơn.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là các DN phải có lộ trình và phải tìm đúng đối tác phù hợp để triển khai lộ trình đó”, đại diện Qualcomm Việt Nam cho biết.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia nhắc đến trong việc thực hiện CĐS thành công, đó là nền văn hóa công ty - yếu tố có thể quyết định tính thành công hay thất bại của CĐS.
Cho đến nay, các DN vẫn còn sự nhầm lẫn giữa tự động hóa, ứng dụng CNTT và CĐS. Theo ông Charles Kuo, Giám đốc dịch vụ tư vấn PacRim, Siemens Vietbay, tự động hóa chỉ là một quá trình đơn lẻ. Còn CĐS có phạm vi phổ quát, rộng lớn hơn nhiều, liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều công nghệ hơn như tích hợp dữ liệu lớn, phân tích, dự báo, đặc biệt CĐS liên quan mạnh mẽ đến con người, đến nguồn nhân lực.
Không chỉ chuẩn bị nguồn lực trước khi thật sự bắt tay vào CĐS, DN còn phải tính đến bài toán quản lý đội ngũ nhân tài trong quá trình CĐS cũng như có sự chuẩn bị cho nguồn nhân lực khi CĐS, bởi rõ ràng CĐS sẽ tác động đến người lao động (NLĐ) và một số lo ngại có thể mất việc làm khi DN CĐS. Do đó, DN sẽ phải đào tạo NLĐ, tập huấn để NLĐ thích ứng với những giá trị gia tăng mới mà họ có thể có được từ CĐS. Những giá trị gia tăng này cũng sẽ giúp giữ chân NLĐ ở lại với DN, đặc biệt là những nhân sự có kỹ năng.
Giải pháp được đưa ra là thúc đẩy quá trình học tập để NLĐ đạt được những yêu cầu mới trong công việc, đồng thời hợp tác và trao đổi với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để xây dựng lộ trình học tập, nâng cao kỹ năng. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể xây dựng lộ trình 20 - 30 năm phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hà đến từ KPMG Việt Nam và Campuchia, CĐS không phải là về công nghệ, mà là về quy trình vận hành trên nền tảng công nghệ đó. Trong khi đó, nói về những thách thức của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bà Đỗ Thị Thu Hà cũng nhận định nhân lực là một nút thắt mà Việt Nam cần giải quyết.
“Đó là bài toán tìm đủ lao động có thể đáp ứng nhu cầu thị trường và các quy trình sản xuất mới”, bà Đỗ Thị Thu Hà nói./.