Dỡ bỏ lệnh cấm, iPhone 16 sắp được bán tại Indonesia
Indonesia và Apple đã đạt được thoả thuận về các điều khoản dỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16 tại quốc gia này, mở đường chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 tháng buộc gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ phải cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất tại Indonesia.

Bộ Công nghiệp Indonesia, đơn vị chịu trách nhiệm duy trì lệnh cấm, sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Apple sớm nhất là trong tuần này, theo những người tham gia cuộc đàm phán. Một cuộc họp báo về vấn đề này cũng sẽ được tổ chức.
Thỏa thuận này sẽ khép lại cuộc chiến bắt đầu vào tháng 10/2024 sau khi Indonesia từ chối cấp giấy phép bán thiết bị mới nhất của Apple, với lý do không tuân thủ các quy định về sản xuất nội địa đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Sau đó, Apple đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất tại quốc gia này, bao gồm xây dựng một nhà máy tại đảo Batam, sản xuất thiết bị AirTags. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã chỉ đạo các bộ trưởng chấp nhận và hoàn tất thỏa thuận. Tuy nhiên, tháng trước, Bộ Công nghiệp Indonesia vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm bán iPhone 16 của Apple bởi công ty chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa.
Yêu cầu nội địa hoá sản xuất iPhone của Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, cho thấy nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Tổng thống Prabowo Subianto và chiến lược gây áp lực lên các công ty quốc tế để phát triển sản phẩm tại địa phương của Indonesia đang đạt hiệu quả. Theo Bộ Công nghiệp, hiện có 354 triệu thiết bị di động đang hoạt động tại Indonesia, con số vượt xa dân số 280 triệu người.
Ngoài khoản đầu tư 1 tỷ USD, thoả thuận mới bao gồm cam kết của Apple trong việc đào tạo người dân địa phương về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm của công ty. Mục tiêu là để để người Indonesia có thể phát triển phần mềm tương tự và thiết kế sản phẩm của riêng họ. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu của chính phủ về việc thúc đẩy Apple thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại quốc gia này.
Khoản đầu tư đổi mới sáng tạo này sẽ được thực hiện thông qua các chương trình khác ngoài các học viện Apple hiện có tại Indonesia. Tuy nhiên, Apple hiện không có kế hoạch ngay lập tức bắt đầu sản xuất iPhone tại quốc gia này.
Mặc dù cả hai bên đã đồng ý dỡ bỏ các điều khoản lệnh cấm, Indonesia đã rút lại các quyết định trước đó nhưng vẫn có khả năng thỏa thuận này có thể thất bại.
Apple và Bộ Công nghiệp Indonesia đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Mặc dù việc hủy bỏ thỏa thuận vào phút chót hồi tháng 1 là điều bất ngờ, nhưng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục tiến triển tích cực. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita đã thông báo rằng Apple đã giải quyết khoản nợ 10 triệu USD cho chính phủ vì không tuân thủ các quy định địa phương trong giai đoạn 2020 - 2023.
Thỏa thuận này được cho là thắng lợi lớn cho Indonesia, với nhiều quy tắc thương mại cứng rắn quốc gia này đã khiến một công ty nước ngoài lớn buộc phải đầu tư nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất sản phẩm của mình tại Indonesia trong nước, thay vì chỉ coi quốc gia này làm trung tâm bán hàng. Trước đó, chính phủ đã tuyên bố rằng Apple chỉ đầu tư khoảng 95 triệu USD vào Indonesia.
Thỏa thuận này diễn ra cũng mang lại nhiều thuận lợi cho Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. Việc một gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ nhượng bộ chính quyền của ông Prabowo Subianto sẽ giúp nâng cao vị thế trong nước của ông, vốn đã bị ảnh hưởng sau nhiều lần cải tổ chính sách. Gần đây, kế hoạch cắt giảm chi tiêu lớn của ông - đe dọa đến việc làm và học bổng - đã kích động nhiều cuộc biểu tình trong tuần trước.
Trong khi đó, đối với Apple, thỏa thuận này mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường tiêu dùng khổng lồ của Indonesia vào thời điểm doanh số bán hàng ở Trung Quốc đang chậm lại./.