Indonesia thành lập Bộ mới để thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo
Tháng 10/2024, Tổng thống mới của Indonesia Prabowo Subianto đã công bố nội các mới với 48 bộ, 5 cơ quan ngang bộ nhiệm kỳ 2024 - 2029, trong đó có Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số.
Trong Nội các mới của Indonesia, Tổng thống Prabowo Subianto công bố bà Meutya Hafid là Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số (Ministry of Communication and Digital Affairs), được đổi tên từ Bộ Truyền thông và Thông tin (Komdigi).
Tổng thống Prabowo Subianto đã yêu cầu Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và truyền thông điệp này tới tất cả các thành viên Nội các mới.
Thúc đẩy hiệu quả, đổi mới sáng tạo cho chuyển đổi số
Trong thông điệp sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Meutya Hafid đã thúc giục Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số tăng cường hiệu quả và đổi mới trong bối cảnh Chính phủ đã có những thay đổi nhằm thúc đẩy CĐS.
“Tổng thống Prabowo giao Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số thực hiện nhiệm vụ của mình một cách độc lập. Mọi cấp bậc đều được thử thách để tạo ra những thay đổi có ý nghĩa”, Bộ trưởng Meutya Hafid tuyên bố.
Bộ trưởng Meutya Hafid nhấn mạnh những thay đổi này để đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ do Tổng thống đặt ra. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Meutya Hafid đề xuất thành lập một nhóm công tác đặc biệt hay còn gọi là "siêu đội" (super team) trong Bộ.
"Siêu đội này sẽ bao gồm những cán bộ hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành một đơn vị vững chắc, gắn kết. Công việc phải được thực hiện hiệu quả để đạt được các mục tiêu của chúng ta", Bộ trưởng Meutya Hafid nhấn mạnh.
Bộ trưởng Meutya Hafid kêu gọi tất cả các thành viên của Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số thúc đẩy tư duy "siêu đội" này ở tất cả các đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng Meutya Hafid tin tưởng các đơn vị sẽ thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả và đảm bảo thành công trong mọi lĩnh vực hoạt động. "Để đẩy nhanh việc đạt được mục tiêu, chúng ta cần những người có cùng tinh thần và sự hiểu biết chung”.
Bà Meutya Hafid đã đề ra hai ưu tiên cho 100 ngày đầu tiên trên cương vị mới của mình là: tạo ra một không gian số an toàn và mở rộng quyền truy cập Internet đến các khu vực xa nhất, quan trọng nhất và khó khăn nhất (3T).
"Đây là những mối quan tâm chính mà tôi đã tập trung vào kể từ khi còn làm việc tại Ủy ban I của Hạ viện Indonesia (DPR RI)", Bộ trưởng Meutya Hafid cũng cho biết an ninh kỹ thuật số cũng sẽ là trọng tâm chính của Bộ.
Tại một sự kiện trung tuần tháng 11/2024, Bộ trưởng khẳng định rằng chính phủ có trách nhiệm bảo vệ không gian số của Indonesia khỏi tội phạm số, đặc biệt là những tội phạm gây ra mối đe dọa về mặt tài chính cho người dân.
Bà nhấn mạnh rằng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số cam kết nỗ lực hết mình để bảo vệ chủ quyền của Indonesia trong không gian số bằng cách mở đường cho một hệ sinh thái số và bảo mật dữ liệu đáng tin cậy.
Cũng trong tháng 11, Bộ trưởng Meutya Hafid đã nhấn mạnh nhu cầu về tính bao trùm trong CĐS trong bài phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Kỹ thuật số Quốc tế (IDDC) năm 2024 được tổ chức tại Berlin, Đức, trong 2 ngày 21 - 22/11.
Theo đó, bao trùm, trao quyền và tin tưởng phải là những nguyên tắc cơ bản của CĐS. "Chính phủ Indonesia ưu tiên đáp ứng quyền truy cập Internet tin cậy với giá cả phải chăng cho tất cả người dân để xây dựng nền kinh tế số, trao quyền cho cộng đồng và thúc đẩy tri thức số”.
Bộ trưởng Hafid cũng nói về sự phát triển của cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật số và khả năng tiếp cận Internet. Bà cho biết quá trình số hóa đang phát triển nhanh chóng theo phong cách xuyên biên giới và mang lại nhiều thách thức quá lớn để có thể giải quyết một mình.
Tại sao Indonesia cần một bộ phụ trách các vấn đề kỹ thuật số?
Trong nhiệm kỳ thứ hai (2019 - 2024) của Tổng thống Joko Widodo, Indonesia đã có kế hoạch cải tổ Nội các, bao gồm việc thành lập một bộ mới để quản lý về chuyển đổi số, kinh tế số và sáng tạo.
Ông cho rằng Indonesia không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch thành lập một bộ kỹ thuật số chuyên trách. Nhiều quốc gia đã thực hiện việc chuyển đổi này, trong đó có cả quốc gia châu Phi, như Benin, Mali, Togo và Bờ Biển Ngà, cũng đang làm như vậy.
Indonesia sẽ đi theo của các nước công nghiệp tiên tiến như Vương quốc Anh, Pháp, Hy Lạp, Nga và Ba Lan đã có các bộ phụ trách các vấn đề kỹ thuật số.
Indonesia cần một bộ về các vấn đề kỹ thuật số vì một số lý do:
Số lượng người dùng Internet đang tăng lên…
Indonesia có số người dùng Internet cao thứ năm thế giới. Người dùng Internet Indonesia đã tăng từ 132,7 triệu lên 150 triệu người dân. Số người dùng các phương tiện truyền thông xã hội tăng từ 130 triệu lên 150 triệu, trong khi đó số người dùng truy cập phương tiện truyền thông xã hội qua thiết bị di động tăng từ 120 triệu lên 130 triệu.
Công ty tư vấn quản lý McKinsey dự báo nếu Indonesia thúc đẩy số hóa, nền kinh tế của nước này có thể tăng trưởng 150 tỷ USD, đóng góp 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - vào năm 2025.
… và các vấn đề khác
Tội phạm mạng, từ sự gia tăng của phần mềm độc hại và gian lận trực tuyến đến khiêu dâm cũng là thực trạng ở Indonesia cần có những nỗ lực để giải quyết. Indonesia cũng đang phải gặp phải vấn đề về nhân lực số: không đủ nhân lực làm việc các công việc kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia trước đây đã đưa ra dự báo nước này sẽ cần 650.000 nhân lực số mỗi năm. Do đó, từ năm 2015 - 2030, Indonesia thiếu hụt 9 triệu nhân lực số.
Indonesia cũng phải đối mặt việc phát triển công nghệ. Trường giáo dục kinh doanh Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ đã xếp hạng Indonesia ở vị trí thứ 59 trong số 63 quốc gia về phát triển công nghệ trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh Kỹ thuật số Thế giới năm 2018 (2018 World Digital Competitiveness Ranking).
Một vấn đề khác là yêu cầu quản lý không gian mạng. Sau vụ xả súng chết người tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, trong đó 51 người thiệt mạng đã được phát trực tuyến và được chia sẻ không kiểm soát trên không gian mạng.
Indonesia đã nỗ lực thông qua Christchurch Call, sáng kiến kêu gọi các quốc gia ký kết thông qua và thực thi luật cấm phát tán nội dung bạo lực và ban hành các hướng dẫn việc ngăn chặn các thông tin tương tự. Một bộ phụ trách các vấn đề kỹ thuật số có thể hỗ trợ chính phủ Indonesia giải quyết các vấn đề nêu trên.
Quản trị thống nhất các chương trình "số"
Indonesia chưa có chiến lược số hóa tích hợp quản trị Internet. Nhóm công tác về quản trị Internet của Liên hợp quốc định nghĩa quản trị Internet là việc phát triển và áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định và quy trình hoạch định chính sách của chính phủ và khu vực tư nhân để quản lý lĩnh vực kỹ thuật số. Indonesia có 34 bộ, nhưng rất ít bộ giải quyết các vấn đề kỹ thuật số.
Các bộ vẫn chưa coi các vấn đề CĐS như tình trạng thiếu hụt nhân lực số trong các lĩnh vực của họ, cần được quan tâm đặc biệt.
Điều này dẫn đến một số vấn đề cấp bộ, ví dụ như bảo vệ dữ liệu cá nhân, bị bỏ qua hoặc khi được giải quyết thì không được thực hiện tốt. Bộ Truyền thông và CNTT đã cố gắng giải quyết những vấn đề này bằng cách thành lập Tổng cục Ứng dụng thông tin.
Tuy nhiên, Tổng cục này chỉ tập trung vào việc quản lý việc phổ biến thông tin, quyền riêng tư dữ liệu và các vấn đề liên quan đến việc sử dụng nền tảng thương mại điện tử. Trọng tâm của Tổng cục là các vấn đề về quy định và xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông. Trong khi đó, các tổ chức khác tập trung vào việc giám sát các lĩnh vực kinh tế số, bao gồm Cơ quan Dịch vụ Tài chính. Cơ quan này xử lý gian lận trong kinh doanh công nghệ tài chính (fintech) bằng cách ban hành quy định riêng về đổi mới tài chính số.
Một bộ phụ trách các vấn đề kỹ thuật số được đề xuất thành lập để giải quyết các vấn đề vượt ra ngoài những vấn đề nêu trên. Đồng thời, Bộ này có thể giải quyết các vấn đề như nhân lực số, năng lực quốc gia và khuôn khổ an ninh mạng, và quản trị số. Bộ phụ trách các vấn đề số cũng hỗ trợ cho các bộ khác phát triển và triển khai các chính sách về các vấn đề số với vai trò tư vấn.
Nếu Indonesia có thể khai thác tiềm năng ngày càng tăng của quá trình số hóa và giải quyết các vấn đề đang ngày càng cấp bách khác nhờ CĐS thì Indonesia không phải lo lắng về những rủi ro, bao gồm cả vấn đề thiếu hụt lượng lao động số và bảo mật dữ liệu cá nhân./.