Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Thanh Hoá, có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Anh Xuân, Bí thư Thành uỷ TP Thanh Hoá; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Trường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP Thanh Hoá.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã chúc mừng đồng chí Nguyễn Huy Dũng mới được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhắc lại đề xuất, kiến nghị của cử tri TP Thanh Hoá tại buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh mới đây về đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Đỗ Trọng Hưng khẳng định tỉnh sẽ ủng hộ và giúp đỡ cao nhất để TP Thanh Hoá thực hiện mục tiêu này, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI và Nghị quyết 58NQ/TƯ của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước, 1 cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển của phía bắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thì đóng góp của các đảng bộ trực thuộc đóng vai trò rất quan trọng. TP Thanh Hoá là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh, với vai trò, vị trí quan trọng, TP Thanh Hoá phải đi đầu mọi mặt, trong đó xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá cao tinh thần, quyết tâm, sự chủ động của thành phố, tuy vậy, để đạt được kết quả tốt nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia CNTT quan tâm, hỗ trợ, đồng hành về giải pháp, công nghệ, chuyên môn… để quá trình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
Tại buổi làm việc, báo cáo tóm tắt đề án xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030 đã nêu rõ thực trạng TP Thanh Hoá và thực trạng triển khai đô thị thông minh trên địa bàn Tp Thanh Hoá.
Trong đó, đáng chú ý TP Thanh Hoá được đánh giá là đơn vị hành chính có hạ tầng viễn thông, CNTT có chất lượng cao, khá đồng bộ và hiện đại với nhiều tiện ích tiên tiến.
Đến nay hệ thống mạng Cable quang đã phủ khắp địa bàn, cung cấp đầy đủ dịch vụ Internet và đường truyền số liệu có băng rộng với 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn Viettel, VNPT và FPT.
Hệ thống Internet miễn phí có gần 3.000 điểm truy cập công cộng. Doanh nghiệp CNTT, viễn thông ngày càng tăng về số lượng, các sản phẩm CNTT, viễn thông có tính cạnh tranh cao. Úng dụng CNTT - viễn thông trong xây dựng chính quyền điện tử được quan tâm, triển khai đồng bộ. Ứng dụng CNTT - viễn thông trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu thuộc các nhóm thương mại điện tử; điều khiển, tự động hoá; dịch vụ tài chính, thuế, ngân hàng và quảng bá…
Mô hình triển khai xây dựng TP Thanh Hoá trở thành thành phố thông minh dựa trên 4 trụ cột chính: Quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế. Mục tiêu tổng quát xây dựng TP Thanh Hoá trở thành thành phố thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng CNTT - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững.
Trên cơ sở đề án, tại buổi làm việc, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa; đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu cho Chính phủ ban hành Bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh; giới thiệu, làm cầu nối để thành phố tiếp cận với các đối tác để hợp tác xây dựng TP Thanh Hoá trở thành thành phố thông minh tiêu biểu, đồng thời lựa chọn TP Thanh Hoá làm đơn vị thí điểm xây dựng đô thị thông minh.
Đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có Nghị quyết về xây dựng TP Thanh Hoá trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030; ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững nhằm tạo môi trường pháp lý và điều kiện hỗ trợ nguồn lực để phát triển đô thị thông minh tại TP Thanh Hoá.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm quá trình thực hiện chính quyền điện tử và lĩnh vực quản lý về giao thông thông minh bởi trên thực tế tình trạng mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố đã có tình chất phức tạp do lượng phương tiện tăng nhanh.
Tại buổi làm việc, đại diện các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp ý vào đề án để xây dựng TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, trong đó đáng chú ý việc triển khai thực hiện các giải pháp để xây dựng đô thị thông minh phải gắn với tình hình thực tế của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế tại các địa phương trên cả nước. Vì vậy, đây là một nhiệm vụ lớn, thời gian 5 năm không dài và cần sự quyết tâm cao, có cách làm khoa học, đạt hiệu quả, tránh triển khai theo phong trào, gây lãng phí.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp TP Thanh Hóa triển khai hiệu quả đề án, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết Bộ sẽ đưa TP Thanh Hoá vào danh sách thí điểm triển khai, đồng thời cam kết đồng hành về chuyên môn, san sẻ rủi ro khi gặp sự cố, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành làm thử một số việc cần làm ngay có sự tham gia hỗ trợ của một số doanh nghiệp, đồng hành mang nền tảng công nghệ số mới về ứng dụng tại Thanh Hoá.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng đề nghị Tỉnh uỷ cần ban hành nghị quyết để thể hiện sự nhất quán, đồng lòng về việc thực hiện đề án; UBND tỉnh có chiến lược, kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời mong muốn những ý tưởng, cam kết hôm nay sẽ sớm được triển khai thực hiện hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhất là Nghị quyết 58NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã định hình về vấn đề chuyển đổi số và tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Riêng đối với TP Thanh Hoá, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị khẩn trương tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành kết luận về nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh. Về nguồn lực, về phía tỉnh có 2 nguồn là đầu tư công và vốn sự nghiệp (có tính chất đầu tư); về phía thành phố, có vốn đối ứng và sử dụng nguồn lực xã hội hoá. Về bộ máy, trong Nghị quyết về phát triển tổng thể của thành phố cần dành nội dung thoả đáng cho nhiệm vụ này, khi có Nghị quyết phải thể chế hoá và triển khai thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Đỗ Trọng Hưng cũng lưu ý các đơn vị chức năng, nhất là TP Thanh Hóa cần phải có sự chủ động, quyết tâm, phân công đấu mối, tăng cường phối hợp, gắn kết chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức, triển khai thực hiện đạt hiệu quả.