Truyền thông

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần chuyển đổi số để phát triển

P.V 09/10/2023 15:18

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tên tuổi bán lẻ trên khắp thế giới. Để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt buộc phải thay đổi, tập trung chuyển đổi số, tiết giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh .

"Miếng bánh" hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại

Báo cáo của Bộ Công thương vừa công bố cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC Thái Lan) đã công bố khoản đầu tư trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023-2027. Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai). Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam Bruno Jousselin cho biết, vài năm trở lại đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

ban-le-viet-nam-thoi-co-va-thach-thuc-trong-tuong-lai-gan.jpg
Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD.

Không chỉ Thái Lan, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay. Trong số đó, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ trong 1 - 2 năm tới.

Chiếc bánh "thị trường bán lẻ" phân ra làm hai phần: các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hoá chiếm khoảng 75%, còn các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chiếm đâu đó 25%, tức là một phần tư "chiếc bánh" này.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Với dân số hơn 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt. Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay tại trong nước, chúng ta không thiếu gì hết. Tôi cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển lên một cấp khác nữa.

Có thể thấy, cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đã giúp cho thị trường bán lẻ Việt Nam thêm sôi động, phong phú các mặt hàng của nhiều nước trước đây chỉ có thể ra nước ngoài mới mua được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này cũng đồng nghĩa thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Nếu doanh nghiệp Việt không thích ứng, chuyển đổi theo xu hướng chung của thị trường thì sẽ khó chuyển mình trong giai đoạn tới.

Doanh nghiệp Việt "chuyển mình"

Việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam đã gây sức ép nhất định đến miếng bánh thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc nhiều doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

1-1477962977.jpg
Nhiều doanh nghiệp Việt đang tìm hướng đi để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bán lẻ.

Trong năm 2022, Saigon Co.op vươn lên vị trí số 1 về bán lẻ siêu thị. Doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Sẽ có những xu hướng nắm bắt để đảm bảo rằng logistics trở thành xương sống trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Tập trung định hướng để phù hợp với xu thế phát triển, trong đó thương mại điện tử sẽ được chú trọng trong giai đoạn mới này".

Sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước, hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. Doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, doanh nghiệp cho biết, năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.

Trong khi đó, hệ thống nhà thuốc bán lẻ Pharmacity đã đầu tư hẳn 100 tỷ đồng vào nền tảng của RELEX Solutions để giúp hệ thống bán lẻ Pharmacity điều chỉnh và tối ưu hóa nhu cầu, hàng hóa, chuỗi cung ứng và lập kế hoạch hoạt động trên toàn chuỗi giá trị đầu cuối.

Ông Onni Rautio, Giám đốc Kinh doanh của RELEX Solutions khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, với sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng hiện nay, không chỉ trong nước mà cả thế giới, người tiêu dùng thích mua hàng từ hàng đắt sang hàng rẻ, chuyển từ hàng có thương hiệu toàn cầu sang thương hiệu, nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ để giá hàng rẻ hơn. Đây là bài toán cho các nhà bán lẻ xác định nhu cầu của người tiêu dùng, như giá rẻ cho mặt hàng nào, nhãn hàng nào… Người bán lẻ cần có kế hoạch và dự đoán trước nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia bán lẻ, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội mở rộng thị phần nếu biết nắm bắt thói quen, thị hiếu tâm lý mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Trưởng Ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) - TS. Lê Huy Khôi cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể không bằng được doanh nghiệp ngoại về vốn, về quy mô nhưng điểm mạnh của các đơn vị trong nước là nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng cũng như thói quen mua sắm của người dân Việt Nam.

“Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi, do đó, việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường ngách là một cách lựa chọn khôn khéo đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội” - TS. Lê Huy Khôi nhận định.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần chuyển đổi số để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO