Truyền thông

Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí ở các nước ASEAN

Quỳnh Trang 09:01 06/10/2023

Các quốc gia đang đối diện với cơ hội và thách thức lớn khi quá trình chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của con người. Trong bối cảnh này, chuyển đổi số ngành truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn, mà là điều cần thiết cho sức sống của ngành.

Chuyển đổi số thúc đẩy báo chí lên một tầm cao mới

Sự chuyển đổi quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại chắc chắn là việc chuyển từ truyền thống sang thế giới kỹ thuật số. Sự chuyển đổi này đã thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc và giao tiếp. Trên toàn thế giới, các quốc gia đang đối diện với nhiều cơ hội và thách thức khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thay đổi mọi khía cạnh của xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống và thói quen hàng ngày.

Việc các quốc gia ASEAN cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chiến lược, các phương pháp hiệu quả để thúc đẩy các tổ chức cơ quan báo chí chuyển đổi số một cách bền vững là điều hết sức cần thiết. Chuyển đối số giúp nâng cao khả năng truyền thông của báo chí, thu hút sự chú ý của người xem trên các nền tảng mạng xã hội và duy trì các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại hóa của ngành truyền thông. Đây thực chất là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động báo chí, mở rộng hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới và ưu việt, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu suất truyền thông đến người tiêu dùng thông tin. Để phát triển truyền thông trong lĩnh vực báo chí, cần thiết phải xây dựng một chiến lược quy hoạch tổng thể mới, bao gồm sứ mệnh, tầm nhìn, và chiến lược trong tương lai, kèm theo kế hoạch hành động dài hạn.

z4747847487126_eb5f217f1eae07256b1d8e6863940c52.jpg
Hội thảo ASEAN “Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số” được tổ chức ngày 21/9 tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTTT Bộ TT&TT)

Phát biểu tại Hội thảo ASEAN “Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số” được tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 21/9 vừa qua, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Việc chuyển đổi kỹ thuật số của phương tiện truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề sống còn, mà là điều cần thiết cho sức sống của ngành. Các phương tiện truyền thông không được quên sứ mệnh cao cả của mình - cung cấp sự thật chính xác và phân tích có ý nghĩa, bảo vệ công chúng khỏi bị lừa bởi tin tức giả và thông tin sai lệch”.

Các nước ASEAN đã và đang nỗ lực phát triển nền báo chí chất lượng cao

Myanmar đã tiến hành những cải cách truyền thông quan trọng trong thời gian gần đây, bao gồm việc bãi bỏ Luật Đăng ký Nhà xuất bản và Nhà in năm 1962. Đồng thời, ban hành Luật Báo chí mới nhằm thúc đẩy trách nhiệm và quyền tự do của báo chí. Nhờ những biện pháp này, các phương tiện truyền thông có thể hoạt động với sự tự chủ và độc lập cao hơn. Báo chí có sứ mệnh quan trọng là giáo dục và truyền thông, là tiếng nói của người dân để thông tin được gửi đến Chính phủ. Myanmar đã tăng cường các hoạt động chống thông tin giả mạo và sai lệch, sử dụng công nghệ tiên tiến trong phát sóng và áp dụng chính sách để tạo sự tương tác giữa Chính phủ và người dân.

Tại Campuchia, chuyển đổi số là việc thay đổi tư duy để làm cho cuộc sống trở nên thuận lợi hơn. Campuchia đã thực hiện giám sát nội dung trên các kênh truyền hình và mạng liên lạc, đồng thời xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, hướng đến việc loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025. Campuchia mong muốn tăng cường hợp tác công-tư, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để thúc đẩy chuyển đổi số trong mạng lưới truyền hình, đặt ra mục tiêu xây dựng nền tảng thống nhất cho truyền thông quốc gia và áp dụng các công nghệ truyền tải hiện đại như 5G vào phát thanh và truyền hình.

Indonesia đã thiết lập một hệ thống quy định rõ ràng liên quan đến truyền thông báo chí, thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý tài khoản mạng, và tin tức truyền thông trực tuyến. Luật Báo chí đã giúp thúc đẩy sự phát triển của báo chí tự do và dân chủ, tạo điều kiện công bằng và hệ sinh thái lành mạnh cho nền báo chí chất lượng cao. Ngoài ra, các quy tắc ứng xử trong việc phát sóng chương trình, điều tiết ngành công nghiệp điện ảnh, cấp phép phát hành phim cũng như cơ chế kiểm duyệt đã được quy định một cách rõ ràng, đảm bảo tính an toàn trong giao dịch điện tử và ngăn ngừa thông tin sai lệch và lừa đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hầu hết các luật về truyền thông thường tập trung vào khía cạnh kỹ thuật với các cơ quan cung cấp thông tin, nên vẫn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng và công chúng. Indonesia đang tiếp tục nỗ lực phát triển hệ thống truyền thông báo chí dựa trên ba tiêu chuẩn quan trọng, bao gồm các đạo luật về kỹ thuật số, tin tức trực tuyến, và quy tắc thương lượng trong lĩnh vực tin tức. Những tiêu chuẩn này sẽ giúp đảm bảo sự cân bằng giữa các bên liên quan.

Brunei đã tham gia vào các hiệp định quốc tế liên quan đến bảo vệ thông tin, như các công ước của châu Âu và Australia, với nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền tác giả và quyền sử dụng thông tin, đặc biệt trong các hợp đồng liên quan đến sử dụng thông tin và lao động. Brunei đã thiết lập các tiêu chuẩn về Internet, cung cấp dịch vụ thông tin và chính quyền đã xây dựng chiến lược thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ, đơn vị và các phần liên quan đến quan hệ công chúng. Mục tiêu là tăng cường hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số trong các đơn vị truyền thông.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan hoạt động báo chí đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao. Ví dụ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình bằng việc triển khai ứng dụng xem truyền hình trực tuyến VTVgo từ năm 2015. VTVgo không chỉ cung cấp hàng chục kênh truyền hình chất lượng cao trực tuyến mà còn có hàng nghìn giờ chương trình theo yêu cầu. Thống kê cho thấy VTVgo hiện đang có hơn 8 triệu người dùng thường xuyên, trong đó có 6 triệu người dùng truy cập từ các thiết bị di động và 2 triệu người dùng sử dụng trên TV thông minh. Nền tảng này thu hút hơn 240 triệu lượt xem mỗi tháng, cho thấy sự phổ biến và thành công trong việc cung cấp nội dung truyền hình trực tuyến.

z4747847702922_0952f48705adcb3e3cae954ff1e38a9f.jpg
Ứng dụng chuyển đổi số báo chí ở các nước ASEAN đạt được nhiều hiệu quả cao. (Ảnh: Internet)

Cần triển khai thêm các chiến lược cụ thể

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông của ASEAN, tại hội thảo ASEAN “Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng đã nêu ra những điểm chính như sau:

Thứ nhất, cần thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất: ASEAN nên tiếp tục tích cực trao đổi chính sách, bài học, và ứng dụng thành công liên quan đến chuyển đổi số. Điều này không chỉ bao gồm chính sách và công nghệ mà còn các chiến lược, đào tạo lao động và chiến lược đầu tư.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác với các bên liên quan khác: Chính phủ ASEAN nên kêu gọi hợp tác với các đối tác khác để thực thi chính sách, đào tạo nhân lực và sử dụng nguồn lực để số hóa báo chí và truyền thông.

Thứ ba, ASEAN cần có kế hoạch toàn diện về chuyển đổi kỹ thuật số: nên áp dụng chiến lược tiếp cận theo lộ trình cụ thể để giúp các nước ASEAN phát triển một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có thể xem xét xây dựng chỉ số chung để đo lường mức độ trưởng thành của chuyển đổi số trong truyền thông và cung cấp công cụ đo lường tương ứng.

Với những giải pháp và bằng những hành động cụ thể, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người dân, xã hội và các đối tác khác vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, ASEAN chắc chắn sẽ chuyển đổi số lĩnh vực truyền thông một cách tích cực, nhanh chóng, hiệu quả và chất lượng cao.

Bài liên quan
  • Tiếp nhận tin tức qua mạng xã hội và nỗi lo tin giả
    Dòng chảy thông tin luôn biến động không ngừng. Các nhà nghiên cứu truyền thông, những người làm công tác giáo dục lẫn các bậc phụ huynh luôn cố gắng đảm bảo rằng người tiếp nhận tin tức, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, không chỉ được an toàn khi trực tuyến mà còn có thể nâng cao kỹ năng. Xã hội biến động, xu hướng tiêu thụ tin tức trên toàn cầu đang thay đổi - chúng ta đang nhanh chóng chuyển từ các dịch vụ tin tức truyền thống sang phương tiện truyền thông xã hội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí ở các nước ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO