DN bưu chính đảm bảo cung cấp dịch vụ thiết yếu
Thông tin tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững, thích ứng với dịch COVID lĩnh vực bưu chính do Bộ TT&TT tổ chức ngày 5/11, bà Vũ Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng, nhiều tỉnh/thành đã phải thực hiện giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN. Tuy nhiên, các DN bưu chính (DNBC) đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thúc đẩy SXKD và thể hiện rõ nét vai trò thiết yếu, là hạ tầng bảo đảm dòng chảy vật chất của xã hội thông qua việc là cầu nối giữa người dân và các DN, giúp lưu thông hàng hóa, giảm tiếp xúc xã hội, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Vụ Bưu chính, đến ngày 30/9/2021, có 650 DNBC, tăng 67 DN, tương ứng tăng 11% so với ngày 31/12/2020. Doanh thu toàn Ngành đạt 27.400 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ 2020), đạt xấp xỉ 66% so với kế hoạch năm 2021 (41.600 tỷ đồng). Sản lượng bưu gửi đạt 890 triệu cái (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020) đạt xấp xỉ 68% so với kế hoạch năm 2021 (1.300 triệu cái), trong đó, thư đạt 146 triệu cái (bằng so với cùng kỳ năm 2020); gói, kiện hàng đạt 734 triệu cái (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020).
Theo bà Thuỷ, các chỉ tiêu hiện chưa đạt đúng như mục tiêu đề ra, nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều tỉnh phải thực hiện giãn cách, gây làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các DNBC trong quý III/2021. Các chỉ tiêu đều giảm, cụ thể, doanh thu giảm 19% so với cùng kỳ 2020; sản lượng bưu gửi giảm 4% so với cùng kỳ 2020.
Trong đại dịch, DNBC đã tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tính đến ngày 16/10/2021, đã thiết lập 4.162 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 102.974 tấnhàng hóa, trị giá 1.614 tỷ; vận chuyển 8.390 tấnhàng hóa theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Các DNBC đã chung tay hỗ trợ người dân chống dịch COVID-19.Dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT cùng sự đóng góp của Tập đoàn VNPT, Viettel Telecom, T&T Group, Ngân hàng MBank, từ ngày 17/8 - 15/9/2021, Tổng công ty BĐVN (BĐVN) và Viettel Post đã triển khai Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" với kinh phí thực hiện lên đến 160 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người lao động tự do tại TP. Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Chương trình đã phát hơn 500.000 món quà với trị giá hơn 160 tỷ đồng cho người dân TP. HCM.
Các DNBC lớn thực hiện Chương trình chung tay vì cộng đồng, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân tại một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn các xã hội. Đến ngày 21/8/2021, đã phát 1.744 tấn lương thực (trị giá hơn 40 tỷ đồng) đến gần 890.000 người dân.
Về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD của các DNBC, bà Thủy cho biết số lượng người lao động bưu chính được tiêm vắc-xin còn rất hạn chế và tùy thuộc vào chính sách của từng địa phương (do không thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP). Mặc dù DNBC được các địa phương cho phép hoạt động để cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người dân nhưng các quy định/chính sách áp dụng chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho DNBC trong hoạt động SXKD.
Một số địa phương, chính quyền, cán bộ xã, phường chỉ chấp nhận BĐVN, Viettel Post là DN bưu chính, dẫn đến các DNBC khác gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tại Hà Nội, việc cấp giấy đi đường và test cho người lao động của DNBC bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém công sức và tạo tâm lý hoang mang, bất ổn.
Trước những khó khăn của các DNBC, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Vụ Bưu chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan bám sát tình hình, kịp thời đề xuất những vấn đề cần đề xuất, giải quyết thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT với thông điệp luôn đồng hành cùng DN, sẵn sàng cùng với các đơn vị trong Ngành tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ các DN phát triển. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng các DNBC trong việc hỗ trợ bà con nông dân thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là qua đường thương mại điện tử - TMĐT).
Tăng tốc độ số hóa trong hoạt động
Tại Hội thảo, ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ Giao hàng nhanh (GHN) cho biết quý III sản lượng của DN này đã giảm 50%. Tuy nhiên, trong khó khăn, cơ hội cũng xuất hiện. Trong tháng 10, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, GHN đã tạo ra kết quả mới; doanh thu, sản lượng của GHN đã tăng trưởng tốt hơn trước dịch bệnh và là tháng tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm đến nay.
Ông Hoài cũng cho biết dịch bệnh đã khiến DN này tăng mức độ số hóa và tăng năng suất. Nếu trước đây một nhân viên đi gặp khách hàng thì trung bình một ngày gặp được 10-15 khách hàng. Trong giai đoạn dịch bệnh, DN đã phải bổ sung công cụ để tương tác với khách hàng nhiều hơn. Bản thân nhân viên, khách hàng cũng phải quen với việc đó. Một nhân viên hiện nay có thể tương tác 100 khách hàng, nên năng suất tăng lên nhiều và giúp cho tăng trưởng của DN bứt phá. Người dân cũng đã quen với nhu cầu, cách thức mới trong mua bán hàng hóa và khi thị trường mở cửa trở lại thì thói quen này được duy trì và tiếp tục tăng.
GHN cũng như nhiều DNBC vẫn mong muốn đội ngũ nhân viên được tiêm chủng COVID nhiều hơn bởi qua dịch bệnh xã hội đã công nhận vai trò quan trọng của lực lượng chuyển phát (shipper) và họ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ. GHN cũng mong muốn các Sở TT&TT tại địa phương đồng nhất các chính sách để giúp DNBC hoạt động trơn tru hơn, cụ thể là việc cấp phép hoạt động cho nhân viên.
Cũng chia sẻ tín hiệu vui, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) cho biết trong tháng 10/2021, sản lượng của công ty này đã tăng trưởng trở lại. Trong giai đoạn dịch bệnh, GHTK tập trung vào nhân sự bởi con người là quan trọng nhất nên đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tiêm chủng và làm chủ xét nghiệm nhanh, hỗ trợ máy tính cho con em nhân viên học tập từ xa.
GHTK cũng xây dựng hệ thống cảnh báo thời gian thực vùng xanh - đỏ, số hóa tình trạng shipper và phong tỏa nhanh, đóng tuyến khi có nguy cơ, để giảm tác động, duy trì kết nối trực tuyến với khách hàng. GHTK và cũng như nhiều DNBC chuyển phát cho biết cũng gặp khó khăn thu hút lao động.
Đại diện công ty TikiNow Smart Logistics (TNSL) cho biết tháng 5/2021 nhận thấy dịch COVID-10 bùng phát tại phía Nam, các chợ truyền thống bị đóng cửa, công ty đã phát triển gian hàng thực phẩm tươi sống trực tuyến Tiki Ngon.
Đại diện DN này cũng đề xuất nên thống nhất quy định từ Trung ương đến địa phương về công tác chuyển hàng nhằm tiết kiệm được chi phí.
Đại diện dịch vụ giao hàng AhaMove cho biết đơn vị này ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch do tập trung giao hàng ở Hà Nội, TP. HCM. Trong đại dịch, AhaMove kết hợp 3 - 4 gói hàng trong 1 lần đi giao hàng trong vòng 2 tháng, tiết kiệm 70% chi phí so với gói giao hàng siêu tốc như Grab hay GoJek. AhaMove thực hiện giao hàng bằng xe máy tốt rồi thì sẽ mở rộng kết nối các xe tải như cho vùng nông sản trong phạm vi 50 - 100km.
Tuy nhiên, AhaMove cho rằng cần đào tạo người dân sử dụng công nghệ tốt hơn để có thể thực hiện giao dịch, thanh toán thì sẽ tạo đột phá hơn nữa. Nhà nước cũng đóng vai trò rất lớn trong quá trình này.
Còn theo ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc BĐVN, khía cạnh công tác dự báo trong đại dịch rất quan trọng. Theo dự báo đến 2025, thị trường TMĐT Việt Nam là 29 tỷ USD. Vậy DNBC phải tập trung làm cho chiếc bánh này lớn lên và mở rộng nhu cầu của người dân. Nhu cầu của người dân về dịch vụ bưu chính, TMĐT lớn lên rất nhiều và như vậy cần phải tạo thói quen, thị trường mới.
Là DNBC quốc gia, BĐVN mong muốn là hợp tác với các DNBC để phát huy thế mạnh của nhau, tiết kiệm chi phí, mở rộng khách hàng. "Trong đại dịch vừa qua, quan trọng hàng hóa thiết yếu được chuyển đến được người dân, thời gian ngắn nhất".
Tổng giám đốc BĐVN đề xuất các DNBC có thể dùng chung nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode và sắp tới là tủ smartlocker được BĐVN đầu tư.
Sử dụng chung hạ tầng, nền tảng số để cùng phát triển lớn mạnh
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi đề xuất, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều việc. Hiện nay, tổ chức, DN, người dân đã quen với ứng dụng công nghệ, giúp tiết kiệm, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Nhiều hộ nông dân, người bán hàng bắt buộc phải học, sử dụng công nghệ bán hàng, ở nhà vẫn có thể chuyển hàng. Mua sắm trực tuyến tăng cao. Vai trò của nghề chuyển phát và cơ hội của DNBC tăng lên.
Tuy nhiên, miếng bánh thị trường lớn lên, Thứ trưởng cho rằng các DNBC không được chạy đua phá giá dưới giá thành, mà phải tập trung tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. DNBC sẽ tiến tới thống nhất dùng chung cơ sở hạ tầng khai thác lớn, chia sẻ, sử dụng chung phương tiện vận chuyển, bưu tá...
Riêng về hạ tầng lớn, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ chủ trì và làm việc với các địa phương để chỉ định DN bưu chính quốc gia, một DN độc lập thực hiện.
Việc dùng chung mạng lưới vật lý, các ứng dụng nền tảng số, Thứ trưởng đề các DN đăng ký về Bộ để sử dụng các nền tảng số quốc gia như địa chỉ số Vpostcode, bản đồ số, hay các nền tảng của các DNBC đã phát triển như Tikingon, Đi chợ hộ…
Để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu chia nhỏ chuỗi cung ứng như BĐVN, Viettel Post đang tập trung hỗ trợ thị trường nông thôn thì các DNBC, chuyển phát nhỏ hơn có thể tham gia và theo đó có thể kéo dài chuỗi giá trị và chi phí dược tiếp kiệm. Tiếp theo, các DNBC có thể chia sẻ, dùng chung dữ liệu để các DN cùng "canh tác" trên đó.
Hướng chiến lược tiếp theo của lĩnh vực bưu chính là tập trung mở thị trường, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước sẽ hỗ trợ DN mở. DNBC cần phải tham gia phối hợp mở thị trường như mở thị trường nông thôn, đi chợ hộ…
Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Bưu chính phối hợp với các DNBC xây dựng kịch bản đối phó với khủng hoảng xảy ra như đại dịch và có diễn tập. Bộ sẽ công bố chính thức về kịch bản ứng phó khủng hoảng của DNBC và chiến lược, quy hoạch phát triển bưu chính./.