Diễn đàn

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hãy nhận sứ mệnh làm rạng danh đất nước

Hoàng Linh 23/01/2025 08:07

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay có thể giải nhiều bài toán cho Việt Nam và tự tin vươn mình đóng góp cho sự phát triển của thế giới.

Trước thềm Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, chiều tối ngày 22/1/2025, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi gặp mặt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tiêu biểu ngành TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp mặt có ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Cùng tham dự buổi gặp mặt là nhiều DN công nghệ tiêu biểu như VNPT, Viettel, FPT, CMC, NTQ, One Mount Group, VNG, MK, Galaxy Holdings, Rikkei Soft, NTQ Solution, Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), Công ty TNHH dịch vụ Tin học CEH…

gap-mat-23012025.jpg
Lãnh đạo Bộ TT&TT và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.

Những câu chuyện phát triển DN từ thực tiễn

Buổi gặp mặt là một thông lệ tốt đẹp được tổ chức thường niên trước thềm Tết nguyên đán để lãnh đạo Bộ TT&TT lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất cho việc lĩnh vực, DN công nghệ số cho một năm mới. Năm nay, buổi gặp mặt đặc biệt hơn khi các tổ chức, DN đã có dịp chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm trong hành trình phát triển trong nước và vươn ra quốc tế.

Chia sẻ câu chuyện của Công ty CP OneMount Group, bà Nguyễn Thị Dịu, Tổng giám đốc cho biết công ty đã tập trung phát triển các giải pháp ứng dụng như đã triển khai giải pháp định giá tài sản, vận tải, vận chuyển cho chính công ty và thị trường. Năm 2024, công ty đã hỗ trợ Techcombank đạt được xếp hạng cao trong hệ thống thanh toán toàn quốc. Điều mà trước đây Techcombank chưa đạt được.

ba-diu.jpg
Bà Nguyễn Thị Dịu chia sẻ về định hướng xây dựng hạ tầng blockchain.

Bà Dịu chia sẻ, nếu DN Việt Nam chưa đạt đến năng lực làm công nghệ lõi thì có thể tập trung vào giải pháp nâng cao năng suất lao động, trải nghiệm của khách hàng. OneMount Group đang tập trung làm về dữ liệu.

Thừa nhận là người không có nhiều kiến thức về công nghệ nhưng bà Dịu cho biết với đội ngũ làm công nghệ mạnh, OneMount Group sẽ trả lời cho xã hội bằng những kết quả biết nói trong năm 2025. OneMount Group hiện đang theo đuổi xây dựng một nền tảng hạ tầng giúp cho việc ứng dụng chuỗi khối (blockchain) cho cả xã hội và DN được thuận lợi hơn.

“Việc xây dựng hạ tầng như điện, đường, trường, trạm không phải là việc ai cũng muốn xung phong nhưng nếu không có nền tảng hạ tầng thì việc xây dựng các ứng dụng rất khó khăn. Việc này cũng là để DN muốn chung tay cùng cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nhà nước để đỡ vất vả hơn”, bà Dịu cho biết.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hải Phượng, Phó Chủ tịch HĐQT MB Bank cho biết MB Bank đang mang tư duy kinh doanh của những lĩnh vực khác vào việc ngân hàng như mang tư duy viễn thông vào trong ngân hàng thông qua câu chuyện tài khoản kinh doanh số đẹp, y tế, mini app vào ngân hàng....

ba-phuong.jpg
Bà Vũ Thị Hải Phượng: MB Bank mang tư duy kinh doanh của lĩnh vực khác vào ngân hàng.

Theo bà Phượng, ý tưởng sản phẩm hay của MB Bank không phải từ lãnh đạo cấp cao, từ các tài năng mà từ các nhân viên bình thường của ngân hàng khi họ làm việc thực tế với khách hàng.

Trong 25 năm qua, bà Phượng cho biết chỉ từ vài triệu khách hàng thì tới nay MB Bank có 30 triệu khách hàng, doanh thu trên kênh số 1 ngày của MBbank hiện nay bằng 1 năm của MB Bank cách đây 6 năm. Năm 2024, MB Bank đạt 8,5 tỷ giao dịch/năm, dẫn đầu giao dịch trên kênh số.

Chia sẻ câu chuyện của Công ty CP MISA, ông Lê Hồng Quang, Tổng giám đốc cho biết DN này hiện đang phục vụ hàng trăm ngàn DN trên toàn quốc về các giải pháp ứng dụng đáp ứng hoạt động DN, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, tài chính.

ong-quang.jpg
Ông Lê Hồng Quang: MISA "luôn biết sợ" để thay đổi.

Công ty có phần nào thành công hiện nay sau nhiều năm là nhờ có tư duy “luôn biết sợ”, nhất là khi có công nghệ mới xuất hiện và công ty nhận thức là phải thay đổi. Trước đây, DN muốn dùng phần mềm kế toán thì công ty đi cài đặt cho khách hàng rồi triển khai đào tạo sử dụng cho khách hàng. Bước tiến tiếp theo là công ty đóng gói phần mềm đưa lên Internet khi Internet ở Việt đã phát triển và DN có thể tải về sử dụng.

Cùng với đó, MISA hợp tác xây dựng giáo trình kế toán để đưa vào các trường dạy chuyên ngành kế toán phổ cập. Từ việc phổ cập đó, việc sử dụng phần mềm kế toán của MISA đã bùng nổ.

Năm 2012 - 2013 khi điện toán đám mây bắt đầu thì MISA đã dịch chuyển lên đám mây khá sớm. MISA cũng tính toán “gói” tất cả những giải pháp ứng dụng mà DN cần cho hoạt động với với giá cả phù hợp. Năm 2018 - 2019, CĐS được khởi động và bùng nổ, MISA đã hỗ trợ kết nối DN với dịch vụ khai thuế cho DN.

Hiện hàng chục ngàn DN đã sử dụng dịch vụ này. Với giải pháp fintech đạt giải vàng Giải thưởng Make in Viet Nam của MISA, DN có thể kết nối với ngân hàng để thực hiện việc vay vốn.

Ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh việc MISA đã đúc rút ra là “Biết sợ để phải đổi mới và có cách giải bài toán riêng”.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GHTK cho biết năm 2024, GHTK kỷ niệm 10 năm thành lập và đây là dấu mốc để GHTK phải xem xét lại, nhìn nhận mọi hoạt động, trong đó xác định công ty phải trở về “zero”.

GHTK cũng nhận thấy cần phải trả lời được câu hỏi cơ bản như công ty “giỏi” cái gì, có gì, và muốn làm gì, đóng góp để làm gì?.

Trả lời các câu hỏi cơ bản này công ty mới đi tiếp được. Theo đó, năm 2024 là năm GHTK đã sắp xếp lại và làm các nền tảng mới.

ong-quan.jpg
Ông Phạm Hồng Quân: Năm 2025, GHTK tập trung việc học.

Ông Phạm Hồng Quân cho biết khi thời đại thay đổi nhanh, khi có sự xuất hiện của các công nghệ mới như AI, máy học… thì phải chọn giá trị, “điểm để neo vào” để định hướng chiến lược cho công ty. Công ty nhận thấy điều tâm đắc là cá nhân hóa.

Trước đây, phương thức sản xuất đồng loạt thì nay phương sản xuất mới là cho từng cá nhân. Theo đó, tư liệu, con người và phương pháp sản xuất phải được định nghĩa lại và cần nỗ lực học hỏi.

GHTK đã xác định chủ đề của GHTK trong năm 2025 là “học tất cả, học lại những thứ ngày xưa cho là đúng”. Khi muốn làm cá nhân hóa thì phải “reset” lại. Làm nổi cái riêng biệt thì không chỉ “ăn” ở thị trường Việt Nam mà trên thế giới vì trong tương lai cá nhân hóa là quan trọng.

Còn theo ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH dịch vụ Tin học CEH, công ty chuyên làm các giải pháp cho cảng biển Việt Nam, cho biết từ học hỏi các công ty nước ngoài, công ty đã tìm cách đi riêng khi thấy có thể tự làm giải pháp công nghệ cho các cảng biển Việt Nam tương đương sản phẩm nước ngoài, mà giá thành hợp lý hơn rất nhiều lần.

Chỉ trong chưa đến 3 năm qua, từ 2 cảng biển triển khai giải pháp cảng biển số của CEH, hiện hơn 35 cảng biển tại Việt Nam đã sử dụng giải pháp “Make in Viet Nam” của CEH. Nhiều cảng biển Việt Nam trước đây dùng giải pháp “ngoại” giờ đây chuyển sang dùng giải pháp “Make in Viet Nam”.

ong-vang.jpg
Ông Tạ Minh Vang chia sẻ về phát triển giải pháp cảng biển số Việt Nam.

Ông Vang cũng chia sẻ theo gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc phát triển AI hẹp, hiện công ty đã triển khai SmartGate AI. Ứng dụng Smartgate AI đã giảm thiểu 100% lực lượng nhân sự giao nhận cổng, giảm thiểu tình trạng kẹt xe kéo dài tại khu vực giao thông quanh cảng, phát hành chứng từ điện tử có tính thừa kế giữa các DN cảng, hãng tàu.

Cũng tại buổi gặp mặt, các DN lớn như Viettel, VNPT, MobiFone đã chia sẻ câu chuyện tắt sóng 2G, triển khai 5G. Trong khi đó, FPT cùng một số DN công nghệ như NTQ Solution, CMC, VNG, E-CQCURITY… đã chia sẻ những câu chuyện trong hoạt động, hành trình khởi nghiệp của các DN trong môi trường kinh doanh quốc tế nhiều thách thức nhưng tự tin vươn mình.

toan-canh-2.jpg
Toàn cảnh buổi gặp mặt.

E-CQCURITY chia sẻ câu chuyện DN này chủ yếu làm các sản phẩm bảo mật cho thị trường Singapore, Thái Lan. FPT triển khai chiến lược “AI - Bán - Xe - Số - Xanh (AI, bán dẫn, công nghệ ô tô số, chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh)”. CMC mở rộng hoạt động tại thị trường Hàn Quốc.

Rikkei Soft, công ty chuyên về tư vấn cho khách hàng về CĐS và giải pháp phần mềm, vừa qua đã ký kết hợp tác chiến lược với công ty Sumitomo của Nhật Bản khi công ty của Nhật Bản nhận thấy năng lực, tiềm lực của DN công nghệ số Việt Nam là rất lớn.

ong-nguyen-thanh-lam.jpg
Tổng giám đốc VTV Nguyễn Thanh Lâm nêu một số bài toán của VTV cần sự hỗ trợ của DN công nghệ Việt Nam như biên dịch tiếng dân tộc thiểu số không có chữ viết văn bản.

Nhận sứ mệnh làm rạng danh Việt Nam

Trước những chia sẻ rất thực tiễn từ hành trình phát triển của các DN công nghệ Việt Nam, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương khẳng định DN công nghệ số Việt Nam có Năng lực, tiềm lực rất lớn và đề nghị các DN nhanh chóng có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước giao thực hiện Nghị quyết số 57 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024 với tinh thần tiến công mạnh mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2025.

tt-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long.
tt-phuong.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay, Việt Nam có rất nhiều bài toán thiên niên kỷ như là giãn cách nông thôn thành thị, nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức … Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam hiệu quả.

Việt Nam với rất nhiều bài toán thì DN công nghệ số Việt Nam nên coi đây chính là thị trường để các DN công nghệ Việt Nam phát triển. Việt Nam chính là thị trường để các DN làm ra các sản phẩm, giải pháp và Việt Nam cũng chính là cái nôi để các DN công nghệ Việt Nam trưởng thành để đi ra toàn cầu.

DN công nghệ phải xác định sứ mệnh để không một kẻ thù nào đến xâm phạm. Lĩnh vực nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nước trung bình. Giờ là thời điểm công nghệ sẽ giúp Việt Nam trở thành nước phát triển.

Make in Viet Nam là nói đến tinh thần tự cường, làm chủ ứng dụng, làm chủ công nghệ và từ đặc biệt làm chủ công nghệ là làm chủ ứng dụng, đặc biệt là công nghệ số.

Make in Viet Nam không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp cho Việt Nam có hòa bình lâu dài vì góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh.

bo-truong-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Các bài toán Việt Nam phải được giải bằng giải pháp công nghệ Việt Nam. DN công nghệ số Việt Nam hãy nhận trách nhiệm làm rạng danh Việt Nam.

Từ kinh nghiệm về làm vũ khí công nghệ cao, Bộ trưởng cho biết không thể dựa vào bên ngoài. Các bài toán Việt Nam phải được giải bằng giải pháp công nghệ Việt Nam.

Trong Nghị quyết 57, có nhiều chữ “tự”, truyền đi một thông điệp về tinh thần “tự chủ”, “tự tin”, “tự lực”, “tự cường”, “tự hào” dân tộc. “Các DN công nghệ nên chú ý đến chữ “tự”. Các DN hãy làm chủ công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.

Việt Nam cũng không phải là một nước nhỏ nữa, đã đến lúc phải sánh vai cường quốc năm châu, và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. DN công nghệ số Việt Nam cần có ý thức đóng góp cho hoà bình, cho sự phát triển của nhân loại như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói DN công nghệ đã đến lúc phải có trách nhiệm với thế giới.

Nghị quyết 57 đặt ra chúng ta phải cạnh tranh về công nghệ với các quốc gia khác, nhất là công nghệ chiến lược. “Làm chủ các công nghệ chiến lược là làm chủ tiến trình CĐS. Nếu chúng ta đưa cả nước lên môi trường số mà chúng ta không nắm được ứng dụng, làm chủ công nghệ là chúng ta đưa người dân, đất nước vào chỗ nguy hiểm”.

Nghị quyết 57 giao cho các DN nòng cốt các dự án lớn trọng điểm quốc gia về CĐS, giao cho các DN nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là mũi tên trúng 2 đích vừa làm chủ tiến trình CĐS, làm chủ các công nghệ CĐS và vừa hình thành các DN công nghệ số lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Do vậy, từ nay các DN công nghệ Việt Nam, nhất là các DN lớn nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin, ngày 20/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương đã chủ trì Phiên họp.

Trong đó, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai mạng di động băng thông rộng 5G toàn quốc ngay trong năm 2025. Các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone nhanh chóng triển khai các trạm phát sóng di động (BTS) rộng khắp ngay trong năm 2025.

Nhân dịp trước thềm năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng hai cuốn sách mang nhiều tư tưởng là cuốn sách “The power of Now” - Sức mạnh của thời điểm hiện tại và “Think again” cho lãnh đạo các tổ chức, DN tham dự buổi gặp mặt.

Theo Bộ trưởng, là người đứng đầu các DN, hai cuốn sách rất có giá trị, đề cập đến việc làm gì cũng nên trú tâm, không xao nhãng.

“Cuộc sống hiện đại là có quá nhiều thứ làm chúng ta phân tâm. Cuốn sách truyền thông điệp mỗi người hãy trú ở hiện tại và làm một việc cụ thể thì làm đến tận cùng. Mỗi người hãy tìm hạnh phúc trong cuộc sống và tạo ra không gian mới nhất để làm việc. Việc này càng đúng đối với những người đứng đầu các tổ chức, DN"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hãy nhận sứ mệnh làm rạng danh đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO