Doanh nghiệp công nghệ vững vàng trong đại dịch

Quỳnh Trang| 27/08/2021 10:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong khi hầu hết các ngành nghề đều chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 thì nhiều công ty công nghệ lại “ăn nên làm ra” với kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức, nổi bật là bài toán thiếu hụt

Ngược dòng đại dịch

Trong bức tranh nền kinh tế có phần u ám do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì công nghệ thông tin lại được đánh giá là ngành có triển vọng tốt do nhu cầu về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới. Ngược dòng tàn phá của dịch bệnh, doanh nghiệp công nghệ trong nước đã ghi nhận kết quả kinh doanh đầy lạc quan trong những tháng đầu năm.

Cụ thể, CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2021, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 19.002 tỷ đồng và 3.428 tỷ đồng, tăng 19,1% và 19,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu ký mới của mảng công nghệ đạt 13.452 tỷ đồng, tăng trưởng 41,7%. Tại thị trường trong nước, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ công nghệ thông tin đạt 2.987 tỷ đồng và 279 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 49% và 182%. Trong khi tại thị trường nước ngoài, doanh thu công nghệ thông tin tăng 16%, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ tăng 47%. Chuyển đổi số cũng ghi nhận doanh thu với mức tăng trưởng 33% nhờ đà tăng từ các công nghệ AI và phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và low code.

Một “ông lớn” trong ngành công nghệ thông tin là CTCP VNG cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần 2.018 tỷ đồng và lãi sau thuế 247 tỷ đồng, tăng lần lượt 30,5% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu 3.508 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 được ví như một chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, từ đó đem đến cơ hội vàng cho công ty công nghệ.

Trên thế giới, ngành công nghệ thông tin cũng phát triển theo chiều hướng đi lên. Theo số liệu thống kê ước tính từ IDC, ngành công nghệ thông tin toàn cầu sẽ đạt giá trị 5 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng 4,2% so với năm ngoái. Thậm chí xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2024.

Dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cũng cho rằng, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng và thiết bị sẽ tăng trưởng khoảng 17% trong năm 2021, đạt 7,3 tỷ USD.

Thực tế, không chỉ các công ty lớn, ngay cả start up trong lĩnh vực công nghệ cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Ông Phạm Nam Long – Founder kiêm CEO của Abivin (một start up về phần mềm quản lý vận tải) cho biết, tình trạng thiếu container rỗng và những khó khăn trong lưu thông hàng hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nguồn tài nguyên, điều hành, đảm bảo lưu thông công việc. Chính vì vậy, tuy ảnh hưởng của đại dịch nhưng công ty vẫn tăng trưởng gấp 2-3 lần so với năm ngoái.

Ông Kevin Tùng Nguyễn – Founder kiêm CEO của JobHopin (start up tuyển dụng ứng dụng AI và công nghệ máy học) cũng chia sẻ, thời gian đầu khi dịch bùng phát đã gặp khó khăn khi nhiều khách hàng trong mảng du lịch không còn nhu cầu phát triển dịch vụ hay nhân sự, công ty ngay lập tức đã chuyển hướng tập trung sang các lĩnh vực không gặp nhiều ảnh hưởng như chứng khoán, tài chính… và đã hái quả ngọt khi phát triển vượt trội trong tình hình dịch bệnh.

Theo CEO JobHopin, hiện tại, thị trường số hóa Việt Nam đang phát triển mạnh cùng với đó là các chính sách phát triển công nghệ tiên phong như AI, Blockchain… ngày càng thuận lợi hơn. Doanh nghiệp được tạo điều kiện tối ưu chi phí, chính sách thuế, thủ tục hành chính rút gọn… giảm được cho doanh nghiệp nhiều chi phí đầu tư. Đó là những yếu tố quan trọng giúp ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn phát triển mạnh mẽ và đang trở thành điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Vẫn “khát” nhân sự chất lượng cao

Đang đứng trước cơ hội vàng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp công nghệ cho biết, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao vẫn là một bài toán nan giải.

Thống kê từ TopDev - trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm cho thấy, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng, nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực công nghệ thông tin cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người.

Lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ tâm sự, để có nhân lực có trình độ cao, các doanh nghiệp gần như phải trong tình trạng “giành giật”. Đặc biệt các doanh nghiệp trong nước tỏ ra “lép vế” trong cạnh tranh với công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh về thu hút nhân sự.

Ông Cao Văn Việt - Giám đốc sản phẩm FPT Software cho biết, mỗi năm cần tuyển 6.000 nhân sự và hiện tại bất cứ thời điểm nào cũng thiếu 1.000 nhân sự, trong 3 năm tới doanh nghiệp sẽ tuyển 10.000 và dự báo thiếu 4.000 - 5.000 nhân sự.

Dù theo thống kê, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên ngành công nghệ ra trường nhưng để nhóm lao động này có thể bắt tay vào việc luôn và đáp ứng yêu cầu thì không được như mong muốn.

Ông Bùi Thanh Minh - Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển sản phẩm Misa cũng cho biết dù trong đại dịch, số nhân sự công nghệ thông tin vẫn tăng lên 30% và vẫn có nhu cầu cao trong năm 2021.

Theo đó, thách thức với doanh nghiệp này đó là tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin đủ số lượng và chất lượng. Nhân sự có kinh nghiệm để phù hợp với công ty càng khó khăn.

Ông An Ngọc Thao - Giám đốc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho rằng, xu hướng phát triển nhân lực công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp đang theo hai hướng, thứ nhất là các doanh nghiệp tự đào tạo nhân lực công nghệ, nâng cao tay nghề, trình độ cho nhân lực hiện có. Thứ hai là phải lấy lực lượng lao động dư thừa ở các ngành khác, đào tạo trong thời gian ngắn để có thể làm được việc. Theo giám đốc Vinasa, nhân lực là một hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số. Dự báo trong thời gian tới thị trường sẽ cần nhiều nhân lực về AI, Blockchain… khi Chính phủ đang thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ vững vàng trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO