Đổi mới phương thức quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài: Ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, lan tỏa giá trị
Với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ, việc xây dựng thương hiệu và lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam không chỉ mang đến cái nhìn mới mẻ mà còn thúc đẩy vị thế đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Việt Nam đang nỗ lực đổi mới phương thức quảng bá hình ảnh quốc gia nhằm gia tăng thứ hạng nhận diện trên trường quốc tế.
Mới đây, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện có thể kể đến là dự án nâng cấp trang thông tin điện tử https://www.vietnam.vn/ thành nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam, cùng tên miền nhưng với tính năng mới mẻ, khác biệt, dựa trên công nghệ mới.
Nền tảng được xây dựng trên cơ sở sự đồng hành, giúp đỡ về nguồn tin, tư liệu ảnh, video của nhiều cơ quan báo chí, cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các kênh truyền thông mạng xã hội.
Cho đến nay, https://www.vietnam.vn/ đã tích lũy được một trên 10.000 tư liệu về con người và đất nước Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng Giám đốc Công ty THHH Techcity, ở mỗi địa phương cũng cần có những trang tin tức, nội dung hữu ích để truyền tải thông tin có nội dung tốt, hình ảnh đẹp, tạo cảm xúc tốt cho người xem.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ dịch những bài viết tiếng Việt trên website sang các thứ tiếng khác nhau, người nước ngoài có thể dùng ngôn ngữ của họ để đọc được, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Đẩy mạnh sản phẩm công nghệ du lịch
Việc tạo ra những sản phẩm công nghệ du lịch cũng là cách tạo ra những đổi mới đối với ngành du lịch Việt Nam, nâng cao đáng kể trải nghiệm của khách du lịch theo nhiều cách khác nhau.
Tại Hà Nội, các địa danh đặc trưng như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Di tích Nhà tù Hỏa Lò... cũng rất tích cực tổ chức nhiều triển lãm trực tuyến, bán vé tham quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Tại TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện ứng dụng công nghệ 3D vào cung cấp thông tin và quảng bá du lịch được đẩy mạnh với sản phẩm đáng chú ý là bản đồ du lịch tương tác thông minh kèm tính năng hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến.
Nhiều địa phương khác như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Ninh Bình... cũng đẩy mạnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 360 độ thực tế ảo (VR 360), …
Xây dựng chiến lược thương hiệu địa phương
Không chỉ sử dụng ứng dụng công nghệ, theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, mỗi quốc gia đều sở hữu một thương hiệu riêng như con người, địa điểm, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, … Vì thế, mỗi tỉnh thành hay khu vực nên xây dựng chiến lược thương hiệu địa phương, dựa vào thế mạnh bền vững của vùng đất để tạo ra nét đặc trưng. Bên cạnh đó, phải xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu, thúc đẩy phát triển, quảng bá hình ảnh.
Ví dụ, như văn hoá của dân tộc thiểu số của Việt Nam luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách nước ngoài. Mai Châu, Sa Pa là những điểm đến điển hình có thể khai thác xu hướng này. Mai Châu, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, mang đến những trải nghiệm đích thực với các dân tộc thiểu số như người Thái trắng và người H'mong. Trong khi đó, Sa Pa, nằm ở phía Đông Bắc, mang đến cơ hội khám phá di sản phong phú của các nhóm dân tộc đa dạng thông qua nhà dân, các hoạt động giao lưu với người dân bản địa và đi bộ leo núi.
Lan tỏa giá trị qua truyền thông
Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh, là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong đó âm nhạc cũng là công cụ truyền thông mạnh mẽ, góp phần sáng tạo không gian mới, thúc đẩy hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Dự án âm nhạc “Tôi yêu Việt Nam” theo kế hoạch được dịch sang 5 thứ tiếng, bên cạnh việc huy động các KOL, nghệ sĩ nổi tiếng có sức ảnh hưởng cùng lan tỏa giá trị, chung tay quảng bá, phát triển hình ảnh quốc gia.
Phố cổ Hội An, non thiêng Yên Tử, mây núi Hà Giang, biển trời Vịnh Hạ Long,… hàng loạt thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đã xuất hiện đầy sinh động trong những sản phẩm âm nhạc gần đây của các ca sĩ trẻ. Không chỉ lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam, các tác phẩm đã khơi gợi nhận diện hình ảnh Việt Nam theo cách riêng đầy độc đáo, ấn tượng.
Cũng cần lưu ý, để có những sản phẩm âm nhạc quảng bá du lịch giá trị, cần có sự đầu tư xây dựng định hướng nội dung rõ ràng, có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia văn hóa, du lịch để tạo nên những sản phẩm chất lượng, vừa hay về ca từ, giai điệu, vừa đẹp về hình ảnh, gợi lên những thiện cảm tích cực đối với truyền thông quốc tế.
Có thể nói, Việt Nam đang khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới thông qua việc đổi mới phương thức quảng bá hình ảnh. Ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu đồng nhất và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh thứ hạng quốc gia mà còn mở ra cơ hội mới trong lĩnh vực du lịch và đối ngoại./.