Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh

Ngọc Thủy| 04/09/2022 10:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong nhiều thế kỷ phát triển kinh tế thế giới đã chứng minh, khoa học và công nghệ tác động quan trọng tới việc nâng cao năng suất lao động. Sự thành công thần kỳ của các nước châu Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản và tiếp theo là Hàn Quốc, dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, khoa học công nghệ đều được coi là động lực chủ đạo.

Khoa học và công nghệ tác động quan trọng tới việc nâng cao năng suất 

Ông Hiệp cho  biết,  thực  tế cho  thấy quốc gia nào khai thác tốt hơn động  lực khoa học công  nghệ đều đã đạt được tăng trưởng mạnh mẽ. Chiến lược khoa học công nghệ quốc gia và chính sách công nghiệp tạo các yếu tố  tiền đề và khích lệ các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác  khoa học công nghệ để nâng cao  sức cạnh tranh của mình thông qua 4 kênh chủ đạo: Giảm giá  thành, tăng chất lượng, phát triển sản phẩm mới với tính năng độc đáo, sáng tạo và nâng cao khả năng  đáp ứng nhanh nhạy về yêu cầu của khách hàng.

Với sự năng động của các doanh nghiệp và môi trường cạnh tranh lành mạnh, động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn và đất đai chuyển dịch nhanh chóng từ ngành nghề, sản phẩm và doanh nghiệp có hiệu quả thấp sang ngành nghề và sản phẩm có hiệu quả cao hơn. 

 Các doanh nghiệp đột phá về nắm bắt và phát triển công nghệ thường đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, nhờ đó, nguồn lực sản xuất được chuyển dịch nhanh chóng vào các doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội.

Đây là một trong những phương thức chủ yếu mà khoa học công nghệ có tác động mạnh mẽ lên tăng trưởng kinh tế. 

Đóng góp của khoa học công nghệ có thể biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP).

Từ năm 2007, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Năng suất Việt Nam thực hiện nghiên cứu, phân tích, theo dõi chỉ số TFP. Tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đang dần cao lên cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng: như nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trong giai đoạn 2021-2030 một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam là phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Báo cáo Năng suất  Việt Nam 2020 đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến năng suất quốc gia, các ngành và của doanh nghiệp, trong đó, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để tăng năng suất. Báo cáo cũng đề cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất.

"Trong những năm gần đây, trường Đại học Ngoại Thương đã triển khai nhiều mô hình và chương trình đào tạo tiên tiến xoay quanh vấn đề nâng cao năng suất chất lượng quốc gia ngành và của các doanh nghiệp. Trường đặc biệt quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên với nhiều kết quả được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, nhà trường cũng chú trọng và đẩy mạnh chuyển giao tri thức các mô hình, công cụ quản trị hiện đại cho các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Tôi tin rằng, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục dạy học, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để thúc đẩy năng suất quốc gia ngành và doanh nghiệp", ông Tuấn nhấn mạnh.

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Những điểm nghẽn khiến năng suất chất lượng khó tăng tưởng

Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 đã phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động và năng suất vốn, Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020 trong bối cảnh những biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của Đại dịch COVID-19. Do đó, tăng năng suất đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy những điểm nghẽn trong tăng năng suất của Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ các điểm nghẽn này. Để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi kiến tạo và chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản lý, công nghệ mới tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng suất, để tăng năng suất trở thành động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Báo cáo năng suất năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch COVID mang lại, xu hướng chuyển đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0, và nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Bên cạnh đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về năng suất nền kinh tế, năng  suất các ngành và  năng  suất của  doanh nghiệp năm 2020 và giai đoạn 2011-2020. Báo cáo cũng đã phân tích các động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy nâng cao năng suất tại Việt Nam qua một số doanh nghiệp tiêu biểu. Qua đó làm rõ hơn hiệu quả đầu tư cho  khoa học  công nghệ và đổi mới sáng tạo với cải tiến năng suất của các doanh nghiệp.

Chuyển đổi số: Kỳ vọng tăng năng suất. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Chuyển đổi số: Kỳ vọng tăng năng suất. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Còn theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế quốc dân, giai đoạn 2020-2030, nếu tiến trình chuyển đổi số diễn ra như kỳ vọng, dự đoán trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số có thể đóng góp từ 7-16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Qua đó có thể thấy, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng cho việc phát triển hiệu quả nền kinh tế, cải thiện và tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, Việt Nam cần gấp rút đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đầu tư thích đáng, thúc đẩy hợp tác công tư trong chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của Chính phủ để tận dùng nguồn lực mạnh mẽ có thể làm tăng năng suất lao động nhanh chóng này.

Theo TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore, có thể thấy, bài toán tăng trưởng muốn bền vững, rõ ràng phải là năng suất, cụ thể năng suất lao động cấu thành hai vấn đề chính là thu nhập cho người lao động và tiền thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Chính vì vậy tăng năng suất lao động cũng chính là thước đo đầu tư của tăng năng suất.

Ở bình diện quốc gia, trong giai đoạn đầu năng suất lao động có thể tăng trưởng khi chưa cần tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ mà chỉ cần chuyển dịch nguồn lực, cơ cấu đất đai, con người, vốn vào lĩnh vực mới, có năng suất cao hơn như từ nông nghiệp sang lĩnh vực chế biến chế tạo, dịch vụ thì hiển nhiên năng suất lao động vẫn sẽ tăng lên tự nhiên mà chưa cần đến khoa học sáng tạo. Chính vì vậy, khoa học công nghệ vẫn có sự lép vế, chưa thấy rõ được vai trò. Đây được xem là thách thức được đặt ra trong giai đoạn tiếp theo, làm sao ngoài chuyển dịch cơ cấu vĩ mô như vậy có thể chuyển sang chuyển dịch cơ cấu thang giá trị./.

Bài liên quan
  • Từ Telco đến Techco: Mở ra kỷ nguyên đổi mới chuyển đổi số ngành Viễn thông
    Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khai thác viễn thông Telco chủ yếu tập trung vào kết nối, với các thiết bị của người dùng cuối sử dụng tài nguyên mạng. Tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi kể từ đó, với một lượng lớn nội dung hiện được tạo ra bởi các ứng dụng như dịch vụ truyền thông qua mạng (OTT), nền tảng trực tiếp đến người tiêu dùng và các dịch vụ truyền thông khác.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO