Đông Nam Á đối phó với thách thức biến đổi khí hậu

Trần Đình Hoạch| 23/06/2022 16:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Biến đổi khí hậu luôn là một vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù các nước Đông Nam Á nỗ lực trong việc cắt giảm khí thải carbon nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, chiến lược của các nước đang vấp phải những rào cản. Các nước cần có những giải pháp hiệu quả để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Đông Nam Á Đối Mặt Với Thách Thức Trong Việc Đối Phó Với Biến Đổi Khí Hậu, Giải Pháp Nào Hiệu Quả? - Ảnh 1.

(Nguồn: AFP)

Tình trạng biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao là nguyên nhân đe doạ đến cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân các nước trong khu vực. 

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Deltares, Hà Lan, hiện nay, khoảng 157 triệu người đang sống ở những nơi thấp 2m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới. Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) còn đưa ra cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m cho tới năm 2100. Nếu như mực nước biển tăng lên 1m khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư sẽ chìm sâu trong nước, 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ đó. 

Còn theo nghiên cứu của Trung tâm Khí hậu, thuộc tổ chức Hoà Bình Xanh (Greenpeace), mực nước biển dâng cao còn làm tổn hại đến nền kinh tế các nước trong khu vực. Ông Tata Mustasya, đại diện của tổ chức cho biết: "Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề về môi trường, mà còn làm nguy hại đến nền kinh tế, gây ra các vấn đề về xã hội". Ông cũng nhấn mạnh "hàng triệu người phải sống trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, mất đi chỗ ở và sinh kế". Mực nước biển dâng cao kết hợp với tình trạng nóng lên toàn cầu tạo ra nhiều những cơn bão xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, hiện tượng hạn hán do biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân các nước Đông Nam Á khi các nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp và khai thác nguồn lợi thuỷ sản đang dần bị cạn kiệt. 

Theo Tiến sĩ Winston Chow, Đại học Quản lý Singapore, các nước ASEAN không đang chỉ chịu tác động từ lũ lụt, hạn hán do biến đổi khí hậu, mà còn đang chịu sự mất đa dạng sinh học. Ông cho biết thêm "Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ, nhất là khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên 1,5 độ C". Tiến sĩ Chow cũng bày tỏ tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho những nơi, như vùng thượng nguồn sông Mekong đang phụ thuộc vào nguồn nước nhờ hiện tượng băng tan sẽ bị mất đi nguồn nước ngọt do băng đã bị mất đi. Bên cạnh đó, các hoạt động chặt phá rừng cũng làm gia tăng khí nhà kính. Điển hình là Indonesia, một trong những nước có diện tích rừng lớn trên thế giới, chịu ảnh hưởng bởi sự xói mòn do các hoạt động chặt phá rừng phục vụ cho sản xuất giấy và dầu cọ.

Đông Nam Á Đối Mặt Với Thách Thức Trong Việc Đối Phó Với Biến Đổi Khí Hậu, Giải Pháp Nào Hiệu Quả? - Ảnh 2.

(Nguồn: The Straits Time)

Thách thức trong việc đối phó với biến đổi khí hậu

Hiện nay các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ không vượt ngưỡng 1,5 độ C cho tới năm 2030, tuy nhiên, những chiến lược của các nước để đạt được mục tiêu đó vẫn vướng phải những hạn chế nhất định. Theo báo cáo của Bain & Company và Temasek dựa trên những số liệu đầu vào từ Microsoft, các nước Đông Nam Á cần phải cắt giảm lượng carbon dioxide ít nhất 45% cho tới năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Đông Nam Á vẫn đang ở mức phát thải 3 triệu tấn carbon dioxide từ khoảng 647 triệu xe ô tô trên đường mỗi năm. Điều đó khiến cho việc thực hiện mục tiêu cho tới năm 2030 vẫn đang bị bỏ xa. Thêm vào đó, chiến lược đầu tư để giảm phát thải khí carbon của một số nước chưa đạt được hiệu quả. Hiện nay, mức đầu tư đang ít hơn 20 triệu USD so với tiêu chuẩn là tương đương từ 1 đến 3 nghìn tỷ USD để thực hiện giảm phát thải khí carbon. Báo cáo của Bain & Company và Temasek cho rằng mức đầu tư cần phải được nâng lên gấp 15-20 lần cho tới năm 2030.

Bên cạnh đó, chính sách giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch tại một số nước trong khu vực chưa cho thấy được kết quả. Ví dụ điển hình là Indonesia, nước này sẽ áp dụng thuế đối với than vào tháng 7 năm 2022. Tuy nhiên với mức 30.000 rupiah (tương đương với 2,06 usd) được Bain & Company và Temasek dự đoán Indonesia sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.

Một thách thức khác đối với một số nước Đông Nam Á trong việc đối phó với biến đổi khí hậu là quá trình đô thị hoá nhanh tại các vùng ven biển dẫn tới việc bảo vệ môi trường khó khăn. Tiến sĩ Aljosja Hooijer, Viện Nghiên cứu Deltares bày tỏ quan điểm "nhiều nhà khoa học cho rằng dân số tại các vùng ven biển đang tăng lên". Đặc biệt là ở Thái Lan và Phillipines, khi hai nước này có tốc độ đô thị hoá tại các khu vực ven biển khiến cho môi trường nơi đây bị đe doạ, việc thực hiện chống biến đổi khí hậu gặp trở ngại.

Đông Nam Á Đối Mặt Với Thách Thức Trong Việc Đối Phó Với Biến Đổi Khí Hậu, Giải Pháp Nào Hiệu Quả? - Ảnh 3.

(Nguồn: Reuters)

Giải pháp hiệu quả cho việc chống biến đổi khí hậu

Đẩy mạnh đầu tư tái tạo năng lượng

Các chính sách tái tạo năng lượng hiện nay đang được các nước trong khu vực Đông Nam Á áp dụng. Đặc biệt là nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang được các nước triển khai rộng rãi nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hoá thạch như: than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên,... 60% nguồn năng lượng mặt trời tại Đông Nam Á đang được sử dụng để làm điện, hầu hết tập trung ở các nước khu vực sông Mekong như: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Trong đó, Việt Nam hiện đang là nước có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á về tái tạo năng lượng, chủ yếu là năng lượng mặt trời đã phát triển lên đến hơn 50%, xếp sau là Thái Lan với 25%. Cuối năm 2020, nguồn điện mặt trời ở Việt Nam là 16.000 MW, trong khi ở Thái Lan là 3.000 MW. Năng lượng gió tuy ít được sử dụng hơn so với năng lượng mặt trời, nhưng được coi là có tiềm năng tại Việt Nam, Thái Lan và Phillipines.

Một nguồn năng lượng tái tạo khác được xem là tiềm năng bên cạnh năng lượng gió và năng lượng mặt trời đó là năng lượng sinh học, được hình thành nhờ các hoạt động trong nông nghiệp. Nguồn năng lượng này đang được phát triển tại Thái Lan và Indonesia. Ngược lại, nguồn năng lượng địa nhiệt, chủ yếu ở Phillipines và Indonesia, nơi có núi lửa, lại không được phổ biến do giá thành cao. 

Mặc dù Đông Nam Á đang dần dần chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên, một số nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hoá thạch. Ví dụ, Indonesia, nước có trữ lớn lượng than và dầu khí tại Đông Nam Á, nguồn năng lượng hoá thạch vẫn được chú trọng đầu tư nhằm phục vụ cho các hoạt động xuất khẩu. Do đó, để năng lượng tái tạo trở nên phổ biến hơn, nhằm giúp đối phó với biến đổi khí hậu, các nước Đông Nam Á cần phải đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào việc phát triển nguồn năng lượng này.

Đông Nam Á Đối Mặt Với Thách Thức Trong Việc Đối Phó Với Biến Đổi Khí Hậu, Giải Pháp Nào Hiệu Quả? - Ảnh 4.

(Nguồn: Channel News Asia)

Trồng rừng ngập mặn ngăn chặn mực nước biển dâng

Bên cạnh những biện pháp ngăn như xây dựng đê biển, hệ thống thoát nước, trồng rừng ngập mặn là một cách hữu hiệu để chặn tình trạng nước biển dâng. Theo nghiên cứu của Đại học Southamton, Anh cùng với Đại học Auckland và Đại học Waikato, New Zealand, rừng ngập mặn giúp chống xói mòn ở các khu vực bờ biển do các rễ cây giữ lại đất, thêm vào đó, rừng ngập mặn còn tạo ra một hệ thống kênh rạch, những con kênh này trở nên nông dần, khiến cho lượng trầm tích tái tạo và bẫy trầm tích giảm, làm đáy biển được nâng lên cao, do đó, thuỷ triều không thể tràn vào sâu bên trong. 

Không chỉ có vậy, rừng ngập mặn còn chứa đựng một lượng lớn carbon, điều này làm cho lượng carbon đó không thể vào khí quyển, ngăn chặn được tình trạng nóng lên toàn cầu, một nguyên nhân gây ra hiện tượng nước biển dâng cao. Trước tình hình hiện nay, việc trồng rừng ngập mặn không những dừng được mực nước biển dâng cao mà còn góp một phần làm cho chất lượng không khí được nâng cao, giúp các nước Đông Nam Á đối phó với biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả.

Khôi phục lại diện tích rừng đã mất

Các hoạt động chặt phá rừng phục vụ cho sản xuất đã khiến cho môi trường tại Đông Nam Á bị ảnh hưởng, nhất là tại các nước như Indonesia và Malaysia. Điều này làm mất đi diện tích lớn rừng tự nhiên, làm một lượng lớn khí carbon không được hấp thụ lại, tạo ra khí nhà kính và làm nhiệt độ của Trái Đất tăng lên, là nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu. Do đó, khôi phục độ bao phủ xanh của diện tích rừng đã mất là việc làm cần thiết đối với các nước Đông Nam Á nhằm chống xói mòn, ngăn chặn và giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và khí metan, làm chậm tình trạng nóng lên toàn cầu, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thị trường lao động Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI), tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh của cuộc sống. AI cũng đã và đang cách mạng hóa thị trường lao động ở Đông Nam Á. Tiềm năng của AI trong việc nâng cao hiệu quả và đổi mới đồng thời tạo ra tác động kinh tế xã hội rộng lớn rất đáng kể.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam Á đối phó với thách thức biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO