Đưa ngành ICT trở thành ngành công nghiệp nền tảng
Mặc dù công nghiệp ICT đã đạt được những kết quả tích cực nhưng với việc phần lớn doanh thu đến từ doanh nghiệp (DN) nước ngoài và giá trị gia tăng (GTGT) còn thấp. Do đó, Việt Nam phải có những cách tiếp cận phù hợp trong việc xây dựng chính sách.
Đưa ngành ICT trở thành ngành công nghiệp nền tảng
Phát biểu tại phiên Hội thảo chuyên đề 2 Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số (KTS-XHS) lần thứ I ngày 14/9 với chủ đề “Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy KTS-XHS toàn dân, toàn diện”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 với sự thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), KTS-XHS thì phải coi công nghệ số (ICT) là một ngành công nghiệp nền tảng. Bởi vì một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành đầu vào cho những ngành khác, tiêu biểu như muốn sản xuất thông minh thì phải có Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data)…
“Công nghiệp công nghệ số đã làm thay đổi toàn bộ cách tiếp cận từ cơ chế chính sách cho đến định vị các ngành để định hướng phát triển trong thời gian tới”, ông Hiển chia sẻ thêm.
Bên cạnh những mặt tích cực như đến hết năm 2022, doanh thu công nghiệp ICT lên đến 148 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2021 nhưng tỷ trọng lớn đến từ DN FDI nước ngoài nhưng những đơn vị này lại không đóng góp nhiều vào GTGT cho ngành. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận phù hợp trong việc xây dựng chính sách. Tuy nhiên, các đơn vị được giao xây dựng chính sách vẫn còn đang chậm so với kế hoạch.
Nhiều dư địa để Việt Nam phát triển thanh toán số
Trao đổi tại Hội thảo về nội dung phát triển thanh toán số tại Việt Nam - triển vọng và thách thức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thanh toán số là thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện trực tuyến qua các kênh điện tử, mọi dịch vụ thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ được phép và qua các phương thức như ví điện tử, tài khoản ngân hàng, mobile money… đem lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.
Bối cảnh mới của thanh toán số xuất phát từ nhu cầu người dùng thay đổi, sự xuất hiện của những “người chơi mới”, công nghệ số, quy định cởi mở thúc đẩy ĐMST, rủi ro an ninh mạng và các hệ thống thanh toán mới.
“Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng, nhiều “dư địa” để phát triển thanh toán số do cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dùng smartphone, Internet ở mức cao…”, ông Dũng nhận định.
Trong chia sẻ của mình, ông Dũng đã điểm lại hệ thống khuôn khổ pháp lý thúc đẩy thanh toán số cũng như hạ tầng thanh toán tại Việt Nam như 83 ngân hàng có giải pháp Internet banking, 52 ngân hàng mobile banking.
Phương thức thanh toán số tại Việt Nam, trong TMĐT thì ví điện tử chiếm tỷ lệ lệ cao nhất với 32%, chuyển khoản 21%, COD chiếm 18%... Còn với phương thức thanh toán tại điểm bán (POS) 2022 thì tiền mặt, ví điện tử, thẻ tín dụng đang chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt ở mức 42%, 29% và 19%. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng trung bình đối với mobile banking tăng 84% về số lượng và 115% về giá trị giao dịch.
“Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đang xử lý hơn 18 triệu giao dịch/ngày. Trong 7 tháng đầu năm 2023, hệ thống tăng 63,65% về số lượng và 12,38% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2022”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, thời gian qua, triển vọng thanh toán số ở Việt Nam đã có những điểm sáng có thể kể đến: Xu hướng giảm tiền mặt tại các điểm chấp nhận thanh toán do thanh toán di động và mã QR phát triển; Xuất hiện các dịch vụ, phương thức thanh toán mới, đa dạng (thẻ không tiếp xúc, QR code, ApplePay, SamsungPay,...); Xu hướng kết nối thanh toán song phương, đa phương xuyên biên giới: Việt Nam đứng sau Trung Quốc về tỷ lệ người dùng thanh toán di động (33,2% so với 40,1%) năm 2022.
Mặc dù vậy, thanh toán số ở Việt Nam cũng gặp những hạn chế, thách thức nhất định. Đầu tiên đến từ cơ chế pháp lý chưa theo kịp vì hành vi người dùng thay đổi, mô hình kinh doanh, kênh phân phối mới dựa trên công nghệ… đã khiến tốc độ xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chưa thích ứng, theo kịp.
Tiếp theo, các tổ chức tài chính không chỉ đối mặt với cạnh tranh đến từ các đối thủ cùng ngành khác mà còn từ các "người chơi mới" với trải nghiệm khách hàng và hệ sinh thái vượt trội như fintech.
Ngoài ra, xu hướng tội phạm mạng ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng khiến công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống ngày càng trở nên khó khăn, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực
Thách thức cuối cùng liên quan đến yêu cầu về tuyên truyền, giáo dục tài chính để nâng cao hiểu biết tài chính (financial literacy), hiểu biết số (digital literacy). Song song với đó là các yêu cầu pháp lý về bảo vệ quyền lợi ích cho người tiêu dùng ngày càng chặt chẽ như dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư,...
Về định hướng trong thời gian tới, NHNN sẽ: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; Tập trung vào kết nối cơ sở dữ liệu dân cứ , hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng; Tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như nâng cấp, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán, hệ sinh thái thanh toán; Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán số tiện ích phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân, bố trí nguồn lực phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ phía DN thanh toán số, ông Ngô Anh Tuấn, Phó Giám đốc Khối Khách hàng DN - Công ty CP giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua, công ty đã có hơn 300.000 điểm chấp nhận thanh toán, hơn 1.000 đối tác tiêu biểu, hơn 300 ngành hàng áp dụng cùng với hơn 30 triệu người dùng.
Tiếp theo, sau 16 năm đổi mới sáng tạo, với 3 lĩnh vực cốt lõi, hiện VNPAY đã hỗ trợ 80% dân số sử dụng dịch vụ ngân hàng dành cho DN, vận hành hệ sinh thái thanh toán số lớn nhất Việt Nam và thực hiện CĐS cho 2,5 triệu DN địa phương bằng các giải pháp phần mềm và thương mại.
Quả ngọt CĐS từ xi măng Hoàng Mai và Rạng Đông
Hội thảo cũng đã có các bài chia sẻ khác bao gồm: Công nghệ blockchain phục vụ nền tảng ký kết và xác thực số toàn trình; Giải pháp quản trị sản xuất và nâng cao kỹ năng số; Mô hình CĐS cho sản xuất công nghiệp giúp tiết kiệm nguồn lực và cải thiện chất lượng đầu ra sản phẩm.
Trong phần chia sẻ của mình, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CĐS của MobiFone đã giới thiệu về Giải pháp quản trị sản xuất mMES và giải pháp nâng cao kỹ năng số của đơn vị này.
Về bài học kinh nghiệm (case study) tại VICEM Hoàng Mai (Xi măng Hoàng Mai), trước đây, công ty không có ứng dụng, không quản lý đối tượng trong toàn bộ chuỗi, không kiểm soát được quá trình vận chuyển, không phân tích, tối ưu sản xuất, tối ưu logistic, thống kê tự động được thị phần, độ phủ. Tuy nhiên, sau khi CĐS nhờ ứng dụng mMES, 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng tiêu thụ xi măng tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 5% kế hoạch. Tại thị trường Nghệ An, chiếm trên 36% thị phần, sản lượng tiêu thụ đạt mức tăng trưởng 36,2% so cùng kỳ năm trước, vượt 18,8% kế hoạch.
Cũng nhờ ứng dụng CĐS, Rạng Đông đã có sự vượt bậc đáng kể, từ mức tăng trưởng 8 - 10% của giai đoạn 2015-2018 đã tăng lên mức hơn 20% năm 2022. Dự kiến Rạng Đông sẽ đạt mức tăng trưởng 25 -30% trong giai đoạn 2023 - 2025./.