Điều này yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi nhanh chóng để đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng. Để các DN truyền thông, giải trí chuyển đổi số (CĐS) kịp thời thì việc kết nối với khách hàng, hệ sinh thái và ý tưởng kinh doanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng, và công nghệ đám mây chính là “chìa khóa” giúp thực hiện hiệu quả việc kết nối này.
Chia sẻ tại Hội thảo “Tương lai của ngành Truyền thông” do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Alibaba Cloud tổ chức, ông Nguyễn Minh Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VDCA cho biết, mô hình kinh doanh trên nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) đang thể hiện vai trò không thể thiếu trong quá trình DN CĐS. Nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều phương thức truyền thông mới đã ra đời nhờ sự tiến bộ của ĐTĐM. Hầu hết các DN cũng đã thực hiện việc đo lường hiệu suất thông qua trải nghiệm của khách hàng.
Mô hình kinh doanh hỗ trợ đám mây và phân phối trên nền tảng đám mây giúp DN áp dụng các kênh mới để cung cấp trải nghiệm khách hàng cấp cao bằng sự khác biệt chiến lược và giải pháp của mình so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Nhu cầu phải chuyển đổi
Trong kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là sự chuyển đổi của mọi ngành, mọi lĩnh vực. Ngành công nghiệp truyền thông, giải trí cũng đang cho thấy những bước chuyển đổi nhanh chóng. Công nghệ được coi là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng truyền thông số này, cung cấp cho người dùng những cách thức mới để tiêu thụ nội dung.
Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), “Việc số hóa ngành công nghiệp truyền thông được thúc đẩy bởi sự thay đổi hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ, những người có nhu cầu truy cập ngay vào nội dung mọi lúc, mọi nơi”.
Đây là một bước chuyển mình rõ rệt đối với nhiều tổ chức truyền thông. Thay vì đưa nội dung đến người tiêu dùng vào thời gian đã lên lịch và trên các định dạng cụ thể, thì ngày nay người tiêu dùng mong muốn nội dung được đưa lên nhiều loại thiết bị hơn để họ có thể xem bất cứ khi nào họ muốn.
Đặc biệt, trải qua một khoảng thời gian dài đối phó dịch bệnh và giãn cách xã hội khiến hành vi và thói quen của khách hành đã thay đổi rất nhiều. Việc tiếp cận với các hình thức giải trí trực tiếp bị hạn chế, thay vào đó nhu cầu trên môi trường trực tuyến gia tăng. Và rõ ràng, khi hành vi của khách hàng thay đổi thì các DN cũng phải chuyển đổi để thích nghi với những xu hướng đó. Truyền thông, giải trí là một trong những lĩnh vực có bước CĐS mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký VDCA cho biết: “Lĩnh vực truyền thông đã có sự dịch chuyển lên các nền tảng số, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, YouTube, Zalo… để cung cấp các sản phẩm truyền thông hoặc livestream, bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, kết nối với những hệ thống thanh toán, hệ thống về logistics…”.
Những mô hình truyền thống cũng đã có những sự chuyển đổi mạnh mẽ như tổ hợp truyền thông VTV, VTC. Bên cạnh mô hình truyền thống, họ đều có những chiến lược số hóa như VTV Digital, VTC Now và rất nhiều hệ thống của các tòa soạn báo cũng được đẩy mạnh trên môi trường số.
Trong khi đó, lĩnh vực giải trí cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của các nền tảng trực tuyến nước ngoài như Netflix, Spotify và sự tăng trưởng thị trường của game, đặc biệt là game E-sport (thể thao điện tử).
Thực tế đó đặt ra áp lực ngày càng lớn cho những công ty truyền thông, giải trí, nếu không chuyển đổi họ sẽ bị tụt lại phía sau. Các DN bắt đầu có xu hướng chuyển đổi từ mô hình phương tiện truyền thông đại chúng sang các mô hình, phương tiện được cá nhân hóa. Điều này đòi hỏi họ phải hiểu biết và nắm bắt rõ về khán giả của mình để từ đó có thể nhắm mục tiêu nội dung phù hợp đến đúng người dùng cuối.
Ngoài ra, các DN, tổ chức cũng cần phải có khả năng mở rộng quy mô khi nhu cầu thay đổi, cung cấp trải nghiệm người dùng cuối an toàn, chất lượng cao và đáng tin cậy với chi phí thấp.
Những xu hướng chuyển đổi chính
Chia sẻ về những xu hướng chuyển đổi trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, ông Vũ Kiêm Văn nhận định có 4 xu hướng chính.
Ông Văn cho biết, đối với ngành truyền thông, giải trí, thời gian vừa qua đã có sự dịch chuyển trong lĩnh vực sáng tạo và cung cấp nội dung hướng đến cá nhân hóa dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà cung cấp nội dung xác định nhu cầu, thị hiếu của từng độc giả để cung cấp nội dung phù hợp nhất cho từng đối tượng chứ không phải cung cấp đồng đều như trước đây. Trong quá trình phân phối nội dung cá nhân hóa, nhà cung cấp nội dung sẽ tiếp tục thu thập thêm được nhiều dữ liệu lớn để phân tích. Từ đó, có thể giúp họ nâng cao trải nghiệm người dùng và đạt được hiệu quả cao hơn.
Xu hướng thứ hai là nâng cao tính tương tác giữa nhà cung cấp nội dung và khách hàng. Nội dung có thể được phân phối đến hàng trăm triệu, hàng tỷ khách hàng, do đó, để cải thiện và nâng cao tính tương tác với người dùng các DN buộc phải dùng các hệ thống dựa trên công nghệ AI.
Thứ ba, là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như blockchain (chuỗi khối), big data (dữ liệu lớn), AI vào ngành truyền thông, giải trí. Rất nhiều công nghệ đã được ứng dụng để nâng cao chất lượng nội dung truyền tải cho khách hàng chẳng hạn như quá trình xử lý ảnh, cải thiện chất lượng video…
Xu hướng cuối cùng là hợp tác và liên kết với các nền tảng thanh toán giúp người dùng có thể vừa thụ hưởng, vừa trả phí nội dung một cách dễ dàng.
Truyền thông, giải trí là một trong những ngành có sự chuyển đổi khá mạnh và nhanh, nhưng theo ông Văn quá trình đó cũng đang gặp phải những khó khăn và thách thức như vấn đề về bản quyền nội dung, phát tán thông tin xấu độc.
Ông Văn cho biết, bản quyền nội dung không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp những khó khăn trong việc quản lý bản quyền khi phân phối nội dung trên môi trường số.
Trong khi đó, việc phát tán các thông tin xấu độc, thông tin không mong muốn trên các nền tảng số cũng là một thách thức. Với tính chất lan truyền rộng rãi và nhanh chóng, việc kiểm soát quá trình phát tán này thực sự khó khăn đối với các nhà cung cấp nội dung.
Cùng chia sẻ về CĐS ngành truyền thông, giải trí, ông Khương Trường Giang - Giám đốc phát triển kinh doanh Alibaba Cloud Việt Nam cho biết, CĐS sẽ có nhiều giai đoạn, thông thường sẽ là chuẩn hóa – điện toán hóa – số hóa. Tuy nhiên, ngành truyền thông là một ngành rất đặc thù nên không nhất thiết phải chuyển đổi theo ba bước này, nhất là trong thời kỳ hiện nay khi “cá nhanh nuốt cá chậm” đòi hỏi ngành truyền thông càng phải CĐS thật nhanh.
Thực tế, tại một số thị trường như Trung Quốc hay Đông Nam Á có nhiều thương hiệu mà một vài năm trước đây chúng ta chưa hề biết đến nhưng trong thời gian ngắn khi có chiến lược, ứng dụng công nghệ, ĐTĐM để CĐS nhanh, họ đã trở thành những tập đoàn lớn. Có thể thấy, công nghệ ĐTĐM chính là công cụ cũng như cơ hội cho các DN trong ngành truyền thông, giải trí “bứt phá”.
Tối ưu hóa hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng với đám mây
Việc số hóa ngành truyền thông, giải trí được thúc đẩy bởi sự thay đổi hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng. Nội dung theo yêu cầu hiện đã trở thành tiêu chuẩn của nhiều người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông. Người tiêu dùng hiện nay yêu cầu nội dung chất lượng cao, có sẵn mà không có bất kỳ hạn chế nào trên mọi thiết bị, vị trí và nền tảng. Điều này đặt các tổ chức truyền thông, giải trí áp lực to lớn trong việc lưu trữ, quản lý và xử lý nội dung của họ một cách nhanh chóng. Nhưng các tác vụ quản lý nội dung truyền thống đòi hỏi nhiều tài nguyên - từ cả góc độ dữ liệu và con người. Và ĐTĐM có thể là giải pháp giúp các tổ chức, DN giải quyết vấn đề này.
ĐTĐM cung cấp khả năng thay đổi quy mô hệ thống linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ, quản lý và phân phối số lượng lớn nội dung số một cách nhanh chóng, chủ động và tiết kiệm chi phí.
Theo đó, đám mây cho phép nhà cung cấp và nhà phân phối nội dung đạt được sức mạnh tính toán trực tuyến bất chấp vị trí địa lý. Về cơ bản các đám mây là các trung tâm dữ liệu trực tuyến rất lớn với nhiều máy chủ lưu trữ. Các dịch vụ được cung cấp bởi đám mây có thể được mua thông qua Internet và được kích hoạt hoặc hủy kích hoạt khi cần.
Thông qua việc sử dụng ĐTĐM, tài nguyên có thể được lấy nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn so với cách cũ là sử dụng phần cứng. So với khoảng thời gian dài dành cho việc mua và thiết lập phần cứng để xử lý lượng dữ liệu lớn, đám mây có thể được thu nhỏ lại và sẵn sàng được sử dụng chỉ trong vài phút. Đồng thời, các nguồn tài nguyên cơ sở hạ tầng gần như không giới hạn, luôn có sẵn nên chuỗi cung ứng kỹ thuật số có thể thay đổi nhanh hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục.
Bên cạnh đó, ĐTĐM cũng giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng và năng suất của nhân viên. Sử dụng đám mây, các công ty không cần phải xử lý bảo trì phần cứng, nâng cấp, duy trì cơ sở dữ liệu, nhà cung cấp đám mây sẽ lo phần việc này. Từ đó tổ chức sẽ chỉ phải tập trung nguồn lực vào việc quản lý nội dung và hoạt động kinh doanh của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Khương Trường Giang cho biết, mục đích thực sự của CĐS là giúp DN, tổ chức tiết kiệm, giảm tổn thất, giảm chi phí, do đó, nền tảng đám mây rất phù hợp cho việc CĐS. Vì bản chất ĐTĐM là một dịch vụ, DN có thể cân đối hạ tầng cần sử dụng tùy vào các chương trình, sự kiện và trả tiền theo nhu cầu sử dụng, khi không sử dụng dịch vụ nữa, thì trả lại cho nhà cung cấp. Từ mô hình CAPEX là mô hình đầu tư, giờ đây DN chuyển sang mô hình OPEX là mô hình vận hành, mô hình đi thuê, DN sẽ có nhiều nguồn vốn để tập trung phát triển kinh doanh.
Đám mây cũng có thể giúp các DN, tổ chức tạo dựng được lợi thế cạnh tranh cho chính mình, ngoài ra còn cung cấp các phương pháp và kết nối tới người dùng để thu hút nhiều khán giả, độc giả tìm và xem nội dung.
Đám mây cho phép lưu trữ nội dung từ xa trong môi trường được kết nối, giải quyết các vấn đề lưu trữ cũng như tăng tính khả dụng và phạm vi tiếp cận của nội dung, đồng thời quản lý và phân phối số lượng lớn nội dung số một cách nhanh chóng, năng động và tiết kiệm chi phí. Việc triển khai hybrid và/hoặc multi-cloud có thể cung cấp mức độ linh hoạt tối đa, cho phép khối lượng công việc được liền mạch trên cơ sở hạ tầng công cộng và riêng tư.
Với transcoding (hệ thống mã hóa, chuyển đổi tệp tin video, âm thanh từ định dạng này sang định dạng khác hay sang nhiều giao thức khác), đám mây giúp các DN định hướng lại nội dung trên các thiết bị khác nhau do đó cải thiện việc phân phối nội dung trên tất cả các phương tiện. Nhờ khả năng mở rộng của đám mây, dịch vụ này có thể dễ dàng xử lý các tình huống đồng thời cao và cung cấp khả năng chuyển mã hiệu quả để tối ưu hóa việc phát lại cho người dùng.
Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, bảo mật là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu của các DN. Đám mây có thể cung cấp giải pháp bảo mật cho tất cả các nhu cầu bảo vệ dữ liệu của DN, nếu một node gặp sự cố, khối lượng công việc sẽ ngay lập tức và tự động được chuyển đến một node khác. Các công ty truyền thông đang áp dụng các mô hình đám mây riêng để đảm bảo tính bảo mật tối đa. Tuy nhiên việc sử dụng đám mây riêng sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề liên quan yêu cầu về băng thông, độ tin cậy và chi phí. Do đó, đám mây lai có thể là một lựa chọn hợp lý cho các DN hiện nay.
Với những lợi thế và ưu điểm của ĐTĐM trong việc tối ưu hóa hoạt động, cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, công nghệ này đã trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái truyền thông, giải trí ngày nay, là “chìa khóa” có thể đưa ngành truyền thông bứt phá trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo: https://bizflycloud.vn/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)