Đưa viễn thông Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển CNTT

Hoàng Minh Cường - Cục trưởng Cục Viễn thông| 03/09/2020 08:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Viễn thông Việt Nam hướng đến mục tiêu “Mỗi người có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao”.

Hiện trạng

Thứ hạng viễn thông Việt Nam hiện được đánh giá chủ yếu thông qua bảng xếp hạng chỉ số phát triển công nghệ thông tin (ICT Development Index - IDI) do ITU công bố, trong đó số liệu công bố mới nhất của ITU là năm 20171, (được đánh giá dựa trên 3 mục lớn gồm khả năng tiếp cận với dịch vụ ICT (40%), sử dụng dịch vụ ICT (40%) và kỹ năng ICT (20%)2), thì Việt Nam đạt 4,43 điểm, tăng 0,25 điểm so với năm 2016 nhưng vẫn xếp hạng thứ 108/176 quốc gia và đứng thứ 6 trong 10 quốc gia ASEAN.

Đưa viễn thông Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển CNTT (IDI) - Ảnh 1.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ 2010 - 2017, thứ hạng của viễn thông Việt Nam có sự sụt giảm mạnh trên bảng xếp hạng IDI khi vào năm 2010, Việt Nam xếp thứ 94; năm 2015 xếp thứ 104 và 2016 - 2017 xếp thứ 108. Trong khu vực châu Á, chúng ta đang xếp sau các nước như Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore, Ma Cao, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Iran.

Nghiên cứu, đánh giá các nguyên nhân dẫn đến sự tụt hạng của viễn thông Việt Nam cho thấy:

Về chủ quan: các chỉ số tính toán của IDI ngoài về hạ tầng thì còn cả về yếu tố con người (khả năng, kỹ năng sử dụng ICT), trong khi các yếu tố này chưa được Việt Nam tập trung đầu tư trong giai đoạn này.

Khách quan: Viễn thông Việt Nam sau giai đoạn phát triển mạnh (2006 - 2010) có sự chững lại trong đầu tư cả về công nghệ lẫn dịch vụ. Trong giai đoạn này, Việt Nam chưa có sựquan tâm đúng mực cũng như chưa có đủ công cụ để thống kê đầy đủ, chính xác nhất các thông tin mà ITU yêu cầu (như về hạ tầng mạng lưới, về nhân sự, về các chỉ tiêu băng rộng, Internet,…).

Trên cơ sở đó, Cục Viễn thông đã nghiên cứu, đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp, đặc biệt chú trọng vào các biện pháp tác động vào các nội dung mà Việt Nam chưa được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng quốc tế. Cụ thể là:

- Xác định một số chỉ tiêu thống kê liên quan đến thứ hạng đang được các tổ chức quốc tế thu thập qua các kênh không chính thức, phương pháp tính còn khác nhau, tiêu chí đánh giá không đồng bộ... Cục Viễn thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ như Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế và bên ngoài như Tổng cục Thống kê để khảo sát điều tra thống kê, rà soát, điều chỉnh, cung cấp đầy đủ thông tin cho các tổ chức quốc tế, từ đó phản ánh đúng và đầy đủ thứ hạng của Việt Nam.

- Với hạ tầng viễn thông, Cục Viễn thông đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong triển khai các biện pháp phát triển hạ tầng, tăng số km cáp quang lên gần 1 triệu km (tăng 20% so với 2018), bổ sung trạm phát sóng lên 286.000 (tăng 11%, phủ sóng 99,7% theo dân số), tăng dung lượng kết nối quốc tế lên lên 13TBps (tăng 75% so với 2018, 16 lần so với 2010).

- Với chất lượng dịch vụ, Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) nâng tốc độ gói cước lên gấp đôi với giá cước không đổi, từ đó đưa tốc độ tải xuống băng rộng di động của Việt Nam đạt 33,12 Mbit/s xếp hạng 60, (tăng 4 bậc so với 6/2019), tốc độ tải xuống băng rộng cố định là 54,67 Mbit/ xếp hạng 60 (tăng 10 bậc so với tháng 6/2019)3.

- Cục Viễn thông đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các đơn vị trong Bộ, các Sở TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để xử lý mạnh các loại rác viễn thông như SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác... từng bước làm trong sạch môi trường dịch vụ viễn thông, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh cho DNVT, mở đường cho các loại hình dịch vụ mới như mobile money, xác thực điện tử, thương mại điện tử, tài chính điện tử...

- Tỷ lệ thuê bao băng rộng, tỷ lệ sử dụng smartphone là những chỉ số thứ hạng mà Việt Nam còn bị xếp dưới trung bình. Cục đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G với các thiết bị sản xuất tại Việt Nam, được cài sẵn hệ sinh thái ứng dụng Việt, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với băng rộng di động thế hệ mới.

- Xác định công nghệ di động 5G là một cơ hội để tạo ra sự phát triển đột phá hạ tầng số, Cục Viễn thông đã trình Lãnh đạo Bộ ký Giấy phép thử nghiệm 5G cho Viettel, MobiFone và VNPT, đưa Việt Nam thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm công nghệ 5G trên thực tế, thành nước có vai trò dẫn dắt trong ASEAN về 5G. Cùng với việc Việt Nam có 2 doanh nghiệp sản xuất thành công thiết bị mạng 5G, đưa Việt Nam thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sản xuất được thiết bị mạng 5G; và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thành công thiết bị điện thoại thông minh 5G, các nhà mạng sẵn sàng thử nghiệm thương mại 5G từ tháng 10/2020 và triển khai cung cấp dịch vụ thương mại từ đầu năm 2021, Việt Nam đã và đang đi cùng nhịp với thế giới trong lộ trình triển khai 5G.

Các biện pháp được triển khai nói trên đã góp phần cải thiện rõ rệt thứ bậc của viễn thông Việt Nam:

- Nếu áp dụng cách tính như phương án dự kiến của ITU thì ước tính chỉ số IDI của Việt Nam năm 2018 đạt 5,57 điểm (ngang với chỉ số của Trung Quốc, Iran năm 2017) và sẽ đứng thứ 81 (tăng 27 bậc so với năm 2017);

- Hiện tại, với số liệu phát triển mới nhất, dự kiến chúng ta đạt điểm số năm 2019 là 5,69, tương đương thứ hạng 77 của năm 2017 (ngang Thái Lan).

- Trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index, GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát triển, xây dựng và công bố. Năm 2019, Việt Nam tăng hạng mạnh nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia, với việc tăng 10 bậc GCI (từ 77 lên 67). Trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) tăng hơn 50 bậc (từ thứ 95 lên 41).

- Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020 được Liên Hợp Quốc công bố ngày 10/7/2020, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 02 bậc so với năm 2018 trong đó Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc.

Những vấn đề đặt ra cần giải quyết

Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng thực tế nhiều chỉ số quan trọng của viễn thông Việt Nam còn thấp hơn trung bình thế giới như: tỷ lệ thuê bao băng rộng, tỷ lệ sử dụng smartphone:

Tỷ lệ thuê bao chỉ sử dụng thoại, tin nhắn (2G) của Việt Nam (hiện là 47%) hiện cao hơn 17% so với trung bình thế giới (30%), và hơn gấp đôi so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương (đạt tỷ lệ 20%);

Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân của Việt Nam (68%) thấp hơn 15% so với trung bình của Thế giới (83%) và 21% so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương (89%).

Ngoài ra, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020) đã xác định mục tiêu đến năm 2025 "Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI)", do vậy trong thời gian tới, sẽ cần triển khai nhiều biện pháp, hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để đưa viễn thông Việt Nam từ thứ hạng 77 lên trên 50.

Nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2020 – 2025

Trong giai đoạn 2020 – 2025, Cục Viễn thông sẽ tập trung triển khai các giải pháp cải thiện tối đa các chỉ số về băng rộng (di động, cố định) đồng thời thúc đẩy hình thành hạ tầng số, hướng tới mục tiêu "Mỗi người có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao". Từ đó nâng thứ hạng viễn thông Việt Nam lên nhóm 50 nước dẫn đầu bảng xếp hạng IDI mà Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra, bao gồm:

Phối hợp chặt chẽ với các Sở TT&TT xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn từng tỉnh, thành phố với mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông nâng cao băng thông, phát triển hạ tầng mạng lưới băng rộng bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Triển khai phương án thúc đẩy việc sử dụng điện thoại thông minh thông qua việc đẩy mạnh việc sản xuất thiết bị điện thoại thông minh tại Việt Nam; điều phối hợp tác giữa nhà mạng viễn thông di động, doanh nghiệp sản xuất điện thoại, doanh nghiệp phát triển các ứng dụng nội dung (Apps) nhằm giảm giá thành thiết bị điện thoại, khuyến khích người sử dụng chuyển đổi thiết bị đầu cuối sang thiết bị điện thoại thông minh; Nghiên cứu, rà soát xây dựng các quy chuẩn về điện thoại 2G, 3G, 4G để hình thành các quy chuẩn mới, trên cơ sở đó tích hợp các mục về máy điện thoại 2G, 3G, 4G thành một mục là thiết bị đầu cuối thông tin di động, áp dụng quy chuẩn tích hợp nêu trên để hạn chế nhập khẩu và sản xuất thiết bị 2G.

Định hướng để các doanh nghiệp, trọng điểm trong giai đoạn ngắn hạn (2020 - 2021), sẽ tập trung triển khai 5G trước tiên tại các thành phố lớn và tại một số địa điểm có nhu cầu sử dụng cao (khu công nghiệp, sân bay, điểm du lịch); thúc đẩy hệ sinh thái 5G, trong đó các doanh nghiệp công nghệ tập trung nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G, bao gồm cả thiết bị mạng lưới và thiết bị đầu cuối (điện thoại thông minh, đầu cuối IoT); vấn đề an ninh mạng, sẵn sàng triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ số mới như mobile money, định danh số nhằm thúc đẩy tạo không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp viễn thông.

Tài liệu tham khảo:

1. Do đang nghiên cứu, thống nhất về phương pháp tính toán mới và do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên ITU chưa công bố Bảng xếp hạng các năm 2018, 2019

2.https://www.itu.int/en/ITU-D/Statistics/Documents/statistics/ITU_ICT%20 Development%20Index.pdf

3. https://www.speedtest.net/global-index/vietnam

(Trích tham luận tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025)

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa viễn thông Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số phát triển CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO