Đừng để AI bỏ lại ai phía sau
Với tốc độ phát triển chóng mặt, năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm bùng nổ với nhiều đột phá mới của trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh những tiềm năng, AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho xã hội mà chúng ta cần lưu ý.
Chỉ trong một năm ngắn ngủi, AI đã chiếm vị trí trung tâm trong các dự báo về tương lai thế giới, gợi lên nhiều phấn khích và sợ hãi.
Theo khẳng định của các nhà tâm lý, trong một số trường hợp sự sợ hãi có tác dụng tốt. Đó là lý do tại sao bộ phim "Leave the World Behind (Bỏ thế giới lại sau lưng)" trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất trên Netflix. Đây là bộ phim thể loại kinh dị hậu tận thế dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Rumaan Alam được đạo diễn Sam Esmail chuyển thể và do vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama sản xuất thông qua công ty Higher Ground Productions.
Trong phim, các dịch vụ Internet và di động bị ngừng hoạt động, cáp bị cắt và các phương tiện giao thông như tàu chở dầu, máy bay cùng ô tô điện Tesla nhanh chóng gặp trục trặc một cách bí ẩn. Đó là một cái nhìn hấp dẫn và đáng sợ về sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng công nghệ toàn cầu.
Hay một bộ phim khác về nông nghiệp chính xác được điều khiển bằng AI lại có thể thu hút được nhiều sự chú ý như vậy. Tuy nhiên, thực tế còn phức tạp hơn nhiều so với phim ảnh. AI, nếu được khai thác đúng cách, có thể là nguồn lực mạnh mẽ mang lại điều tốt đẹp cho thế giới này.
Theo báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), đơn vị nghiên cứu kinh doanh và kinh tế của McKinsey, AI ngày càng tham gia vào nhiều hình thức hoạt động kinh doanh hơn, công nghệ này sẽ thúc đẩy năng suất đến mức có thể tạo ra giá trị tới 4,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Người ta cũng ước tính rằng AI có thể giúp giảm thiểu tới 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030. Trên thực tế, các giải pháp số như AI có thể đẩy nhanh tiến độ đạt 70% tất cả các mục tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) được Liên Hợp Quốc thông qua.
Hơn nữa, tác động của AI không chỉ mang tính thống kê mà là tác động thực sự được thúc đẩy bởi những nhân tố thực sự. Ví dụ, công ty khởi nghiệp Tolbi của Mouhamadou Kebe ở Sénégal sử dụng dữ liệu vệ tinh để hỗ trợ hoạt động canh tác cho các hộ sản xuất nhỏ trên khắp Tây Phi. Đây là là một trong những doanh nghiệp mới nhất trong AI for Good Innovation Factory - một nền tảng thúc đẩy và tăng tốc dành cho các công ty khởi nghiệp về AI có trụ sở tại Liên Hợp Quốc. Trong một số trường hợp, nông dân trồng điều áp dụng hướng dẫn của Tolbi đã tăng sản lượng lên gấp ba lần.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho xã hội
AI đang ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên bên cạnh đó, AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho xã hội, bao gồm từ thông tin sai lệch và tin giả - đặc biệt đáng lo ngại khi hơn 50 quốc gia, chiếm đến một nửa dân số hành tinh, sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay - cho đến thành kiến về văn hóa, xã hội.
Quá trình xử lý dữ liệu AI cũng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng điện cũng như lượng nước cần thiết để làm mát các trung tâm dữ liệu đang mở rộng và sản xuất vi mạch. Những rủi ro này đòi hỏi các mô hình quản trị phù hợp.
Một rủi ro lớn khác từ sự phát triển AI nhanh chóng và mang tính biến đổi là có thể khiến hàng tỷ người bị bỏ lại phía sau.
AI có ý nghĩa gì đối với 2,6 tỷ người trên thế giới hiện nay vẫn chưa được kết nối?
Liệu khả năng tiếp cận công bằng có khả thi khi chỉ một số ít quốc gia dẫn đầu sở hữu gần một nửa số tác phẩm và bằng sáng chế liên quan đến AI?
Và tương lai sẽ ra sao đối với bất kỳ ai trong chúng ta khi theo dự báo của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, có tới 40% việc làm sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, đặc biệt là ở các nước phát triển.
Cũng giống như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn được sự thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó, bao gồm tất cả mọi người cũng như mọi quốc gia.
Vai trò của ITU trong phát triển hệ sinh thái AI bền vững
Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) - tổ chức quốc tế chuyên ngành của Liên Hợp Quốc, có chức năng chính là thúc đẩy và duy trì hợp tác toàn cầu về viễn thông và công nghệ thông tin - có một vai trò quan trọng ở đây.
Cụ thể, có 3 lĩnh vực hành động đóng vai trò then chốt của ITU trong phát triển hệ sinh thái AI bền vững. Đầu tiên là phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật để giúp hệ thống AI an toàn và bảo mật hơn, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới. Đây là những gì đang diễn ra trong các tiêu chuẩn của ITU trong nông nghiệp số, quản lý thảm họa, y tế và các lĩnh vực khác.
Thứ hai là tạo sân chơi bình đẳng cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, bao gồm cả thông qua xây dựng năng lực.
Cuối cùng là triệu tập các chuyên gia từ các chính phủ, khu vực tư nhân, học viện và các nơi khác để cùng nhau hợp tác về AI vì lợi ích của toàn nhân loại.
AI for Good của ITU là nền tảng hàng đầu về đối thoại toàn cầu và toàn diện về AI. Đây là một nền tảng kỹ thuật số hoạt động quanh năm, nơi các nhà đổi mới AI trao đổi, học hỏi, xây dựng và kết nối để xác định các giải pháp AI thực tế và mở rộng chúng để tạo ra tác động toàn cầu nhằm đẩy nhanh các SDG của Liên Hợp Quốc. Nền tảng này đã quy tụ hơn 40 cơ quan của Liên Hợp Quốc cùng với các nhà đổi mới và có tầm nhìn xa về AI, cũng như những người dùng AI tiềm năng trong nhiều ngành và lĩnh vực.
Hướng tới tương lai
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đang nỗ lực thúc đẩy quản trị quốc tế về AI thông qua Cơ quan tư vấn cấp cao về AI và Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu được đề xuất.
Trong khi chờ đợi, chúng ta cần tiếp tục tận dụng công việc hiện có để khai thác AI hiệu quả. Báo cáo của ITU về các hoạt động của Liên hợp quốc về AI nêu bật gần 300 dự án, từ dự báo khủng hoảng lương thực đến lập bản đồ các trường học dựa trên hình ảnh vệ tinh. Chúng ta cũng cần khai thác các mô hình và khuôn khổ hiện có của Liên Hợp Quốc có thể áp dụng cho quản trị AI./.