Chính phủ Anh cho biết, các nền tảng công nghệ sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi tiếp xúc với những hành vi bắt nạt và khiêu dâm nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
"Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới về trách nhiệm đối với công nghệ để bảo vệ trẻ em và những người dùng dễ bị tổn thương, khôi phục lòng tin trong ngành công nghiệp này và tuân theo các biện pháp bảo vệ pháp luật cho quyền tự do ngôn luận", Bộ trưởng Kỹ thuật số của Anh Oliver Dowden chia sẻ.
(Ảnh: Adsangtao)
Các chính phủ trên thế giới cũng đang phải "vật lộn" với các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn nội dung bất hợp pháp hoặc nguy hiểm trên mạng xã hội, với việc Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị công bố một số quy định riêng về kiểm soát dịch vụ kỹ thuật số vào ngày 15/12.
Các quy tắc mới của Anh dự kiến sẽ được ban hành thành luật vào năm tới, có thể khiến các trang web vi phạm quy tắc bị chặn và các nhà quản lý cấp cao phải chịu trách nhiệm về nội dung.
Những nền tảng phổ biến sẽ được yêu cầu có chính sách rõ ràng đối với nội dung có thể không phải là bất hợp pháp nhưng vẫn có thể gây hại, chẳng hạn như phổ biến những thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19.
Facebook và Google cho biết họ cực kỳ coi trọng vấn đề an toàn và đã thay đổi các chính sách cũng như hoạt động của mình để giải quyết vấn đề tốt hơn. Đồng thời, họ sẽ làm việc với chính phủ Anh về các quy định vào tháng 2 tới.
(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Cơ quan quản lý truyền thông của Anh, Ofcom cũng sẽ có quyền phạt các công ty lên tới 18 triệu bảng Anh (24 triệu đô la) hoặc 10% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức nào cao hơn, vì vi phạm các quy tắc. Đơn vị này cũng có thể chặn các dịch vụ truy cập ở Anh nếu không tuân thủ các quy định.
Báo chí trực tuyến và bình luận của độc giả trên trang web của nhà xuất bản tin tức sẽ được miễn trừ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Thời gian vừa qua, trong khi các mạng xã hội khác đã kiểm soát chặt hơn nội dung độc hại, kích động thù ghét và bạo lực, Facebook vẫn đang bị coi là "làm quá ít, quá muộn".
Trước đó, hồi tháng 7, Facebook cũng gặp rắc rối lớn tại châu Âu với việc bị hàng loạt nhãn hàng lớn tẩy chay. Hàng trăm thương hiệu lớn như Starbucks, Unilever, Coca-Cola và Verizon tuyên bố ngừng quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram trong tháng 7.
Chiến dịch tẩy chay do 6 tổ chức dân quyền phát động nhằm buộc Facebook phải mạnh tay kiểm soát các nội dung thù địch và kích động bạo lực trên nền tảng này. Chiến dịch này ngày càng thu hút sự chú ý và mỗi ngày lại có thêm nhiều thương hiệu lớn tham gia.
Trước đây, Facebook từng dính hàng loạt bê bối và hứng chịu vô số cơn bão chỉ trích, nhưng đều khéo léo luồn lách để vượt qua với những điều chỉnh sơ sài, chỉ mang tính hình thức.
Thí dụ, mạng xã hội này từng bị lên án dữ dội vì bê bối lộ thông tin người dùng Cambridge Analytica vào năm 2018, nhưng không chịu ảnh hưởng dài hạn và nghiêm trọng nào.
Theo nhà phân tích Tae Kim của Bloomberg, đã đến lúc Facebook phải đưa ra những thay đổi thực sự và có ý nghĩa, nếu không sẽ bị trừng phạt, uy tín sẽ tiếp tục bị hủy hoại, kết quả kinh doanh sẽ lao dốc.
Tư duy "ông lớn" trong không gian mạng đã khiến Facebook ngạo mạn với người dùng hết lần này đến lần khác: Từ chối đóng thuế ở nước ngoài, kinh doanh trên nguồn tin tức báo chí nhưng không trả phí, và bây giờ là "dung túng" cho nạn tin giả (fake news), tin xấu độc tràn lan gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Rõ ràng, đã đến lúc Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác cần hiểu rằng làn sóng chỉ trích và tẩy chay phản ánh những thay đổi to lớn về xã hội, chính trị và pháp lý tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, Facebook và các mạng xã hội khác cần phải nhanh chóng xóa bỏ những rác rưởi độc hại tồn tại trong mọi ngóc ngách ở mạng xã hội này. Nếu không, việc bị tẩy chay hay đối mặt với những chính sách pháp lý nghiêm ngặt cũng sẽ là điều đương nhiên tại nhiều quốc gia trên thế giới.