Chuyển đổi số

FPT cần tiếp tục tập trung phát triển CNTT, công nghệ số

NK 15:35 14/04/2023

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, FPT cần tiếp tục tập trung phát triển CNTT, công nghệ số, thiết kế sản xuất chip và đi theo đó là đào tạo nguồn nhân lực.

Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại chuyến thăm và làm việc với trường Đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT ngày 14/4.

anh_6810.jpg
Thủ tướng  Phạm Minh Chính: FPT cần tiếp tục tập trung phát triển CNTT, công nghệ số, thiết kế sản xuất chip.

Doanh nghiệp (DN) tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, FPT là DN tiên phong về chuyển đổi số tại Việt Nam từ những năm 2016. FPT cùng với các DN công nghệ khác của Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, góp phần đưa Việt Nam vươn lên, trở thành điểm sáng về CNTT trên một số lĩnh vực.

FPT còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ. Từ năm 2006, FPT đã mạnh dạn thành lập Đại học FPT theo mô hình của một trường đại học thế hệ mới, liên kết chặt chẽ với các DN, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai - ứng dụng; đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành CNTT nói riêng và công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung. 

Thủ tướng nhận định đây là hướng đi đúng, là những kết quả rất đáng ghi nhận của các DN công nghệ của Việt Nam nói chung, của Tập đoàn FPT nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng qua những bước thăng trầm và đột phá, con đường FPT đi theo phát triển CNTT, thiết kế phát triển phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với FPT, phù hợp với xu thế của thế giới, hoàn cảnh của đất nước ta, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và gắn với sự hội nhập quốc tế sâu rộng.

anh_6589.jpg
Ông Trương Gia Bình: Với 100 triệu dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới.

Giáo dục đào tạo giúp Việt Nam hùng cường, phồn vinh

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT luôn  coi trọng công tác giáo dục đào tạo. Từ năm 1999, FPT mở mạng lưới trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech. Năm 2006, FPT thành lập trường Đại học FPT để dạy tiếng Nhật cho kỹ sư CNTT. Năm 2010, FPT mở bậc giáo dục nghề nghiệp. Tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông (tính từ 2018 đến nay) trên tổng số 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại FPT.

Theo ông Trương Gia Bình, FPT đang chiếm vị trí cao trong các lĩnh vực siêu nóng của thế giới. Năm 2022, lần đầu tiên Tập đoàn FPT đã ghi nhận 1 tỷ USD doanh số từ thị trường nước ngoài, tương đương doanh thu xuất khẩu hồ tiêu - mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp 7.112 tỷ vào ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Trương Gia Bình kiến nghị, đây là thời điểm tạo ra sức hấp dẫn mới cho ngành công nghệ Việt Nam nói chung và thu hút DN nước ngoài đầu tư vào nước ta nhờ nguồn lao động kỹ thuật có chứng chỉ, bằng cấp dồi dào, thậm chí nguồn nhân lực rất cao về AI, chip, kỹ thuật xe điện...

"Với 100 triệu dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới. Tiềm năng Việt Nam có thể đứng cao top 5 - top 10 thế giới về CNTT, nông nghiệp và du lịch”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Trương Gia Bình hiến kế, Việt Nam cần ra quyết sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực 4.0 để đưa Việt Nam lên đài vinh quang sánh vai cường quốc năm châu.

Hiện thực hóa giấc mơ về bán dẫn Việt Nam để thúc đẩy vị thế quốc gia

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tập đoàn FPT chia sẻ về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022. 

Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor, năm 2022 FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025. FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản. Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chip bán dẫn nói riêng và công nghệ trên toàn cầu, FPT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tập trung phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn lực thiết kế chip bán dẫn. Việt Nam cũng cần thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn để phát triển nguồn lực về lâu dài./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
FPT cần tiếp tục tập trung phát triển CNTT, công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO