Game lậu sắp hết thời hoành hành

Hữu Tuấn| 17/09/2020 22:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Game không phép, phát hành chui, phát hành xuyên biên giới sẽ hết thời hoành hành khi cơ quan chức năng ban hành chế tài mạnh tay hơn.

Game không phép, phát hành chui, phát hành xuyên biên giới sẽ hết thời hoành hành khi cơ quan chức năng ban hành chế tài mạnh tay hơn.

Game lậu sắp hết thời hoành hành - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đang sửa đổi một số quy định để siết chặt việc quản lý các game xuyên biên giới.

Nhức nhối game lậu

Nếu như trước đây, các tựa game như Võ lâm truyền kỳ, MU Online, Con đường tơ lụa, Thiên long bát bộ, Gunbound... là những game PC không phép, phát hành chui, phát hành xuyên biên giới hoặc không sở hữu quyền phát hành phổ biến, thì thời gian gần đây là Kiếm tung 3D, Vấn tiên, Hoành tảo thiên hạ, Tru tiên Thanh Vân Chí, Đao phong vô song... đã khiến các doanh nghiệp phát hành game và cơ quan quản lý nhà nước đau đầu tìm cách xử lý.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều game không phép, vi phạm pháp luật, trong đó phần lớn là các game phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam, đang được phân phối rộng rãi trên các kho ứng dụng App Store, Google Play Store của Apple, Google và được quảng cáo trên Facebook. Trong số các game vi phạm pháp luật, có rất nhiều game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, dung tục, có nội dung nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử… gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tâm lý người chơi và xã hội.

Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), doanh thu từ game lậu chiếm 30% toàn thị trường game Việt Nam. Tức là, nếu doanh thu chỉ riêng ngách game mobile Việt Nam năm 2020 đạt 91 triệu USD, thì doanh thu game lậu sẽ chiếm hơn 30 triệu USD, một con số rất lớn.

“Xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play. Nhiều đơn vị trung gian thanh toán không thực hiện việc rà quét, sàng lọc để đảm bảo chỉ các ứng dụng/game hợp pháp mới được thanh toán. Chính vì game vi phạm pháp luật phát hành xuyên biên giới vẫn có thể được dễ dàng thanh toán, nên công tác quản lý và ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn”, Báo cáo của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

“Thị trường game Việt Nam bị thiệt hại lớn bởi những tựa game không phép phát hành qua các kho ứng dụng dùng trên di động. Nguyên nhân là bởi chính sách hợp thức hóa phát hành game qua trung gian và các cổng thanh toán đã mở ra một tiền lệ thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân vào thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, suy giảm doanh thu, lợi nhuận và mất dần khách hàng”, đại diện một nhà phát hành game Việt Nam đánh giá.

Năm 2018 - 2019, trước vấn nạn này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện giải pháp hạn chế game lậu, phát hành xuyên biên giới qua kênh thanh toán. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những yếu tố quan trọng để các game xuyên biên giới, game vi phạm pháp luật Việt Nam vượt qua hàng rào quản lý, vẫn thu phí người chơi tại Việt Nam là nhờ được hỗ trợ bởi các hình thức thanh toán đa dạng như qua thẻ tín dụng quốc tế (visa, maters card), qua các trung gian thanh toán (như ví điện tử), qua tài khoản viễn thông và các hình thức thanh toán khác.

Nhiều đơn vị trung gian thanh toán không thực hiện việc rà quét, sàng lọc để đảm bảo chỉ các game có phép mới được thanh toán.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành tìm giải pháp ngăn chặn việc thanh toán cho các trò chơi điện tử trên mạng không phép cung cấp tại Việt Nam.

Song, đến nay, số lượng game lậu không phép phát hành xuyên biên giới vẫn còn ở mức cao đã cho thấy, giải pháp này chỉ hạn chế được một phần nhỏ (so với 40% doanh thu game lậu của những năm 2015 - 2016), vì vậy, cần có một giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn.

Đề xuất chặn game lậu

Giải pháp đầu tiên đang thực hiện tương đối có hiệu quả là phối hợp với Google, Apple và Facebook trong việc chặn, gỡ hoặc dừng quảng cáo cho các game không phép phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã phối hợp với Apple gỡ bỏ 11 game không phép, vi phạm.

Gần 87% trò chơi phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm gần 69%. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.

Nguồn: Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông

“Bộ đang tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm, nâng tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu của Bộ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép và game có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Apple Store lên mức cao nhất”, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Đại diện VTC Game đề xuất giải pháp chặn dải IP máy chủ game lậu, chặn các cổng game lậu trực tuyến Steam, Play Store, App Store, Epic, Origin... nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, cần yêu cầu các đơn vị quảng cáo (Facebook, Google) tuân thủ các quy định về quảng cáo game ở Việt Nam và chú trọng rà soát các kênh thanh toán trong nước hỗ trợ cho game xuyên biên giới không phép.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Trong đó, bổ sung khái niệm về kho ứng dụng và quản lý chặt hơn các game xuyên biên giới.

Cụ thể, các kho hay chợ ứng dụng không được phân phối, hỗ trợ thanh toán cho các game chưa có giấy phép phát hành và phải gỡ bỏ game vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Trường hợp cao nhất khi những chủ thể quản lý các kho ứng dụng này không tuân thủ, họ có thể bị yêu cầu dừng hoạt động ở Việt Nam.

Đây là một bước đi quan trọng để quy trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể với các đơn vị đang vận hành những kho ứng dụng khổng lồ ở Việt Nam như Apple (App Store), Google (Play Store), hay Valve (Steam).

Một vấn đề nhức nhối khác là các hình thức trung gian thanh toán cho game xuyên biên giới không phép. Theo đó, các đơn vị trung gian thanh toán sẽ bị rút giấy phép nếu thực hiện những hành vi bị cấm, mà một trong số đó là hỗ trợ đánh bạc qua game.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Game lậu sắp hết thời hoành hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO