Giá trị giao dịch công nghệ: Yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường KH&CN

07/07/2020 09:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Giao dịch công nghệ là một mục tiêu quan trọng, có tính quyết định tới sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN(. Giá trị giao dịch công nghệ không những phụ thuộc vào đặc điểm, động cơ của bên cung, bên cầu, tổ chức trung gian công nghệ mà còn phụ thuộc vào môi trường, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích, thúc đẩy các thành phần tham gia phát triển thị trường KH&CN.

Trong thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm và ưu tiên phát triển nhưng thị trường KH&CN của Việt Nam còn nhiều hạn chế, giá trị giao dịch hàng hóa công nghệ, tài sản trí tuệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Trên cơ sở lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trung tâm, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng giá trị giao dịch công nghệ của thị trường KH&CN phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới.

Giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN

Giá trị giao dịch công nghệ là giá trị bằng tiền, được thực hiện thông qua các hoạt động mua bán, chuyển giao hàng hóa công nghệ trên thị trường KH&CN. Hàng hóa công nghệ có thể được biểu hiện dưới dạng dữ liệu, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, máy móc, thiết bị, bí quyết công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích, tài sản trí tuệ,… và các dịch vụ liên quan tới mua bán, chuyển giao công nghệ. Do đó, các giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN đa dạng về hình thức, nội dung, phong phú về đối tượng hàng hóa công nghệ; đồng thời phụ thuộc nhiều vào đặc điểm, năng lực, động cơ, mục tiêu của các bên, phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của thị trường và mức độ can thiệp, hỗ trợ, thúc đẩy của Nhà nước trong toàn bộ quá trình giao dịch công nghệ diễn ra (Hình 1).

Giá trị giao dịch công nghệ: Yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ - Ảnh 1.

Hình 1. Mô hình phát triển thị trường KH&CN lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trung tâm

Giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN ít sôi động hơn, phát triển muộn hơn, quy mô nhỏ hơn so với thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường tiêu dùng,… Bởi hàng hóa công nghệ có thể không tồn ở dạng hữu hình, nên khó nhận biết được rõ ràng, khó tiến hành các hoạt động thẩm định, đánh giá, định giá hơn so với các hàng hóa trên thị trường khác, đồng thời còn có sự chênh lệch giữa nhận thức, trình độ, năng lực giữa bên cung và bên cầu và có thể cần sự kết nối cung, cầu bởi các tổ chức trung gian công nghệ. 

Việc mua bán, chuyển giao hàng hóa công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi hàng hóa công nghệ đưa ra thị trường có thể bị rò rỉ thông tin, hoặc có thể bị giải mã, điều này dẫn đến bên bán khó giao dịch được với giá mong đợi, cùng với đó là vòng đời công nghệ ngày càng ngắn lại do sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học, nên hàng hóa công nghệ nếu không được mua bán, chuyển giao trong những thời điểm nhất định có thể dễ bị lạc hậu, lỗi thời nhanh chóng. Điều này cho thấy, để có được các giao dịch công nghệ thành công trên thị trường, không những cần phải có hàng hóa công nghệ mà còn cần có sự gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của hệ thống hạ tầng công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ, phù hợp và đáp ứng được mục tiêu, động lực trong quan hệ cung, cầu về công nghệ. 

Về bản chất, thị trường KH&CN là thị trường không hoàn hảo, dễ bị đóng băng nếu không có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo tiền đề, kích thích, tạo động lực cần thiết của Nhà nước nhằm giải quyết các khiếm khuyết thị trường, đặc biệt là giải quyết về tình trạng bất cân xứng về thông tin, về chi phí giao dịch công nghệ, về sự minh bạch của thị trường KH&CN.

Gia tăng giá trị giao dịch là một mục tiêu cốt yếu của thị trường KH&CN, điều này đã được khẳng định trong Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ), theo đó tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường hằng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. 

Trong giai đoạn từ 2012 đến 2018, tăng trưởng trung bình của giá trị giao dịch công nghệ toàn nền kinh tế đạt 20,9%, riêng ngành chế biến, chế tạo đạt 19%, trong đó ngành điện, điện tử, máy tính có mức tăng trưởng giá trị giao dịch cao nhất đạt 32% (Đặng Thu Hương và cộng sự, 2019). Thực tế cho thấy, trong các loại công nghệ được giao dịch chủ yếu là các giao dịch về máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (khoảng 90%), còn lại là giao dịch hàng hóa công nghệ khác; giao dịch công nghệ có nguồn nước ngoài chiếm khoảng 70%, có nguồn gốc trong nước khoảng 30%. Nếu công nghệ được giao dịch có nguồn gốc trong nước thì chủ yếu công nghệ được tạo ra từ doanh nghiệp (khoảng 80%), còn 20% là từ các trường đại học, trung tâm công nghệ, viện nghiên cứu công nghệ. Nếu công nghệ được giao dịch có nguồn gốc ở nước ngoài thì chủ yếu ở châu Á với trên 75% (Trung Quốc chiếm phần lớn), tỷ lệ giao dịch công nghệ có nguồn gốc từ châu Âu và châu Mỹ lần lượt là khoảng 14% và 8%, tỷ lệ giao dịch công nghệ thấp nhất là công nghệ có nguồn gốc ở châu Đại Dương, khoảng 2%. Đặc biệt, hình thức giao dịch công nghệ chủ yếu là trực tiếp giữa bên cung và bên cầu chiếm khoảng 95%, hình thức giao dịch công nghệ qua sàn giao dịch và các hình thức khác chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 5%.

Dựa trên các số liệu của Tổng cục Thống kê, Nguyễn Khắc Minh và cộng sự (2019) đã đánh giá giao dịch công nghệ trong toàn bộ ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam với 37.085 quan sát cho thấy: Giao dịch công nghệ tính trung bình trên mỗi doanh nghiệp (DN) của cả giai đoạn 2012 - 2018 là gần 1,345 triệu/DN/năm, trong đó tỷ lệ chi phí giao dịch công nghệ nước ngoài so với giao dịch công nghệ trong nước có xu hướng tăng mạnh, từ 0,66 lần năm 2012 đã tăng lên 1,59 lần năm 2018. Trong đó, nhóm ngành điện, điện tử, máy tính là nhóm ngành có giao dịch công nghệ lớn nhất, đạt gần 1,917 triệu/ doanh nghiệp/năm (chiếm 22,15% giao dịch công nghệ trên thị trường ngành chế biến, chế tạo), tiếp đến là nhóm ngành kim loại và chế tạo máy (đạt gần 1,896 triệu/DN/năm, chiếm 21,92%), thấp nhất là ngành gỗ, giấy chỉ đạt 0,707 triệu/DN/năm (chiếm 8,17%). Trong đó, chi phí giao dịch công nghệ có nguồn gốc nước ngoài có tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với chi phí giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước, đặc biệt là ngành kim loại và chế tạo máy, năm 2012 tỷ trọng giá trị giao dịch công nghệ có nguồn gốc nước ngoài chỉ bằng 1,67 lần thì năm 2018 đã tăng lên 12,76 lần (đây là ngành thuộc nhóm công nghệ cao, do vậy nhu cầu giao dịch công nghệ khá lớn trong những năm gần đây, đặc biệt là những công nghệ cao mà Việt Nam chưa tạo ra được). 

Đáng chú ý là nhóm ngành chế biến thực phẩm (đây là ngành nằm trong nhóm công nghệ thấp) nhưng cũng có tổng chi phí giao dịch công nghệ khá cao (đạt gần 1,550 triệu/DN/năm trong giai đoạn 2012 - 2018); còn trong các ngành nông lâm thủy sản, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, hoạt động KH&CN thì ngành tài chính ngân hàng có giá trị giao dịch trung bình đạt 9,427 triệu/doanh nghiệp/năm (chiếm 47,32% trong tổng giao dịch của các ngành này), tiếp đến là ngành bưu chính viễn thông chiếm 16,62%, nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 6,24%, thương mại dịch vụ chiếm 6,76%, còn lại là các ngành khác.

Để gia tăng giá trị giao dịch công nghệ hằng năm, Bộ KH&CN tổ chức các hoạt động xúc tiến vàkết nối cung cầu công nghệ: Giai đoạn 2016 - 2018 đã tổ chức gần 1.000 phiên kết nối cung cầu, kết nối đầu tư cho hơn 5.000 tổ chức, DN về các công nghệ mới theo nhu cầu của DN và các địa phương; đã lựa chọn vàgiới thiệu được hơn 1.500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm và kết quả nghiên cứu của gần 1.000 DN trong nước và quốc tế, tổ chức KH&CN, các Sở KH&CN và các DN của 63 tỉnh thành, đồng thời đã xây dựng bộ dữ liệu của 3.500 nhà khoa học, nhà quản lý và 480 đề tài. Các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) và các Sàn giao dịch công nghệ, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đã mở ra nhiều cơ hội thương mại hóa các sản phẩm KH&CN của DN, viện, trường, tổ chức KH&CN. Đã có hơn 2.000 hợp đồng và biên bản được ký kết trong giai đoạn 2012 - 2017 với tổng giá trị giao dịch đạt gần 4.200 tỷ đồng, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có hơn 1.200 hợp đồng và biên bản được ký kết với tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Những hạn chế và giải pháp gia tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN Việt Nam

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển thị trường KH&CN thông qua số liệu giao dịch công nghệ, tuy nhiên hoạt động giao dịch công nghệ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, cụ thể: (i) giao dịch công nghệ thông qua các sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian công nghệ còn hạn chế (chiếm 5% trong tổng số giao dịch); (ii) các giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế (khoảng 30%), đặc biệt là nguồn cung công nghệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu còn khiêm tốn (khoảng 20% trong tổng số giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước); (iii) giá trị giao dịch công nghệ còn thấp so với tổng thể phát triển của nền kinh tế mặc dù mức độ tăng trung bình của giá trị giao dịch công nghệ chung đạt 20,9% (giai đoạn 2012 - 2018), nhưng chủ yếu là giao dịch máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (khoảng 90%), các giao dịch về bí quyết công nghệ, sáng chế, tài sản trí tuệ, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn khiêm tốn. 

Nguyên nhân cơ bản của các hạn chế trên là do: năng lực của các sàn giao dịch, tổ chức trung gian công nghệ còn hạn chế, chưa làm tốt được vai trò kết nối, hỗ trợ của mình; năng lực cung công nghệ trong nước chưa cao, đặc biệt là công nghệ được tạo ra từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm công nghệ; năng lực hấp thụ và nguồn lực của bên cầu công nghệ còn khiêm tốn, nên chưa có động lực mạnh mẽ để tiếp nhận công nghệ cao, giải mã các sáng chế, bí quyết công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; các chính sách chưa thực sự hỗ trợ và đủ mạnh để thúc đẩy toàn bộ quá trình giao dịch, đặc biệt là giao dịch hàng hóa công nghệ được tạo ra từ việc sử dụng ngân sách nhà nước, cho dù các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện theo hướng thích ứng hơn với kinh tế thị trường và dần tiệm cận với xu hướng của thế giới.

Giá trị giao dịch công nghệ: Yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ - Ảnh 2.

Như vậy, để gia tăng hoạt động giao dịch công nghệ trên thị trường KH&CN của Việt Nam theo hướng lấy giá trị giao dịch làm trung tâm, trong thời gian tới chúng ta cần:

Thứ nhất, nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ nhằm tư vấn, hỗ trợ để bên cung, bên cầu giảm thiểu chi phí giao dịch công nghệ, giảm thiểu thông tin bất cân xứng về hàng hóa công nghệ, về quy trình, hình thức và hợp đồng giao dịch công nghệ giữa bên cung và bên cầu. Từng bước số hóa, liên thông các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, thậm chí là liên thông với các sàn giao dịch công nghệ quốc tế, có sự kết hợp chặt chẽ với hoạt động của các viện, trường, trung tâm công nghệ; tư vấn, hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp các thông tin về pháp lý, quy trình, hình thức, phương thức chuyển giao, cũng như hỗ trợ để bên cung, bên cầu hiểu rõ hơn về hàng hóa công nghệ trước khi tiến hành giao dịch. Cùng với đó là nhận dạng, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực, tiềm năng của các tổ chức trung gian công nghệ theo từng ngành, lĩnh vực và theo các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường. 

Ngoài ra, cần phát huy vai trò trung gian của các hiệp hội ngành nghề trong việc nắm bắt nhu cầu của các thành viên tham gia hiệp hội, đặc biệt là các DN trong từng ngành cụ thể, để từ đó các hiệp hội có thể xây dựng, thực thi các phương thức kết nối, hỗ trợ hiệu quả với bên cung công nghệ, với các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường KH&CN.

Thứ hai, nâng cao năng lực cung công nghệ để tạo ra sự phong phú về hàng hóa công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho bên cầu có nhiều lựa chọn công nghệ thích hợp để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, để tạo sự đa dạng về hàng hóa công nghệ trên thị trường thì năng lực nội sinh tạo ra công nghệ từ các viện, trường, trung tâm công nghệ, các tổ chức KH&CN, DN là chưa đủ, mà cần phải thúc đẩy quá trình giải mã, tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao vào Việt Nam. Danh mục các loại công nghệ này đã được quy định trong Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1851/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, từng bước hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ để bên cầu công nghệ không những có khả năng tiếp nhận, thích nghi, làm chủ, giải mã công nghệ từ nước ngoài, mà còn có khả năng tạo ra và sử dụng hiệu quả công nghệ nội sinh. Vì vậy, trước tiên cần hỗ trợ bên cầu nâng cao trình độ, năng lực nhận thức, kỹ năng tay nghề, kỹ năng quản trị và cập nhật công nghệ mới; tiếp đến là hỗ trợ bên cầu hình thành bộ phận nghiên cứu và triển khai để mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn tín dụng, nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước để phục vụ cho việc làm chủ, giải mã và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, cần đẩy nhanh việc hỗ trợ bên cầu xây dựng lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong từng giai đoạn phát triển dựa vào hoạt động dự báo, nhìn trước công nghệ trên cơ sở sử dụng các thông tin công nghệ từ các cơ sở dữ liệu về KH&CN của Việt Nam và của các quốc gia trên thế giới.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN theo hướng đổi mới sáng tạo, lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trung tâm của thị trường. Điều này có nghĩa là, Nhà nước không làm thay, không can thiệp sâu vào thị trường, mà chỉ giữ vai trò định hướng, tăng cường truyền bá công nghệ, thực hiện điều tiết, dẫn dắt các hoạt động của thị trường, tạo tiền đề, nền tảng cho thị trường phát triển, đồng thời kích thích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia phát triển thị trường thông qua các công cụ, các chính sách quản lý nhằm giải quyết thất bại của thị trường, khiếm khuyết hệ thống trong quá trình phát triển thị trường KH&CN. 

Để làm tốt điều này, trước tiên cần hoàn thiện các quy định pháp lý để xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin giao dịch công nghệ quốc gia, có liên thông với các sàn giao dịch, các trung tâm công nghệ trong nước và một số sàn giao dịch công nghệ trên thế giới. Tại đó, có sự tích hợp, hỗ trợ, liên thông thông tin của cơ sở dữ liệu chuyên gia, cơ sở dữ liệu hàng hóa công nghệ, thông tin của bên cung, bên cầu và thông tin về năng lực của các tổ chức trung gian công nghệ. 

Tiếp đến, cần xây dựng và tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN trong giai đoạn tới (giai đoạn 2021 - 2030), trong giai đoạn tới Chương trình cần được cơ cấu lại theo hướng liên thông, kết nối với các chương trình KH&CN khác; thị trường KH&CN cũng cần được liên thông, kết nối với các loại thị trường như thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Các hoạt động của chương trình cần tập trung vào việc hỗ trợ cho bên cung, bên cầu, tổ chức trung gian công nghệ để các bên có thể tham gia, thực hiện vào quá trình giao dịch công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn, thích nghi, làm chủ, giải mã sáng chế, giải mã bí quyết công nghệ để DN có thể thực hiện thành công hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh, được thị trường chấp nhận.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

2. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (2017, 2018, 2019), Báo cáo tình hình hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Hà Nội

3. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2019), Báo cáo kết quả điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Hà Nội.

4. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (2019), Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, Hà Nội.

5. Quốc hội (2008), Luật Công nghệ cao, Hà Nội.

6. Quốc hội (2017), Luật Chuyển giao công nghệ, Hà Nội.

7. Tổng cục Thống kê (2012 - 2018), Niêm giám thống kê, Nhà xuất bản Thống kê

8. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1851/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.

9. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2075/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, Hà Nội.

10. Đặng Thu Hương và cộng sự (2019), Nghiên cứu đề xuất phương pháp xác định giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam, Báo cáo tổng kết đề tài, Hà Nội.

11. Nguyễn Khắc Minh và cộng sự (2019), Báo cáo thực trạng giao dịch công nghệ thời kỳ 2012 - 2018, Hà Nội.

12. Nguyễn Hữu Xuyên (2018), Cần những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy khai thác, thương mại hóa sáng chế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số tháng 9/2018.

13. Tran Ngoc Ca, Nguyen Huu Xuyen (2020), Science, technology and innovation in Vietnam: Current situation and policy solution, International Journal of Science and Research, Volume 9 Issue 3, March 2020.

(Bài đăng trên ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 3+4 Tháng 5/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Giá trị giao dịch công nghệ: Yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường KH&CN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO