Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số “Make in Vietnam” đạt chuẩn bảo mật quốc tế

Hoàng Linh| 17/02/2020 14:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng do các kỹ sư Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ.

Năm 2019, Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) đã công bố nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung).

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp (DN) Việt Nam duy nhất phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số và phát hiện nguồn phát tán nội dung vi phạm bản quyền trên môi trường mạng.

Vào tháng 12/2019, giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung của Thủ Đô Multimedia (mang tên thương mại là Sigma DRM) cũng đã được tổ chức Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.

Giải pháp Sigma DRM do Thủ Đô Multimedia phát triển được chứng nhận trên trang web chính thức của https://www.cartesian.com/services/content-security/farncombe-security-audit/farncombe-security-audit-mark/

Với việc đạt được chứng nhận của Cartesian, Thủ Đô là DN đầu tiên của Việt Nam, cũng là DN duy nhất của Đông Nam Á, là 1 trong 6 DN của châu Á đạt được chứng nhận này. Hiện nay Catersian đã chứng nhận giải pháp DRM cho 20 DN trên toàn cầu.

Thủ Đô không những ghi tên Việt Nam nằm trong Top 20 DN toàn cầu phát triển được giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số mà còn tạo cơ hội để các đơn vị sở hữu nội dung số của Việt Nam sử dụng giải pháp trong nước để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan như hiện nay.

Chia sẻ về lý do Thủ Đô Multimedia lại quyết định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dự án DRM Finger Print Online này, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết: “Trong hai năm trở lại đây, Thủ Đô là đơn vị trong nước duy nhất đã phát triển hoàn thiện giải pháp truyền hình OTT tại Việt Nam, và trong đó, chúng tôi nhận thấy việc bảo vệ bản quyền đối với những hệ thống nội dung số (bao gồm bảo vệ nội dung truyền hình, video, nhạc, sách điện tử…) có vai trò quan trọng nhất, bởi nếu không bảo vệ được bản quyền thì ngoài những thiệt hại trực tiếp về kinh tế khi cung cấp nội dung cho người dùng, thì các hãng cung cấp nội dung lớn trên toàn cầu cũng tchối hợp tác bởi đối tác phân phối không đảm bảo quyền bảo mật nội dung cho họ".

Ông Hưng dẫn chứng gần đây nhất là cúp C1 châu Âu không được quyền phát tại Việt Nam vào năm 2017 do không bảo mật được bản quyền.

Để phát triển được giải pháp mã hóa, bên cạnh đòi hỏi kinh nghiệm về bảo mật phần mềm, thì sự am hiểu sâu sắc về các thiết bị đầu cuối cũng là một điều kiện bắt buộc bởi toàn bộ quá trình giải mã diễn ra tại nơi này, hơn thế nữa, số lượng thiết bị trong lĩnh vực này trải khắp từ thiết bị di động đến các màn hình lớn trong nhà hay trong các rạp chiếu phim.

Chính vì lý do đó, trên thế giới chỉ có các công ty lớn như: Apple, Microsoft, IBM tham gia vào phát triển giải pháp DRM; trong mảng truyền hình, cũng chỉ có hơn 10 công ty toàn cầu hiện đang phát triển và cung cấp giải pháp này như Nagravision, Conax, Viacess…

Việc Thủ Đô vượt qua kiểm định của Cartesian - công ty kiểm định (Audit) tất cả các giải pháp DRM trên toàn cầu, đưa sản phẩm Sigma DRM của Thủ Đô Multimedia vào danh sách 20 giải pháp DRM đạt tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu.

Đây là thành quả quan trọng với Thủ Đô Multimedia, đồng thời chứng minh được năng lực trong lĩnh vực phát triển bảo mật của Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội để giải pháp Sigma DRM có thể tiếp cận và cung cấp giải pháp cho các hãng truyền hình và công ty cung cấp nội dung số trong nước.  

Có thể nói, việc một DN Việt Nam phát triển và làm chủ công nghệ bảo vệ bản quyền có ý nghĩa quan trọng khi mà tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ở Việt Nam rất nhức nhối và chưa có giải pháp để ngăn chặn triệt để.

Để chống lại việc vi phạm bản quyền, ngoài việc tích hợp giải pháp bảo vệ nội dung (DRM) thì việc sử dụng giải pháp Finger Print Online nhằm phát hiện nguồn phát video lậu và ngăn chặn kịp thời khi nội dung được thu và phát lại bằng các thiết bị quay màn hình là một cặp giải pháp hữu hiệu trong môi trường trực tuyến.

“Về năng lực bảo mật, giải pháp Sigma DRM hoàn toàn tương đương với các giải pháp đang được cung cấp trên toàn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Hân cho hay.

Việc một công ty trong nước như Thủ Đô Multimedia phát triển thành công giải pháp về bảo vệ nội dung số và được kiểm định bởi tổ chức uy tín sẽ mang lại lợi ích cho rất nhiều các đơn vị sản xuất, phân phối nội dung số tại Việt Nam.

Để bảo vệ bản quyền nội dung, hiện nay phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ nội dung của Việt Nam đang áp dụng giải pháp bảo mật DRM của nước ngoài.

Hạn chế của việc dùng các giải pháp bảo mật của nước ngoài là chi phí khá đắt đỏ. Với việc thành công của giải pháp Sigma DRM, Thủ Đô tự tin sẽ mang đến giải pháp quốc tế giá Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề triển khai kết nối để lấy mã bảo mật từ máy chủ của nước ngoài khá phức tạp. Việc bảo vệ bản quyền nội dung hiện nay mới chỉ dừng ở mảng truyền hình là chủ yếu, tuy vậy, trong một số trường hợp cần bảo vệ, mã hóa nội dung liên quan đến an ninh (ví dụ mã hóa các thư điện tử hoặc file PDF) thì việc cấp mã bảo mật từ hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài đôi khi không đáp ứng được yêu cầu của nhiều đơn vị.

Và lợi ích cuối cùng chính là sự phối hợp triển khai giữa các đơn vị trong nước với nhau sẽ gặp nhiều thuận lợi từ đàm phán thương mại, hỗ trợ vận hành, nâng cấp hệ thống.

Giải pháp Sigma DRM được triển khai cho dịch vụ truyền hình OTT VTVcab ON

Từ tháng 7/2019, việc kết hợp DRM và Finger Print Online được triển khai cho dịch vụ truyền hình VTVcab ON của tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số “Make in Vietnam” đạt chuẩn bảo mật quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO