Giải pháp nào để thu hút nhiều nữ giới tham gia vào lĩnh vực AI
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Nam Á đã làm bùng nổ cuộc tranh luận về việc thiếu hụt nữ giới làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Những rào cản
Theo Báo cáo về "Giới, AI và Phát triển kỹ năng tại Đông Nam Á" (The Gender, AI, and Skill Development in Southeast Asia Report) năm 2024 - Nghiên cứu từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, số liệu thống kê việc làm của phụ nữ bị chênh lệch rất lớn. Phụ nữ ít có khả năng được tiếp xúc với đào tạo AI, nhận được ít quyền lợi công việc hơn, có mức lương thấp hơn, có rất ít cơ hội được đào tạo kỹ năng và bỏ lỡ các vị trí quản lý.
Vào thời điểm nhu cầu về các chuyên gia công nghệ thúc đẩy đổi mới ngày càng tăng, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực AI đang phải đối mặt để có được chỗ đứng trong một ngành do nam giới thống trị. Báo cáo lưu ý rằng thách thức không phải là làm thế nào để theo kịp sự phát triển công nghệ ở Đông Nam Á mà là làm thế nào để đảm bảo tính đa dạng và tăng trưởng toàn diện. Tỷ lệ tham gia của phụ nữ thấp hơn tỷ lệ của nam giới ở tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó Myanmar có tỷ lệ chênh lệch phần trăm cao nhất là 28,4%.
Việc thiếu sự đa dạng và bao trùm về giới tác động tiêu cực đến các công ty, gây ảnh hưởng đến hiệu suất, kết quả tài chính, sự hợp tác, đổi mới và lợi ích của người tiêu dùng. Báo cáo của McKinsey về phụ nữ tại nơi làm việc (Women in the Workplace) cho thấy các tổ chức mang tính bao trùm sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu lợi nhuận của họ, có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp hơn và hoạt động tốt hơn các môi trường văn phòng đồng nhất về giới. Hơn nữa, các tổ chức như vậy được cho là sáng tạo và linh hoạt hơn gấp 6 lần.


Với những lợi ích mang lại, điều gì đang cản trở nữ giới tham gia vào lĩnh vực AI?
Theo báo cáo "Khoảng cách giới toàn cầu" (Global Gender Gap Report) năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dữ liệu của LinkedIn cho thấy phụ nữ chiếm 42% lực lượng lao động toàn cầu và 31,7% lãnh đạo cấp cao trên mọi phương diện. Phụ nữ chiếm 29% lực lượng lao động AI và chỉ có 35% được chủ lao động cung cấp quyền truy cập vào các công cụ AI, so với 41% nam giới.
Ở Đông Nam Á, tỷ lệ việc làm của phụ nữ là khác nhau, với các quốc gia như Philippines có 95% tỷ lệ tham gia, trong khi Indonesia chỉ có 40%. Sau đây là những rào cản ngăn cản phụ nữ tạo dấu ấn trong lĩnh vực AI.
Hỗ trợ chưa đầy đủ cho lực lượng lao động nữ: Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) được liên kết ở trên, hành trình sự nghiệp của phụ nữ rất phức tạp. Người phụ nữ là đi làm cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống, một bà mẹ đơn thân cần phải sắp xếp công việc một cách linh hoạt hay một nữ chuyên gia trước khi sinh con phải cân nhắc khi muốn thăng tiến trong nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có những người phụ nữ muốn trở lại làm việc đang tìm kiếm cơ hội trong các ngành công nghiệp mới nổi. Các công ty phải đáp ứng nền tảng để người phụ nữ thành công trong lĩnh vực AI.
Định kiến giới: UN Women nhấn mạnh rằng AI phản ánh sự thiên vị giới tính trong xã hội. Dữ liệu được sử dụng để nhập thông tin và đào tạo các hệ thống AI chủ yếu hướng đến nam giới, nghĩa là phụ nữ có thể bị loại trừ hoặc phân biệt đối xử trong nội dung được tạo ra.
Việc thu hẹp khoảng cách giới trong khu vực ASEAN là một thách thức. Phụ nữ vẫn chưa được đánh giá bình đẳng, bị coi thường về khả năng và chưa có người cố vấn đầy đủ. Các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo cũng nhận được ít vốn hơn so với doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo.
Các vấn đề về giáo dục và nâng cao kỹ năng: Sự chênh lệch về giáo dục ảnh hưởng đến phụ nữ, chẳng hạn như thiếu nguồn lực hỗ trợ đầy đủ để theo đuổi các khóa học STEM hoặc khó khăn trong việc hỗ trợ trẻ em gái theo học chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ.
Kết quả là, rất ít phụ nữ có thể tham gia vào lĩnh vực AI. Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc (Work Trend Index) hàng năm năm 2024 của Microsoft cho biết 90% người sử dụng lao động tin rằng đội ngũ của họ cần nâng cao kỹ năng để sẵn sàng cho sự phát triển của AI tại ASEAN. Do đó, Microsoft đã lên kế hoạch trang bị cho 2,5 triệu người trong khu vực các kỹ năng về AI vào cuối năm 2025.
Khuyến khích nữ giới tham gia lĩnh vực AI
Một lĩnh vực công nghệ cân bằng giới tính sẽ thúc đẩy sự đổi mới và phát triển AI vì nam giới và phụ nữ có nhiều ý tưởng và cách tiếp cận ra quyết định khác nhau. Phụ nữ được trao quyền cũng rất cần thiết cho xã hội vì họ đóng góp vào thu nhập được tạo ra và cải thiện văn hóa cũng như cơ sở hạ tầng.
AI ở Đông Nam Á đang có nhu cầu tăng đột biến, với việc nhiều người dân tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, nâng cao khả năng ra quyết định và hiệu quả hoạt động. Thị trường dường như đang trên đà đạt 8,92 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 30,30 tỷ USD vào năm 2030.
Các bên liên quan trong lĩnh vực AI có thể khuyến khích sự tham gia của nữ giới bằng cách xóa bỏ định kiến giới trong các thuật toán để tuyển dụng những người làm công nghệ tài năng. Các bên có thể sửa đổi dữ liệu được sử dụng để xóa bỏ nhận thức tiêu cực về phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Hơn nữa, cần có cá đầu tư cho các sáng kiến khu vực, học bổng và chương trình cố vấn để đào tạo phụ nữ và trẻ em gái từ khi còn nhỏ để phát triển mạnh mẽ trong các vị trí công nghệ và AI.
Cuối cùng, chính phủ phải thúc đẩy các giải pháp khả thi tại nơi làm việc và cơ sở đào tạo để giải quyết tình trạng chênh lệch về giới và cung cấp kinh phí để thúc đẩy nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực AI. Việc có nhiều hình mẫu phụ nữ hơn ở các vị trí cấp cao sẽ truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ hơn tham gia vào ngành, tạo ra nguồn nhân lực tài năng lớn hơn cho các công ty./.