Chuyển động ICT

Phá bỏ rào cản: Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM

Ngọc Diệp 08/03/2023 06:18

Đổi mới và công nghệ vẫn thường được coi là lĩnh vực mà nam giới có ưu thế. Trong những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở, tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. 

10-it-girls-initiative_photo-it-girls.jpeg

Đổi mới và công nghệ để thúc đẩy bình đẳng giới

Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ (IDW) của Liên Hợp Quốc năm nay được tổ chức vào ngày 8/3/2023 với chủ đề “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới", nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trong đổi mới, công nghệ và giáo dục kỹ thuật số, đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với những nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.

Có thể thấy, thế giới của chúng ta đang phát triển nhanh chóng từng ngày với những đột phá công nghệ quan trọng. Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế, từ liên lạc với người thân yêu, thực hiện giao dịch ngân hàng đến đặt lịch hẹn khám bệnh.

Những tiến bộ về công nghệ số mang đến những cơ hội to lớn để giải quyết các thách thức về phát triển và nhân đạo, đồng thời đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Chương trình nghị sự 2030 mà Liên Hợp Quốc đã thông qua. Tuy nhiên, các cơ hội của cuộc cách mạng số cũng tiềm ẩn nguy cơ duy trì các mô hình bất bình đẳng giới hiện có. Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và trở nên rõ ràng trong bối cảnh đổi mới kỹ thuật số và công nghệ, trong đó phụ nữ bị bỏ lại phía sau do sự phân biệt giới tính trong lĩnh vực kỹ thuật số này.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, có tới 37% phụ nữ không được sử dụng Internet. Chưa đến 259 triệu phụ nữ truy cập Internet so với nam giới mặc dù họ chiếm gần một nửa dân số thế giới. Nếu phụ nữ không thể truy cập Internet và không cảm thấy an toàn khi trực tuyến, họ sẽ không thể phát triển các kỹ năng số cần thiết để tham gia vào không gian số, điều này làm giảm cơ hội theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) mà chiếm tới 75% công việc vào năm 2050.

Hướng phụ nữ và các nhóm bị yếu thế khác đến với công nghệ sẽ mang lại nhiều giải pháp sáng tạo hơn và có tiềm năng lớn hơn cho những đổi mới đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Ngược lại, việc họ không được hòa nhập đi kèm với tổn thất lớn. Theo báo cáo Tổng quan về Giới tính Phụ nữ của Liên Hợp Quốc năm 2022, việc phụ nữ bị loại khỏi thế giới kỹ thuật số đã lấy đi 1.000 tỷ USD từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong thập kỷ qua. Con số này sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025 nếu không có giải pháp kịp thời nào.

"Đó là lý do tại sao chúng ta phải thu hẹp khoảng cách số và tăng cường sự hiện diện của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học và công nghệ", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterre cho biết.

Cần thu hẹp khoảng cách về giới tính trong lĩnh vực STEM

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, không có gì ngạc nhiên khi các nghề nghiệp liên quan đến STEM đang được tìm kiếm nhiều nhất trong thị trường việc làm ngày nay. Ngành này cũng được dự đoán sẽ tạo ra những công việc trong tương lai với mức lương cao nhất và tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Theo nghiên cứu, những người làm việc trong lĩnh vực STEM có thu nhập trung bình cao gấp đôi so với những người không làm việc trong lĩnh vực STEM và xu hướng này dự kiến sẽ ngày càng tăng.

untitled-design-24-750x340.jpeg

Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này còn hạn chế. Mặc khác, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như thử nghiệm, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Do đó, chúng ta phải đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái sẽ tham gia rộng rãi vào STEM. Đầu tiên là phải tăng cường và thúc đẩy giáo dục STEM có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời ở tất cả các cấp. Đồng thời loại bỏ những định kiến rập khuôn của xã hội và khuyến khích phụ nữ theo đuổi sự nghiệp STEM.

Tại Liên minh Châu Âu (EU), sự chênh lệch giới tính trong lĩnh vực STEM còn khá lớn với chỉ khoảng 19% chuyên gia CNTT và 1/3 sinh viên tốt nghiệp ngành STEM là nữ. Chỉ khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật trên toàn thế giới là nữ giới. Các vị trí lãnh đạo và quản lý trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục do nam giới thống trị, nữ giới chỉ chiếm khoảng 24%.

Ana Vizitiv, 18 tuổi, là một cô gái trẻ đến từ Moldova, đam mê các môn khoa học STEM từ khi còn nhỏ. Cô đã tham gia nhiều kỳ thi Olympic khoa học khó và giành chiến thắng trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế - Regeneron ISEF 2021. Ana Vizitiv chính là động lực tích cực thúc đẩy và khuyến khích các cô gái trẻ theo đuổi đam mê trong lĩnh vực STEM bất kể những thành kiến về giới tính.

Sri Lanka có nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới vào tháng 7/1960. Bà Sirimavo Banadaranaike, người đã giữ chức vụ này trong 12 năm, cho biết: “Chúng ta ở đây không chỉ để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn để khai thác những lợi ích cho loài người trong việc hòa nhập một nửa của thế giới trong sự phát triển của nhân loại".

Để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong lĩnh vực STEM và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số, nhiều chính sách và sáng kiến đã được đưa ra. Ví dụ, sáng kiến GEG (Global Engineer Girls) hiện đang được triển khai ở 4 quốc gia, nhằm giáo dục, trao quyền và khuyến khích trẻ em gái xem xét các ngành nghề trong lĩnh vực STEM. GEG cố gắng giải quyết sự bất bình đẳng trong gia đình và cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các em gái được giáo dục STEM và cố vấn nghề nghiệp.

Một tổ chức phi chính phủ khác có tên, GirlHype, hoạt động để thúc đẩy và trao quyền cho thanh thiếu niên và trẻ em gái ở Nam Phi. Hay Girls Who Code đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới trong các công việc kỹ thuật ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Ấn Độ vào năm 2030, nhằm trao quyền cho trẻ em gái theo đuổi sự nghiệp công nghệ.

Girls Who Code là tổ chức cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu về khoa và học máy tính cho nữ sinh năm thứ nhất, thứ hai trung học trong các khóa học mùa hè tại các thành phố trên toàn nước Mỹ. Các em gái sẽ được học những kiến thức thiết thực nhất về mã hóa, phát triển web hoặc lập trình và khoa học chế tạo - điều khiển robot. Những sáng kiến như này rất quan trọng để khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM và giảm định kiến giới trong doanh nghiệp.

Các khuyến nghị bổ sung

Người sử dụng lao động trong lĩnh vực STEM nên thử tuyển dụng nhân viên nữ để cải thiện sự đa dạng giới trong doanh nghiệp (DN). Điều này không chỉ cung cấp cho phụ nữ và trẻ em gái những cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM mà còn tạo ra những lợi thế bổ sung cho DN để thu hút, giữ chân và tối ưu hóa nguồn nhân lực. Từ đó tạo ra sự đổi mới, sáng tạo cũng như những quyết định sáng suốt nhằm mang lại hiệu quả lợi nhuận cao hơn.

Theo nghiên cứu, các nhóm đa dạng đưa ra phán đoán nhanh hơn 87% về thời gian và các DN có lực lượng lao động đa dạng có nhiều khả năng giành được thị phần hơn 70%, từ đó nâng cao doanh thu.

Cho đến nay, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực STEM còn khá khiêm tốn. Bây giờ là lúc chúng ta cần tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ để cùng nhau đưa xã hội tiến lên, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù có nhiều đột phá được tạo ra bởi các nhóm như Girls Who Code và GEG, nhưng những tổ chức hay sáng kiến này không thể tự mình thay đổi thế giới. Để phát triển một nền kinh tế bền vững, toàn diện và hướng tới tương lai, chúng ta phải khuyến khích bình đẳng giới trong chính phủ, kinh doanh, luật pháp và văn hóa. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng đạt được bình đẳng giới không chỉ là đảm bảo công bằng mà còn mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các công ty có sự đa dạng về giới ở các vị trí lãnh đạo có xu hướng hoạt động tài chính tốt hơn. Ngoài ra, thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế đáng kể và giảm mức nghèo đói. Các chính phủ và DN đều có trách nhiệm giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và tạo ra một môi trường bình đẳng và thống nhất cho tất cả mọi người. Do đó, chúng ta cần phải cùng nhau hành động để đảm bảo một tương lai bình đẳng và thịnh vượng cho tất cả mọi người./.

Theo dailymirror, unwomen, techgig
Copy Link
Bài liên quan
  • Dấn thân với đam mê nghề lập trình viên
    Nữ giới theo học ngành lập trình viên đã ít, lại kiên định theo đuổi nghề càng thêm hiếm. Tuy nhiên, với đam mê mãnh liệt, các nữ lập trình viên đã vượt qua thử thách để chinh phục ước mơ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phá bỏ rào cản: Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO