An toàn thông tin

Giải pháp SafeGate giúp bảo vệ trẻ trên không gian mạng một cách toàn diện hơn

Thế Phương 20/09/2023 12:35

SafeGate ra đời để quản lý, an toàn Internet trong gia đình một cách toàn diện, đa nền tảng từ smartphone, máy tính, tivi thông minh... và đảm bảo 2 yếu tố bao gồm chi phí hợp lý và thực sự dễ dùng - điều không phải nền tảng nào cũng có thể thực hiện được.

Tóm tắt:
- Với hơn 27 triệu hộ gia đình, 44.000 trường học..., thị trường an toàn thông tin của Việt Nam được đánh giá tiềm năng.
-Giải pháp SafeGate theo mô hình NetworkBased -dựa trên việc bảo vệ, kiểm soát ở lớp mạng và có thể kiểm soát tất cả các thiết bị ở trong gia đình mà không phải cài đặt thêm các phần mềm.
- SafeGate không chỉ là Giải pháp Internet an toàn cho gia đình mà còn có sản phẩm dành cho doanh nghiệp (DN).
- Những rào cản đối với các sản phẩm ATTT cho trẻ em/gia đình.

Tuy nhiên, giải pháp chỉ là một công cụ hỗ trợ để phụ huynh nhận biết những bất thường, rủi ro có thể xảy ra với con em mình.

Giải quyết yếu tố chi phí và dễ dùng cho các sản phẩm ATTT trong gia đình

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thị trường an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam có quy mô khoảng 500 triệu USD. Việt Nam hiện cũng có 1 triệu doanh nghiệp (DN), 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 27 triệu hộ gia đình, 44.000 trường học và 14.000 cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trường học hay hàng triệu hộ gia đình chưa được trang bị một giải pháp nào để bảo vệ khi hoạt động trên không gian mạng. Vì vậy, trong thời gian qua, không ít các giải pháp bảo vệ ATTT đã ra đời để giải quyết bài toán này.

ong-ngo-tuan-anh.png
Theo ông Ngô Tuấn Anh, SafeGate ra đời để quản lý, an toàn Internet trong gia đình và đảm bảo 2 yếu tố cần thiết là chi phí hợp lý và thực sự dễ dùng.

Chia sẻ về lý do ra mắt sản phẩm, theo ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng thông minh (Smart Cyber Security - SCS), đơn vị pháttriển nền tảng SafeGate - Giải pháp Internet an toàn cho gia đình, sản phẩm này này bắt nguồn từ một nhu cầu thực tế trên thị trường cũng như bản thân các anh em sáng lập (Founder). Đó chính là giải quyết các bài toán về quản lý cũng như an toàn Internet ở trong gia đình.

“SafeGate ra đời để quản lý, an toàn Internet trong gia đình và đảm bảo 2 yếu tố cần thiết là chi phí hợp lý và thực sự dễ dùng”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Tuấn Anh cho biết, một sản phẩm để cung cấp ra thị trường đòi hỏi phải trải qua rất nhiều bước. Từ việc phân tích yêu cầu đầu vào làm sao có được các yêu cầu đầy đủ nhất, chân thực nhất. Bởi vì, chỉ khi yêu cầu rõ ràng thì sản phẩm đầu ra mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sau đó, đội ngũ phát triển phải xây dựng từ những viên gạch đầu tiên như phân tích thiết kế hệ thống, xây dựng giải pháp phần mềm, giải quyết những điểm thắt về công nghệ phải vượt qua... cho đến việc ghép nối thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, việc có một sản phẩm đầy đủ chỉ là việc khởi đầu, sau đó, đội ngũ phải tiếp cận thị trường với mong muốn làm sau để khách hàng hiểu, biết đến sản phẩm... Đây là một trong những khó khăn mà SCS phải vượt qua bởi hầu hết anh em trong đội ngũ sáng lập đều là những người xuất phát từ kỹ thuật, phải vừa làm vừa học hỏi những kiến thức mới về marketing, bán hàng.

Dù vậy, công ty cũng đã được không ít thuận lợi về tinh thần và sự hỗ trợ từ phía gia đình, đồng nghiệp, bạn bè cho đến các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ TT&TT, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) hay Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau một thời gian phát triển và đưa sản phẩm ra được thị trường, kết quả mà ông Tuấn Anh đánh giá tốt nhất, đó là sản phẩm này đã giải quyết được vấn đề của khách hàng, mang lại giá trị trong việc sử dụng. Đó là điểm đội ngũ phát triển cảm thấy tâm đắc nhất.

Trong thời gian tới, SCS sẽ phải tập trung vào để làm thế nào gia tăng được số lượng, mở rộng được khách hàng để giá trị đó đến được nhiều hơn với khách hàng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở rộng được phạm vi, quy mô của đội ngũ SafeGate.

Cụ thể, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các tính năng, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách hàng, SafeGate cũng sẽ bổ sung thêm các tính năng, tiện ích mới cho khách hàng bên cạnh các tính năng cần thiết, cơ bản. Tiêu biểu như tính năng kiểm soát an toàn cho các thiết bị của con khi con không ở trong gia đình, để phụ huynh có thể nhận được các cảnh báo khi con đi ra ngoài phạm vi an toàn (như trường học, gia đình) ngoài thời gian giới hạn.

Ngoài ra, SafeGate cũng sẽ bổ sung các cảnh báo, phân tích thông minh hỗ trợ cho phụ huynh trong quản lý, sử dụng sản phẩm để tăng thêm các giá trị gia tăng cho người sử dụng.

safegate-2.png
Với giải pháp SafeGate, phụ huynh sẽ không cần phải cài phần mềm, giúp cho việc sử dụng được thuận tiện hơn.

Bên cạnh việc triển khai cho các đối tượng khách hàng gia đình, trường học thì công ty cũng sẽ chuẩn bị cung cấp sản phẩm SafeGate dành cho doanh nghiệp. Trong đó chú trọng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ - là các đơn vị bị giới hạn cả về tài chính và nhân sự.

“Những doanh nghiệp này dù cũng có nhu cầu về đảm bảo ATTT, quản trị mạng nhưng bị giới hạn về nguồn lực tài chính và nhân sự nên không có nguồn lực để đầu tư các giải pháp đắt tiền hoặc là thuê các nhân sự chuyên trách về ATTT. Giải pháp SafeGate Office sẽ giải quyết được 2 vấn đề đó”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Về lý do SafeGate hợp tác với các hãng phần cứng để cung cấp giải pháp cho khách hàng, đại diện SCS cho rằng, giá trị lớn nhất mà giải pháp mang lại chính là các tính năng tiện ích của phần mềm, còn phần cứng là thiết bị bổ trợ cho phần mềm. Tiêu chí đầu tiên khi đội ngũ SafeGate phát triển giải pháp đó là các giải pháp phần cứng phải ổn định nhất, tốt nhất cho người sử dụng.

Do đó, công ty đã lựa chọn các phần cứng tốt nhất của các hãng đứng đầu thế giới để tích hợp vào. Qua đó, bên cạnh phần mềm, khách hàng của SafeGate cũng sẽ được sử dụng các phần cứng tốt nhất. Hai điều này sẽ bổ trợ lẫn nhau và tạo ra dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng.

safe-gate-4.png
SCS mong muốn trong thời gian tới các cơ quan quản lý sẽ có các kế hoạch, chương trình để có thể cụ thể hóa hơn nữa các chủ trương định hướng về việc bảo đảm ATTT cho trẻ em/gia đình.

Giúp bảo vệ, giám sát toàn diện cả trên Smart Tivi

Nói về sự khác biệt của SafeGate, theo ông Tuấn Anh, những giải pháp trên thị trường hiện nay hầu hết là các giải pháp phải cài đặt vào thiết bị đầu cuối của trẻ em để bảo vệ. Điều đó đồng nghĩa với việc muốn triển khai và sử dụng thì phải cài phần mềm ở trên thiết bị (điện thoại, máy tính) của con. Với giải pháp SafeGate, phụ huynh sẽ không cần phải cài phần mềm, giúp cho việc sử dụng được thuận tiện hơn.

Ngoài ra, trẻ em không chỉ sử dụng thiết bị di động mà khi ở nhà các con có thể sử dụng máy tính, iPad. Đặc biệt hiện nay, tivi thông minh (Smart Tivi) là thiết bị mà từ lứa tuổi các con chưa đi học cho đến cấp 1 - cấp 2 sử dụng rất nhiều. Giải pháp SafeGate sẽ theo mô hình Network Based - dựa trên việc bảo vệ, kiểm soát ở lớp mạng và có thể kiểm soát tất cả các thiết bị ở trong gia đình mà không phải cài đặt thêm các phần mềm ở trên các thiết bị cần bảo vệ và giám sát. Đặc biệt, giải pháp sẽ bảo vệ được cả các Smart Tivi đây là vấn đề đau đầu của nhiều phụ huynh hiện nay.

Khi được hỏi nguyên nhân khiến các sản phẩm bảo vệ cho trẻ em/gia đình liên tục được giới thiệu trong thời gian gần đây, ông Tuấn Anh cho rằng, trước đây mọi người ít quan tâm đến việc bảo đảm ATTT cho con em mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, việc học online hay sử dụng công cụ trực tuyến đã trở thành điều bắt buộc và vẫn tiếp tục duy trì ngay cả trong giai đoạn bình thường mới, nhất là khi mọi người cũng bắt đầu nhận thấy lợi ích của việc học trực tuyến.

Để rồi, trong quá trình tiếp xúc Internet, bên cạnh các tiện ích đó thì đã bắt đầu các phụ huynh nhận thấy các vấn đề phải đối mặt. Ví dụ như trẻ em 3-4 tuổi trẻ giữ khư khư điều khiển tivi, hoặc các cháu chưa đi học nhưng bấm và chơi game online thành thạo. Các điều này nếu có thời lượng giới hạn thì tốt nhưng nếu lạm dụng thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, phát triển thị lực và ảnh hưởng đến học tập.

“Từ đó, thị trường bắt đầu hình thành những yêu cầu có biện pháp để quản lý cũng như bảo vệ an toàn khi con tham gia sử dụng mạng Internet. Để rồi, lần lượt các giải pháp được đưa ra để giải quyết bài toán đó”, ông Tuấn Anh lý giải.

Chưa kể đến, dù mọi người đều thấy có nhu cầu trong gia đình liên quan đến quản lý và bảo vệ Internet an toàn. Nhưng thực tế tại thị trường Việt Nam, hiện chưa có nhiều sản phẩm và chưa có nhiều người sử dụng.

Điều này có nghĩa dù thị trường tiềm năng nhưng dung lượng vẫn chưa lớn. Đây cũng là điều tự nhiên bởi khi thị trường có nhu cầu thì cũng cần có một khoảng thời gian để biến từ nhu cầu của thị trường thành hành động thực tế của khách hàng, tức là việc các bậc phụ huynh quyết định mua và sử dụng các giải pháp về quản lý và an toàn Internet ở trong gia đình.

Còn về rào cản mà các giải pháp như Safegate nói riêng và các sản phẩm ATTT cho trẻ em/gia đình phải vượt qua, ông Tuấn Anh khẳng định, đầu tiên là yếu tố dễ dùng, bởi dù có nhu cầu nhưng không phải gia đình nào cũng rành về công nghệ để thiết lập giải pháp.

Thứ 2 là yếu tố chi phí. Hiện nay, các gia đình có nhiều chi phí khác nhau. Do đó các giải pháp cần có chi phí hợp lý để có thể cân bằng giữa nhu cầu, vấn đề giải quyết được và chi phí bỏ ra. Đây là những rào cản mà các giải pháp cần vượt qua để xâm nhập được vào thị trường.

Rào cản thứ 3 và cũng lớn nhất là thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm ra thị trường, SCS các định đây cũng là công việc, nghĩa vụ mang tính chất xã hội. Do đó, SafeGate xác định luôn đồng hành và xây dựng cộng đồng các phụ huynh có hiểu biết, kỹ năng để bảo vệ con cái trên không gian mạng. Điều đó sẽ là sự phát triển bền vững nói cho cộng đồng cũng là mang lại sự giá trị cho SafeGate khi các phụ huynh được nhận thức tốt về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

safegate-3.png

Cần tạo thị trường lớn hơn cho sản phẩm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp ATTT cho trẻ em/gia đình hiện nay dễ bị đánh đồng với việc xâm phạm quyền riêng tư, khiến các em cảm thấy không được thoải mái. Về vấn đề này, theo ông Tuấn Anh, sẽ có một đối trọng giữa tính riêng tư và tính năng quản lý. Khi càng giám sát chặt thì sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tính riêng tư của mọi người.

Khi xây dựng SafeGate, SCS luôn cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa việc quản lý, kiểm soát và đảm bảo tính riêng tư cho con cái. Cụ thể, với SafeGate, phụ huynh có thể biết con em mình sử dụng mạng xã hội gì, thời gian bao nhiêu nhưng không xem được con chat với ai, xem nội dung nào. Bởi điều đó ảnh hưởng nhiều tới tính riêng tư của các con.

“Để đảm bảo an toàn cho con, phụ huynh chỉ cần biết với các con sử dụng ứng dụng không phù hợp với lứa tuổi hay không. Nếu có tình trạng này thì các bậc phụ huynh cần có đối thoại giữa phụ huynh và con”, ông Tuấn Anh bày tỏ.

Bởi vì, các giải pháp bảo vệ trẻ em chỉ là công cụ hỗ trợ và không thể thiếu được sự quan tâm hỗ trợ của phụ huynh. Ví dụ như dù phụ huynh quản lý, giám sát con bằng mạng Internet trong gia đình nhưng con hoàn toàn có thể mua thiết bị phát wifi hay thậm chí mua một thiết bị di động khác bằng tiền tiết kiệm. Do đó, bố mẹ sẽ phải đồng hành cùng con và sử dụng các giải pháp công nghệ để nhận biết sớm bất thường, những rủi ro với con.

“Từ đó để con thấy rằng cha mẹ luôn luôn đồng hành cùng với con trong quá trình phát triển thay vì dùng công nghệ để giám sát, quản lý một cách cứng nhắc”, ông Tuấn Anh nhận định.

Để SafeGate cũng như các sản phẩm ATTT cho trẻ em có thể được phát triển hiệu quả nhất, nhà sáng lập SCS cho rằng, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm liên quan đến bảo vệ trẻ em và về cơ bản các doanh nghiệp đã làm chủ được về công nghệ. Điều quan trọng nhất để sản phẩm/DN có thể phát triển được là cần một thị trường đủ lớn. Khi thị trường đủ lớn thì sẽ tạo ra nguồn lực để các sản phẩm bảo vệ trẻ em nói chung cũng như SafeGate nói riêng có thể phát triển được.

safegate.png

Hiện nay, các quy định, chính sách về khuyến khích phát triển sản phẩm bảo vệ trẻ em đã có nhưng chỉ mới mang tính chất là các kế hoạch, định hướng. Do đó, SCS mong rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sẽ có các kế hoạch, chương trình để có thể cụ thể hoá hơn nữa các chủ trương định hướng. Điều đó sẽ góp phần tạo ra thị trường lớn hơn cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Đồng thời sẽ hỗ trợ, tạo nguồn lực để các DN cung cấp giải pháp này phát triển được ở Việt Nam và có thể đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường quốc tế. Điều này hoàn toàn có thể là mục tiêu khả thi khi chúng ta cung cấp tốt ở thị trường Việt Nam.

Chưa kể, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bảo vệ trẻ em nhưng cũng có khó khăn đối với người tiêu dùng, các bậc phụ huynh là lựa chọn sản phẩm thế nào, sản phẩm nào tốt và đáp ứng được yêu cầu. “Do đó, rất cần phải có những tính năng, tiêu chuẩn cơ bản, những đánh giá để các phụ huynh, người sử dụng có định hướng, căn cứ để lựa chọn một cách dễ dàng các sản phẩm tốt để bảo vệ, quản lý con em mình trong gia đình cũng như các giải pháp trong trường

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
  • Dữ liệu cá nhân của trẻ em đang tràn lan trên mạng
    Thông tin của trẻ em nói riêng và thông tin cá nhân được chia sẻ tràn lan trên mạng và rất dễ tiếp cận. Việc bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quyết định điều động, bổ nhiệm Tổng Giám đốc VTV
    Chiều 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Cùng dự lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và VTV.
  • Tạo "hệ sinh thái" KOL trẻ vì cộng đồng
    Sau hành trình của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam năm 2018, vượt ra ngoài khuôn khổ trận đấu, mỗi cầu thủ sau khi trở về đều trở thành niềm tự hào của quê hương, đồng thời truyền cảm hứng, nối ước mơ cho thế hệ trẻ. Cùng công thức ấy, liệu có thể áp dụng cho lĩnh vực chính trị-xã hội?
  • Chiến lược "4 Mới" - chìa khóa then chốt để khai phóng giá trị kinh doanh của nhà mạng
    Trước làn sóng chuyển đổi số thông minh, chiến lược "4 Mới" không chỉ đại diện cho nỗ lực đổi mới công nghệ mạng, mà còn là động lực quan trọng để không ngừng khai phóng giá trị kinh doanh của mạng.
  • Bưu điện ra quân vận động 150.000 người tham gia BHXH
    Phát huy khí thế của ngày ra quân, các Bưu điện trung tâm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành mục tiêu, phấn đấu đến 31/12/2024 đạt được 15.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và 900.000 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
  • ‏YouTube Shopping Affiliate ra mắt tại Việt Nam
    Ngày 2/11, YouTube chính thức ra mắt chương trình YouTube Shopping Affiliate tại Việt Nam, mở đầu hợp tác cùng Shopee. Chương trình này sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp SafeGate giúp bảo vệ trẻ trên không gian mạng một cách toàn diện hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO