An toàn thông tin

Giải pháp tăng tính an toàn và thói quen công nghệ tích cực cho người trẻ khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông

ThS. Nguyễn Thị Hồng Chi - Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 23/09/2024 15:00

Tất cả người trẻ đều bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông trong cuộc sống hàng ngày. Nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa liên quan đến công nghệ truyền thông mới ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên đang là một vấn đề xã hội. Nhiệm vụ của người lớn, của các cơ quan chức năng là cần đảm bảo rằng người trẻ được an toàn khi tiếp xúc với các nguồn phương tiện truyền thông khác nhau.

Tóm tắt:
- Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa do phương tiện truyền thông mang đến;
- Các quy định phổ biến mới được đặt ra và nguyên tắc áp dụng khi sử dụng phương tiện truyền thông;
- Phổ biến những trải nghiệm truyền thông để người trẻ được an toàn

Nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa

Nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe dọa liên quan đến công nghệ truyền thông mới ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên đang là một vấn đề lớn xã hội rất xem trọng và trở thành tâm điểm chú ý của phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia và dĩ nhiên là với cả giới truyền thông trên toàn cầu.

Tại các quốc gia như Ba Lan, Phần Lan, Úc... rất nhiều tín hiệu tích cực được nhận thấy thông qua các cam kết ngày càng rõ rệt của các trường học trong việc cải thiện sự an toàn của trẻ em trên Internet cũng như sự đóng góp ngàycàng tăng của trẻ em vào việc tổ chức các sự kiện có liên quan như “Ngày Internet an toàn hơn”.

Được khởi xướng bởi Ủy ban châu Âu, Ngày Internet An toàn hơn (SID - Safer Internet Day) đã được thực hiện từ hơn 20 năm trước, tức vào năm 2004. Sự ra đời của sáng kiến này với mục đích thu hút công chúng chú ý đến vấn đề truy cập Internet an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch, chương trình muốn người lớn biết đến các mối đe dọa liên quan đến sự tiếp xúc của trẻ với người lạ trên Internet. Giai đoạn thứ hai, được thực hiện vào năm 2006, tập trung vào nội dung bất hợp pháp mà trẻ em có thể gặp phải khi tự mình lướt Internet.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng web trở thành một phần không thể thiếu trong công việc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bao gồm trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Đi kèm với xu hướng này chính là sự phát triển thường không hoặc chưa phù hợp với các cơ chế kiểm soát và nhận thức về các mối đe dọa liên quan đến Internet. Những mối đe dọa nghiêm trọng nhất không chỉ bao gồm bẫy công nghệ, nội dung nguy hiểm có thể ngày càng dễ dàng được tìm thấy khi sử dụng Internet.

Nghiên cứu mới nhất được tiến hành trong Chương trình Internet an toàn hơn ở Ba Lan cho thấy đại đa số trẻ em bị phơi nhiễm nội dung khiêu dâm và hình ảnh bạo lực trên web, thường trái với ý muốn của họ. Một xu hướng đáng lo ngại khác diễn ra nhanh trên toàn cầu nữa là sự phát triển không ngừng của thị trường nội dung khiêu dâm trẻ em.

Sớm nhận thức được những mối nguy hại có thể tác động không tốt đến trẻ em, vào ngày 1/7/2022, tại Úc, Tiêu chuẩn An toàn cho Trẻ em (CSS - Child Safe Standards) mới có hiệu lực cùng với Lệnh Bộ trưởng mới 1359 (MO 1359 - Ministerial Order 1359). Cả hai công cụ đều tập trung nhiều hơn vào sự an toàn của trẻ em trong môi trường trực tuyến. Trong đó trình bày các phương pháp phổ biến để áp dụng cho các trường học và tổ chức nhằm đảm bảo môi trường trực tuyến an toàn cho trẻ em nhằm giảm thiểu rủi ro cho trẻ em và thanh thiếu niên.

giai-phap-an-toan-tich-cuc.png

Các quy định phổ biến mới được đặt ra và nguyên tắc áp dụng

Theo quy định, trẻ em chỉ nên xem những nội dung phù hợp với lứa tuổi và tâm lý của mình. Xếp hạng độ tuổi cho chương trình nghe nhìn được thiết kế để bảo vệ người xem nhỏ tuổi và cũng là để cho các bậc phụ huynh cùng con mình làm quen với điều này.

Ví dụ, ở Phần Lan, nội dung phù hợp với mọi lứa tuổi được đánh dấu bằng ký hiệu S. Tuy nhiên, có một số nội dung phổ biến khác, như các chương trình thời sự trên truyền hình, các bản tin thì không có xếp hạng độ tuổi. Người lớn, cụ thể là cha mẹ phải có mặt và sẵn sàng chịu trách nhiệm giám sát việc sử dụng phương tiện truyền thông của con mình và đánh giá tính phù hợp của nội dung họ xem để đảm bảo trải nghiệm truyền thông an toàn.

Một điểm cần lưu ý là các kỹ năng, cảm xúc của trẻ cũng sẽ bảo vệ chúng khi chúng tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Xác định, đặt tên và đánh giá cảm xúc cũng như trải nghiệm của con bạn là chìa khóa để xử lý các trải nghiệm liên quan đến phương tiện truyền thông.

Trẻ em nên được khuyến khích bày tỏ cảm xúc và tình cảm của mình, đồng thời khen ngợi và cảm ơn bất cứ khi nào trẻ làm như vậy. Người lớn có thể giúp trẻ xác định và gọi tên cảm xúc của mình, đồng thời có thể hỗ trợ các thành viên nhỏ tuổi hơn trong gia đình bằng cách phản hồi và diễn đạt bằng lời những phản ứng cảm xúc của con trẻ.

Kỹ năng cảm xúc có thể được rèn luyện cùng nhau. Bằng chứng là khi vận dụng cách liên kết việc khám phá cảm xúc, với trải nghiệm truyền thông được chia sẻ. Nhân vật hoặc câu chuyện có khiến bạn cười hay một chi tiết đặc biệt nào khiến con trẻ thấy thú vị hay đáng sợ không?

Ngoài việc chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của mình, trẻ em có thể được khuyến khích chia sẻ những sở thích liên quan đến phương tiện truyền thông và các thiết bị truyền thông mà chúng sử dụng trong cuộc sống thường nhật. Khi một đứa trẻ đã quen với việc chia sẻ trải nghiệm truyền thông của mình với người lớn, việc các em tìm đến người lớn sẽ là điều tự nhiên nếu chúng thấy bối rối trước điều gì mình đã chứng kiến.

Để trẻ được trải nghiệm truyền thông an toàn và tích cực

Trải nghiệm truyền thông của trẻ cũng có thể bao gồm những tình huống khó hiểu hoặc đáng sợ. Bằng cách quan sát, các nhà nghiên cứu dễ dàng nhận thấy các em có thể sợ hãi trước điều gì đó đã nhìn thấy, một cách bất ngờ hoặc vô ý, trên phương tiện truyền thông gắn với các em.

Trẻ em cũng trải nghiệm các nội dung truyền thông một cách khác nhau và đôi khi có thể sợ hãi trước một nhân vật, câu chuyện hoặc bầu không khí được thiết kế để giúp trẻ cùng tuổi giải trí. Khi nói đến phương tiện truyền thông trong mối tương quan với người dùng là trẻ con thì sợ hãi là cảm xúc thường dễ phát hiện trong số những nội dung mà chúng chưa sẵn sàng tiếp nhận.

Cho nên, trẻ em cũng nên được giáo dục, được người lớn chỉ bảo cách tự bảo vệ mình khỏi mọi nội dung đáng ngạc nhiên hoặc đáng sợ. Chẳng hạn, đó có thể là nhanh chóng nhắm chặt mắt, rời khỏi thiết bị đang sử dụng hoặc đóng thiết bị hoặc ứng dụng. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là trẻ có thể trông cậy vào người lớn. Trẻ em cũng nên được dạy càng sớm càng tốt khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông không phù hợp, chẳng hạn như những video kinh dị.

Thông thường, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lo lắng về những điều các em không hiểu hoặc chưa đến tuổi để hiểu. Trẻ em dưới 5 tuổi thường không có khả năng phân biệt giữa thực tế và hư cấu. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh nên có sự quan tâm, dành thời gian cho trẻ làm quen với nhiều nội dung truyền thông, cả hư cấu và thực tế. Đó có thể là phim hoạt hình.

Cũng có khi là các chương trình phát sóng tin tức thân thiện với trẻ em. Điều này sẽ giúp các em hiểu rằng một số phương tiện truyền thông là sự thật và một số là hư cấu. Bằng cách cho phép trẻ thử nghiệm, trải nghiệm thực tế quay phim, chụp ảnh và chỉnh sửa, trẻ em sẽ hiểu rằng phương tiện truyền thông được tạo ra bởi con người.

Do đó, việc hiểu bản chất của các nội dung truyền thông khác nhau cũng như cách chúng được tạo ra sẽ giúp trẻ diễn giải và thảo luận về trải nghiệm truyền thông của mình. Chính vì vậy, các chuyên gia truyền thông khẳng định, thói quen công nghệ tích cực mà trẻ em có được bắt đầu từ chính gia đình mình. Thói quen công nghệ tích cực bắt đầu ở nhà.

Tiếp nối gia đình, thì nhà trường, xã hội, và những người làm việc với trẻ em, nếu có sự quan tâm, tập trung vào việc phát triển các kỹ năng an toàn kỹ thuật số của trẻ em thì xã hội sẽ đảm bảo những người trẻ tuổi có một môi trường trực tuyến an toàn, kích thích trong khi tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là khi trực tuyến. Giờ đây, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, khả năng kết nối ngày càng tăng, thực tế ảo và tăng cường sẽ gây ra sự thay đổi quan trọng trong cách trẻ em tham gia và tương tác trong xã hội.

Để đảm bảo rằng trẻ em có thể được an toàn trên các nền tảng truyền thông xã hội, khi chơi game và trong mọi môi trường kỹ thuật số, thì vai trò của người lớn là cùng trẻ khám phá, thảo luận và đưa ra sự hỗ trợ về mặt tinh thần . Điều quan trọng là trẻ em phải có cơ hội học những kỹ năng này càng sớm càng tốt. Vì vậy, các nguồn tài liệu hướng dẫn, các công trình nghiên cứu, các chuyến dịch truyền thông đang ngày càng hướng đến các nhóm tuổi nhỏ nhất.

Mặc dù Internet mang đến nhiều cơ hội học tập, giao tiếp, sáng tạo và giải trí nhưng nó cũng mở ra những rủi ro nhất định cho những người dùng dễ bị tổn thương như trẻ em. Các nhà nghiên cứu về tâm lý, về truyền thông đang cố gắng khuyến khích trẻ em sử dụng công nghệ an toàn hơn và có trách nhiệm hơn, trong đó các quyền của trẻ được áp dụng trực tuyến cũng như áp dụng ngoại tuyến. Điều này, chắc chắn sẽ dễ dàng và có hiệu quả hơn là việc cấm đoán.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.ofcom.org.uk/__data/assets/pdf_
file/0034/93976/Children-Parents-Media-Use-Attitudes-
Report-2016.pdf
2. https://internetsafetylabs.org/blog/news-press/isl-research-
reveals-96-of-school-apps-send-student-data-to-third-
parties/
3. https://saferinternet.org.uk/blog/new-data-thousands-of-
schools-need-more-help-to-tackle-online-safety-effectively
4. NSPCC (2017b) Grooming. Available at: https://www.
nspcc.org.uk/preventing-abuse/child-abuse-and-neglect/
grooming/ (Accessed: 28 February 2017).(NSPCC, 2017b)
5. Centre, S.I. (2017b) Safer Internet day. Available at: https://
www.saferinternet.org.uk/safer-internet-day (Accessed: 28
February 2017).

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)

Bài liên quan
  • Cha mẹ hiểu biết để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
    Các chủ đề bảo mật, an toàn mạng trên quy mô toàn cầu là một phần công việc và dịch vụ hàng ngày mà các công ty viễn thông cung cấp cho người dùng. Mặc dù Internet đại diện cho một nguồn khả năng vô tận, nhưng bên cạnh những mặt tích cực, các công nghệ mới cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro nếu chúng được sử dụng một cách liều lĩnh và chúng ta không nhận thức được những rủi ro này. Đó là lý do tại sao phải nâng cao nhận thức cho người dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi nhất biết bảo vệ bản thân trong môi trường ảo.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp tăng tính an toàn và thói quen công nghệ tích cực cho người trẻ khi tiếp xúc với các phương tiện truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO