Doanh nghiệp lĩnh vực hàng không tận dụng lợi thế truyền thông để quảng bá du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Ảnh: Bình Minh
Vấn đề đổi mới sáng tạo (ĐMST) có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng phát triển, tuy nhiên trên thực tế, không ít dự án ĐMST đã thất bại. Một trong những nguyên nhân là bởi còn những "rào cản" trong cơ chế, chính sách dành cho khoa học công nghệ nói chung, các dự án ĐMST nói riêng, vẫn chưa được kịp thời tháo gỡ.
Quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra một số khó khăn cơ bản trong hoạt động ĐMST của DNNVV ở Việt Nam như: nhận thức và văn hóa ĐMST của doanh nghiệp; khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính của DNNVV; chất lượng nguồn nhân lực trong các DNNVV; khả năng hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng; môi trường thể chế.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Theo TS. Trần Thị Kim Nhung, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Đại học Kinh tế Quốc dân, doanh nghiệp trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số với cách mạng công nghiệp 4.0 cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng để tiếp cận và thích ứng tốt. Để thúc đẩy ĐMST ở doanh nghiệp nhất thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên, mà trước hết là sự vận động của bản thân doanh nghiệp với vai trò trung tâm, tiếp đến là các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng thiết chế hỗ trợ khác (ngân hàng thương mại, quỹ hỗ trợ),…
Các DNNVV cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động ĐMST đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt các tín hiệu của thị trường, năng động và sáng tạo, hiểu rõ được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản phẩm; từ đó chủ động thu hút, huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng để hình thành sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả hướng đến tạo ra và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa thiết thực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
"DNNVV cần nâng cao năng lực học hỏi và năng lực hấp thu để có thể tiến hành ĐMST bằng cách đầu tư vào hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, đầu tư vào hoạt động R&D. Tăng cường mở rộng các mối quan hệ mạng lưới để tiếp cận các nguồn lực tri thức từ bên ngoài trong việc chuyển giao công nghệ. Bản thân chủ doanh nghiệp cần nâng cao trình độ chuyên môn để có thể hấp thu những kiến thức từ môi trường bên ngoài để tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế", TS Nhung nêu giải pháp.
Theo các chuyên gia, kinh nghiệm của các nước cho thấy nhất thiết phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Chính phủ với tư duy quản lý thông thoáng nhằm "cởi trói" cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ DNNVV, thúc đẩy ĐMST. Trước hết là cần xây dựng và công bố quy hoạch ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ phải đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Tiếp đó, cần đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Chính sách của Chính phủ cần tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận về tín dụng chính thức đặc biệt doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ;
Thứ hai, Chính phủ nên tập trung vào các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong doanh nghiệp. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), AI, công nghệ robot, tạo điều kiện để cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm, càng tốt, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính phủ cũng cần đưa ra chính sách nhằm giúp tăng năng lực quản lý và đề cao tinh thần doanh nghiệp để chủ động doanh nghiệp nâng cao tầm nhìn dài hạn hơn thông qua đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cần ban hành các chính sách giúp DNNVV tiếp cận các nguồn lực kiến thức từ phía bên ngoài thông qua các kênh liên kết là trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp trong việc chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ cho DNNVV.
Chính phủ cũng cần cải thiện môi trường thể chế, nhằm khuyến khích DNNVV đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo bằng việc hấp thu những công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất và khuyến khích các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp học hỏi công nghệ.
"Thành lập nhiều khu công nghệ cao, khu công nghiệp và các ưu đãi để khuyến khích DNNVV tọa lạc tại các khu vực này nhằm tận dụng được lợi thế của tích tụ, tập trung ngành trong việc lan tỏa kiến thức công nghệ cũng như tận dụng nguồn lực và các yếu tố đầu vào khác trong quá trình sản xuất. Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nhân lực Internet, hỗ trợ DNNVV ứng dụng công nghệ thông tin để có thể quảng bá sản phẩm của mình ở thị trường trong nước và quốc tế cũng như tiến hành các giao dịch thông qua Internet", chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số nhấn mạnh./.