Truyền thông

Giảm nghèo thông tin

Ngọc Anh 07/12/2024 07:03

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, có xác định các mục tiêu “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin”.

Giảm nghèo thông tin để hướng tới giảm nghèo bền vững

Theo đó, Chương trình nhấn mạnh tới việc: Tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; bảo đảm 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

Như vậy, có thể thấy giảm nghèo thông tin có ý nghĩa đặc biệt trong việc xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Khi quyền được tiếp cận thông tin được đảm bảo, đồng bào sẽ nhận thức rõ hơn về quyền được thụ hưởng các chính sách của mình, tự giác tham gia vào đời sống chính trị - xã hội để bảo vệ quyền đó.

Đồng thời giúp đồng bào nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa qua ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật, kiến trúc, tín ngưỡng, tâm lý, sinh hoạt cộng đồng..., đồng thời tôn trọng, hòa hợp với các cộng đồng dân tộc khác với những hình thức sinh hoạt văn hóa khác nhau.

Tiếp cận thông tin giúp bảo vệ đồng bào thoát khỏi các thông tin sai lệch

Trong thực tế hiện nay có rất nhiều kênh truyền thông để đồng bào tiếp cận với thông tin, ngay cả bằng chính ngôn ngữ của đồng bào, sử dụng đa dạng ngôn ngữ của đồng bào.

Năm 2017, trạm phát sóng FM đầu tiên của kênh phát thanh Dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) được đưa vào sử dụng. Đến nay, VOV đã phát 12 thứ tiếng DTTS trên sóng quốc gia. Đó là tiếng Mông - Thái - Dao ở khu vực miền núi phía Bắc; tiếng Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, K’Ho, Xơ Đăng, M’Nông và Cơ Tu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tiếng Chăm và Khmer ở khu vực Nam Bộ, với tổng thời lượng phát sóng hằng ngày gần 30 giờ.

Một buổi ghi hình của các phóng viên Đài PTTH Bắc Kạn
Tác nghiệp của PV Đài PTTH Bắc Cạn. (Nguồn: nguoilambao.vn)

Năm 2002, kênh truyền hình đầu tiên bằng tiếng dân tộc được phát sóng trên VTV. Trên lĩnh vực truyền hình, đến nay đã có 3 kênh Truyền hình Tiếng dân tộc gồm: VTV5 phát sóng toàn quốc, VTV5 Tây Nam Bộ phủ sóng khu vực Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên phủ sóng khu vực Tây Nguyên, với 26 thứ tiếng trên nhiều nền tảng số khác nhau như website, YouTube, Facebook, ứng dụng VTVgo...

Có thể nói, các kênh truyền thông này, thông qua việc giảm nghèo thông tin cho đồng bào đã góp phần bảo vệ di sản ngôn ngữ của các dân tộc, khuyến khích thể hiện sự sáng tạo bằng các ngôn ngữ dân tộc khác nhau. Đồng thời, thông qua các kênh thông tin này, các cộng đồng dân tộc đều có cơ hội lựa chọn sự phát triển cũng như được thụ hưởng nền giáo dục và đào tạo chất lượng tốt nhất.

Khi được tiếp cận với các kênh truyền thông chính thống còn giúp bảo vệ đồng bào trước “những mối đe dọa an ninh mạng” thông qua việc giúp họ nhận diện được và loại trừ các hủ tục lạc hậu, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có khả năng đề kháng trước những kích động của các thế lực phản động.

Ngoài ra, khi được tiếp cận với các kênh truyền thông chính thống còn giúp bảo vệ đồng bào trước “những mối đe dọa an ninh mạng” thông qua việc giúp họ nhận diện được và loại trừ các hủ tục lạc hậu, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, có khả năng đề kháng trước những kích động của các thế lực phản động.

Khi đồng bào được kịp thời tiếp cận các thông tin chính thống, họ thậm chí có thể tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách, đưa ra phản hồi và đề xuất, trong đó có nhiều đề xuất xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của đồng bào, từ đó có tác dụng ngăn ngừa các thông tin sai lệch.

Thực tế cho thấy, hiện nay, thông qua nhiều hoạt động, nhiều kênh truyền thông, thông tin đưa đến người dân ngày càng nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, công việc giúp giảm nghèo thông tin cho đồng bào DTTS là giải pháp mang tính lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của nhiều bên liên quan và các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí. Sự phối hợp này bảo đảm cho chính sách được truyền tải kịp thời, hiệu quả, rõ ràng, minh bạch, từ đó, quá trình tiếp nhận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số được rút ngắn.

Nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về quyền tiếp cận thông tin
Giảm nghèo thông tin là việc lâu dài. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, việc phối hợp các lực lượng tham gia, nhất là những cơ quan, ban, ngành sở tại ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng bảo đảm quyền thông tin sâu sát hơn. Có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc tại chỗ, qua đó đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân.

Tăng cường các phương tiện thông tin hiện đại

Mặt khác cần tăng cường các phương tiện hiện đại giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin chính thống của đồng bào DTTS. Ví dụ như cần nâng cấp hệ thống đường truyền dẫn kỹ thuật, các thiết bị chiếu sáng, nghe nhìn, các máy móc phiên dịch ngôn ngữ để truyền tải những thông tin cập nhật, chính xác cho nhiều nhóm đặc thù đồng bào DTTS khác nhau (khác về phương thức canh tác, bản sắc văn hóa, tâm lý cộng đồng, lứa tuổi, giới tính...).

Mặt khác, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật còn bảo đảm thông tin chính sách được phổ cập tới các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ đó thu hẹp khoảng cách trong việc phổ biến/tiếp cận thông tin. Vì vậy, cần thiết phải theo dõi, đánh giá và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho truyền thông, bảo đảm hệ thống này được vận hành một cách hiệu quả, tránh lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích.

Phóng viên báo Lai Châu tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh:nguoilambao.vn
Phóng viên báo Lai Châu tác nghiệp tại cơ sở. (Nguồn: nguoilambao.vn)

Cung cấp thông tin đối với đồng bào DTTS có sự khác biệt căn bản với những nhóm dân cư khác. Bởi tâm lý xã hội cộng đồng mang tính truyền thống, các hình thức truyền thông truyền thống, được áp dụng lâu dài, quen thuộc với đồng bào đến nay vẫn phát huy nhiều tác dụng và cần tiếp tục được phát huy. Song, để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội và để bảo đảm thông tin được phù hợp với thị hiếu, nhận thức, thụ cảm của đồng bào, cần thiết phải đổi mới sáng tạo các hình thức truyền thông.

Tại một số tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng viễn thông di động và Internet băng rộng đã phủ đến hầu hết các thôn, bản, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ với hơn 99% địa bàn dân cư như Phú Thọ, Hòa Bình, Kon Tum, Tuyên Quang,... Sự cải thiện về cơ sở hạ tầng viễn thông, tỷ lệ hộ sử dụng Internet cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin của các hộ dân tộc thiểu số đã được mở rộng.

Trước hết, cần đổi mới và cập nhật thường xuyên các chiến lược truyền thông dựa trên phân tích phản hồi của đồng bào, sự thay đổi nhân khẩu học (đối với nhóm các đồng bào thường xuyên di cư, thay đổi chỗ ở) để bảo đảm vẫn thỏa mãn nhu cầu thông tin của tất cả các nhóm xã hội khác nhau.

Điều này bao hàm cả việc tận dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số, các phần mềm, nền tảng tương tác với những nội dung thông tin phù hợp với đồng bào.

Đặc biệt, cũng có thể kết hợp các công cụ truyền thông đa phương tiện như video, đồ họa thông tin, podcast với việc thu hút những lãnh đạo cộng đồng có uy tín như già làng, trưởng bản... tham gia, đổi mới các hình thức truyền thông, nhằm gia tăng thiện cảm và sự đồng thuận của đồng bào./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO