Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục là việc áp dụng, sử dụng kết hợp những phát minh, những thành tựu của công nghệ vào hoạt động giảng dạy để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy và học tập. Việc dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là một minh chứng rõ nét, là bước đột phá trong việc triển khai ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
Việc học trực tuyến đã mang lại không gian giáo dục mở với không gian và thời gian học tập nghiên cứu linh động: Người học có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi miễn có kết nối Internet với chương trình trực tuyến, hoặc có thể lưu lại để học trên máy tính, điện thoại. Ứng dụng công nghệ cho phép tất cả mọi người có thể tham gia thảo luận một vấn đề nào đó (hội thảo, hội nghị, họp,…) mà không cần phải tập trung tại một địa điểm, không phải ở cùng một quốc gia, qua đó góp phần tạo ra một xã hội học tập rộng lớn mà ở đó, người học có thể chủ động học tập, trao đổi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm suốt đời.
Cũng nhờ những nền tảng này người học có thể tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Ngày nay, nhờ vào công nghệ, sinh viên từ tất cả mọi nơi trên thế giới có thể tiếp cận nền giáo dục của các nước tiên tiến hơn. Nhiều trường đại học và cao đẳng đã triển khai các chương trình giáo dục trực tuyến từ xa. Phương pháp giáo dục này vô cùng linh hoạt, với chi phí hợp lí, sinh viên, học sinh có thể tham gia các lớp học trực tuyến từ các trường đại học hàng đầu. Đây là một cơ hội mới giúp cho học sinh có cơ hội học hỏi từ và tiếp cận nhiều nguồn tri thức chất lượng hơn.
Công nghệ cũng đồng thời tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với các nguồn tài liệu mở. Với giáo dục truyền thống, học sinh, sinh viên tiếp nhận kiến thức chủ yếu từ sách vở, giáo trình và ngồi nghe giáo viên giảng trên lớp thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet, chúng ta có thể tìm thấy hàng nghìn hàng triệu kết quả tra cứu sau một cú click chuột. Từ đó, các em chọn lọc các nguồn thông tin và tự tìm tòi kiến thức thông qua sách điện tử, thư viện online, từ điển trực tuyến, các nền tảng tìm kiếm thông tin, các trò chơi kỹ thuật số về lĩnh vực giáo dục…
Với việc tạo nên không gian và thời gian học linh động nhờ công nghệ, người học giờ đây trở thành trung tâm của quá trình học. Cùng với sự thuận tiện cho việc học ở mọi lúc mọi nơi thì công nghệ thông tin cũng sẽ tạo ra cơ hội cho người học tiếp cận, lựa chọn vấn đề phù hợp với bản thân để từ đó phát triển theo thế mạnh của mình. Người học có thể chủ động lựa chọn nội dung, chương trình học tập theo năng lực, sở thích, phong cách, nhu cầu của mình. Từ đó giúp cá nhân hóa học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần học tập chủ động, học tập đi đôi với thực tiễn, nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo của mình.
Cùng với đó, với việc sử dụng các thiết bị công nghệ, việc kết nối giữa thầy cô và học sinh được thực hiện dễ dàng và thường xuyên hơn bao giờ hết. Nhờ đó, học sinh được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn hẳn phương pháp đọc - chép truyền thống; học sinh có nhiều cơ hội được thể hiện quan điểm cũng như chính kiến riêng của mình. Trong thời đại công nghệ số, người dạy, học sinh, sinh viên hiện nay cũng được trang bị những kỹ năng làm việc độc lập, cũng như làm việc nhóm để đảm bảo hiệu quả việc học tập. Phương thức học tập làm việc nhóm này đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các trường học giúp học sinh rèn luyện tính chủ động, phát huy chính kiến, sở trường, phát triển những kỹ năng cá nhân, thu nạp những kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời rèn luyện các tính cách, kỹ năng làm việc cho công việc tương lai.
Đổi mới giáo dục đang thực hiện chuyển nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Điều đó được thực hiện bằng cách giúp người học tự học và giải quyết vấn đề. Trong đó, việc truyền thụ cung cấp kiến thức dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận để các thầy giáo, cô giáo có nhiều thời gian hơn trong việc giúp học sinh giải quyết vấn đề và tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh. Chính vì vậy, giáo viên giảng dạy phải liên tục cập nhật, tìm hiểu và triển khai áp dụng những công nghệ mới đang thay đổi hàng ngày hàng giờ để đáp ứng được nhu cầu của người học. Trên nền tảng công nghệ, người dạy là người truyền tải kiến thức cơ bản, cốt lõi, đóng vai trò là người hướng dẫn người học cách thức khai thác thông tin dồi dào, đa chiều từ Internet; Kết nối người học với nguồn dữ liệu, học liệu. Giáo viên phải làm chủ được công nghệ để sẵn sàng hỗ trợ người học cách tiếp cận, chấp nhận sử dụng, truyền cảm hứng cho người học để có thể sử dụng công nghệ, khai thác được tối đa nguồn tài nguyên vô giá này.