Báo động chảy máu chất xám
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, cả nước đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, chiếm 1,94% số biên chế giao năm 2021. Trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Bình quân một năm có khoảng 15.820 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Đáng chú ý, số lượng cán bộ, công chức trong lĩnh vực y tế, giáo dục nghỉ nhiều nhất.
Báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 4.162 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gần tương đương với con số của cả năm 2021, lũy kế từ đầu năm 2021 đến 30/6/2022 có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Với ngành Giáo dục, trong 2 năm rưỡi qua, số người xin thôi việc có 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm 60%. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cho biết: "Việc nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Còn các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên số lượng nhỏ".
Đây là thực trạng hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bởi rất khó tìm được người thay thế vì những ngành này có đặc thù riêng, ảnh hưởng đến học sinh và đến người bệnh. Vì vậy, trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung đánh giá sâu hơn thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đâu là nguyên nhân?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc và dịch chuyển cơ cấu lao động sang khu vực tư nhân.
Về khách quan, cần nhìn đến một thực trạng là sự cạnh tranh lao động khu vực công - tư trong nền kinh tế nhiều thành phần. Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có thị trường lao động, phát triển thị trường lành mạnh, khu vực công sang khu vực tư, xuất khẩu lao động đều là liên thông.
Nguyên nhân thứ hai là xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp. Theo các quy định của Luật cán bộ, công chức, viên chức, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương, nếu đơn vị sự nghiệp tự chủ quản trị như doanh nghiệp, nhiều đơn vị có chế độ ký hợp đồng thì việc ra vào khu vực công - tư là thường xuyên….
Chỉ ra nguyên nhân việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ y tế phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Còn đối với viên chức ngành Giáo dục, đã phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, dẫn đến áp lực công việc quá lớn.
Về chủ quan, chúng ta cần thừa nhận chế độ chính sách còn một số vấn đề bất cập so với nhu cầu cuộc sống hiện nay. Cho dù Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng chế độ chính sách còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống.
Về công tác quy hoạch cán bộ cũng là vấn đề đáng xem xét. Thực tế cho thấy chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia, những người tài, có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi. Điều này đã khiến chất xám bị chảy máu từ khu vực công sang khu vực tư - nơi có nhiều chính sách thu hút và điều kiện làm việc hấp dẫn hơn.
Nguyên nhân tiếp theo là việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nên tại các cơ quan, đơn vị, khối lượng công việc gia tăng, tạo sức ép cho người lao động.
Mặt khác, do môi trường, điều kiện làm việc tại một số khu vực công chưa thật sự hấp dẫn, tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tốt năng lực.
Bên cạnh đó, việc giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức cũng chưa thật sự có chiều sâu, khiến nhiều người có tư tương lung lay, chuyển việc để có thu nhập tốt hơn và môi trường làm việc hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, cũng cần tính đến lý do cá nhân của người chuyển việc như muốn thử sức, thay đổi công việc từ khu vực công sang tư hay thay đổi định hướng nghề nghiệp…
Đi tìm lời giải
Tại Kỳ họp, Ủy ban Kinh tế đề nghị có đánh giá kỹ lưỡng về nguyên nhân công chức, viên chức không chỉ của ngành Giáo dục, Y tế bỏ việc hoặc thôi việc, đánh giá tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và kỹ năng của người lao động. Hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 như nhân lực trong ngành y tế, giáo dục.
Về chế độ đãi ngộ cho công chức, viên chức, đặc biệt là ngành Giáo dục và Y tế, nhiều đại biểu, bên lề kỳ họp, đã có những phân tích rất tình người. Bà Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề nào cũng có nguyên do mà xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, giống như "giọt nước tràn ly". "Đối với những người làm công tác trong ngành Giáo dục hay Y tế, mục tiêu đầu tiên không phải là kiếm tiền, mà với lòng yêu nghề. Họ luôn mong muốn đóng góp cho xã hội để lo cho người bệnh và học trò. Tuy nhiên, công bằng đánh giá có thể thấy, chế độ đãi ngộ cho cán bộ của ngành Y tế và Giáo dục chưa xứng đáng. Tuy nhiên, Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên, tôi thấy rất đau lòng, cán bộ mới ra trường chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng, các bạn trẻ sống kiểu gì?"- Bà Phong Lan chia sẻ.
Theo bà Phong Lan, học để trở thành bác sĩ mất 6 năm, nhưng cũng chỉ mới nhận được bằng tốt nghiệp đại học, còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa và trải qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính. Ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân.
Để giải quyết vấn đề này, từ ngày 1/7/2023, Chính phủ sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên khoảng 20,8%/tháng. Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu rõ, việc cải cách tiền lương là vấn đề mấu chốt để giữ chân nhân tài và không bị chảy máu chất xám trong khu vực công. Bà Việt Nga cho rằng việc đề xuất tăng lương cơ sở vào năm 2023 là hợp lý. Tuy nhiên, bà Việt Nga khẳng định: "Mức tăng 20,8% chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính. Đối với cán bộ công chức, khi tính theo thang bảng lương hiện hành cộng với 20,8% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với mỗi cán bộ, công chức trong một tháng vẫn rất thấp so với nhu cầu đời sống hiện tại. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ có cải cách dần dần bởi còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách quốc gia. Khi thực hiện chi trả tiền lương theo cách tính lương mới, chế độ tiền lương sẽ được cải cách hơn rất nhiều. Đây cũng là sự mong mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách nhà nước".
Còn trong tương lai lâu dài để cán bộ, công chức có thể yên tâm sống bằng lương hưởng ngân sách nhà nước, vấn đề cải cách tiền lương phải có nguồn lực đủ mạnh, muốn có nguồn lực đủ mạnh phải song hành với rất nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế bởi phần tiền lương bỏ ra để duy trì một bộ máy cồng kềnh cũng rất tốn kém. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp đủ mạnh để phát triển kinh tế trong thời gian tới. Chỉ khi phát triển được kinh tế thì mới có nguồn để cải cách tiền lương. Đồng thời cho rằng, việc cải cách tiền lương trong tương lai, trả lương theo vị trí việc làm cũng giúp giải quyết phần nào rào cản đối với cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương cũng đang nỗ lực có những chính sách ưu đãi đối với những người có tài năng, cống hiến cho địa phương.
Tuy nhiên, để việc tăng lương tạo nên hiệu quả tốt, Chính phủ cần tính toán đến việc thay đổi giá cả, sức lao động trên thị trường, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Bên cạnh đó là kiềm chế lạm phát tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng. Ông Nguyễn Huy Thái, đại biểu Quốc hội Đoàn Bạc Liêu, chia sẻ: "Khi thị trường kinh tế lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư sẽ có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Vậy nhưng chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả và cử tri đang rất trông chờ điều đó sớm được thực hiện thông qua cải cách tiền lương"./.