Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc

Trường Thanh| 30/11/2022 09:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là bảo vệ hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam nhằm định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội hướng tới chân, thiện, mỹ. Và vì thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Trong nhịp sống sôi động của kinh tế thị trường, cùng với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền kinh tế, dường như còn có một cuộc cạnh tranh khác cũng không kém phần gay gắt. Đó là cuộc cạnh tranh giữa các ngôn ngữ trên thế giới. Ở nước ta hiện nay, bên cạnh tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, các tiếng khác như: Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… cũng được sử dụng khá phổ biến. Giữa muôn vàn các thứ tiếng: Tây, Ta, Âu, Á lẫn lộn, tiếng Việt dường như bị xem nhẹ? Thực trạng đó đã đặt ra một vấn đề là tại sao phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Và làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Tại sao phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Trên dải đất Việt Nam hình chữ ét (S), kéo dài một dải suốt từ biên giới Việt - Trung đến tận Mũi Cà Mau đều thống nhất một ngôn ngữ chung là tiếng Việt và chữ viết chung là chữ Quốc ngữ. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam. Vì thế, tiếng Việt là linh hồn, là máu thịt của người Việt chúng ta. Vấn đề cấp bách hơn lúc nào hết đó là, là người Việt Nam, chúng ta phải sử dụng thành thạo tiếng Việt.

Với công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược nền kinh tế mở, tăng cường quan hệ, hợp tác, giao lưu với nước ngoài. Các ngoại ngữ cũng nhân đà đó ồ ạt vào nước ta. Tiếng Việt vô hình chung trở thành "mặt hàng" cạnh tranh với tiếng nước ngoài. Điều này vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tiếng Việt, đồng thời vừa đặt tiếng Việt đứng trước nguy cơ không nhỏ.

Hiện nay, ở nước ta đâu đâu người ta cũng đua nhau học ngoại ngữ (nào là Anh văn, Pháp văn, Trung văn…), nhất là ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Các biển quảng cáo dạy ngoại ngữ mọc lên ở khắp mọi nơi. Các trung tâm dạy ngoại ngữ cũng đua nhau mọc lên như nấm. Trong khi đó, người ta lại không mấy quan tâm đến tiếng Việt. Thậm chí, trong giao tiếp giữa người Việt Nam với người Việt Nam, người ta cũng dùng tiếng nước ngoài. Họ xem việc sử dụng ngoại ngữ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh… là thứ "mốt thời thượng" không thể thiếu.

Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã chỉ ra nhiều biểu hiện sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, xu hướng lai căng, "lạm phát" sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, sự "sáng tạo" một cách vô nguyên tắc tạo ra sự kì quặc trong sử dụng ngôn ngữ, thậm chí là đi ngược lại với đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Họ nói chuyện bằng tiếng Việt thi thoảng lại "chêm" vài câu tiếng Anh. Họ nói chuyện trên mạng bằng một thứ ngôn ngữ "chát chít" không hiểu nổi...

Nổi lên như một cách giao tiếp thời thượng được đông đảo bạn trẻ cổ xúy, chúng ta có thể bắt gặp hằng ngày từ nhà ra ngõ, từ công sở đến trường học: ''Đi gì mà đầu lâu thế?'' - ''Ừ, tại đường Hà Đông quá'';  ''Bắc Cạn đi, các ông ơi''; ''Cả lớp ơi, Lệ Quyên vào đi chơi thôi''; ''Em cà-rốt quá chị ạ, biết tay ấy Lê Văn Sỹ thế thì em việc gì phải mở nhiều bia cho hắn Lục Tốn''; ''Trần Tiến lên đi, không có anh hùng Núp đâu''; ''Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?'';  ''Từ đây đến đấy còn Natasa không mày''; ''Thôi, tôi Lương Văn Can ông, đừng đến đấy''; ''Hôm nay trông hơi nhà vệ sinh đấy''; ''Lát nữa có đê tiện đi siêu thị, nhớ mua hộ chai nước mắm nhé''; "Bố mua đồ chơi hoành tá tràng (hoành tráng) quá";...

Hay khi sáng tạo ra những kết hợp kiểu biến danh từ thành tính từ chưa có trong từ điển: ''Một cảm giác rất yomost'', ''một phong cách thật xì-tin''. Bên cạnh đó những cách diễn đạt đã ăn sâu đến mức là câu "cửa miệng" của không nhỏ bộ phận giới trẻ: Từ "vãi" +… kiểu như: Mệt vãi chưởng, buồn ngủ vãi, xinh vãi...

Chỉ liệt kê vài ví dụ nêu trên đã thấy việc sử dụng tiếng Việt ngày nay của một bộ phận giới trẻ nói riêng và cả một bộ phận người Việt nói chung đang có vấn đề.

Tuy nhiên cũng cần nói rằng, trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã mở rộng hội nhập thì việc học ngoại ngữ là rất quan trong và cần thiết. Nhưng học ngoại ngữ không phải là để phô bày, khoe khoang, sử dụng không đúng nơi, đúng chỗ, không đúng đối tượng, hoàn cảnh. Học ngoại ngữ là để thuận tiện cho việc giao tiếp với người nước ngoài, giúp ích cho công việc và để tìm hiểu nền văn hoá các dân tộc trên thế giới… Người Việt Nam mà học ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ theo kiểu "bạ đâu nói đấy", là "sính ngoại", là chẳng những làm nghèo nàn sự phong phú của tiếng mẻ đẻ mà còn làm cho nền văn hoá dân tộc trở nên tụt hậu. Đặt giả sử, người Việt Nam ai cũng làm vậy thì tiếng Việt sẽ như thế nào?

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Tổ quốc không chỉ là lãnh thổ và chủ quyền mà Tổ quốc còn là tiếng nói và chữ viết.

Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Mỗi quốc gia đều có ngôn ngữ riêng. Người Việt nói tiếng Việt. Người Anh nói tiếng Anh. Người Pháp nói tiếng Pháp… Không thể đánh đồng các ngôn ngữ trên được. Vì vậy, là người Việt Nam, trước hết, chúng ta phải sử dụng thông thạo tiếng Việt. Có sử dụng thông thạo tiếng Việt mới hiểu được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Mặt khác, sử dụng thông thạo tiếng Việt sẽ giúp chúng ta học ngoại ngữ dễ dàng hơn.

Tiếng nói và chữ viết là phương tiện để giao tiếp. Thế nên, khi giao tiếp (bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp), chỉ cần nói sai hay viết sai là đối tượng giao tiếp hiểu sai vấn đề cần trao đổi. Đã có dịp tôi gặp một người nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về con người và văn hoá Việt Nam. Anh nhìn thấy trên biển quảng cáo của một cửa hiệu ghi dòng chữ: "Sữa Honda". Thế là anh đã tìm đến người chủ cửa hiệu để hỏi mua cho bằng được loại "Sữa Honda", chỉ vì một lí do đơn giản là anh chưa thấy loại sữa này bao giờ. Như vậy, chỉ một sơ xuất nhỏ của người viết hay người nói có thể gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc cho người đọc, người nghe.

Trước đây, có ý kiến cho rằng do hoàn cảnh chiến tranh nên việc học tập tiếng Việt ở trường trung học chưa được thực hiện một cách chu đáo, và tình trạng yếu kém về tiếng Việt của học sinh chỉ có tính tạm thời. Người ta nghĩ rằng, khi đất nước đã hoà bình, khi việc học tập và giảng dạy tiếng Việt ở trường phổ thông đã ổn định và đi vào nề nếp, học sinh sẽ sử dụng tiếng Việt thành thạo. Trên thực tế, chiến tranh đã chấm dứt từ lâu. Ngành giáo dục nước nhà đã có gần 50 năm hoà bình để xây dựng và phát triển. Ấy vậy, không những học sinh mà cả sinh viên ngày nay vẫn còn yếu kém về tiếng Việt. Ở sách báo, trên các phương tiện truyền thông, đâu đâu người ta cũng thấy xuất hiện những lỗi về chính tả, về dùng từ, về cấu tạo câu… Sự thật là dù đã được học nghiêm túc ở trường trung học nhưng lên đại học, sinh viên vẫn còn phải học tập, rèn luyện thêm về tiếng Việt.

Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, giao lưu văn hoá, hơn bao giờ hết là công dân Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm học hỏi để hiểu biết, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Muốn vậy, điều trước tiên chúng ta phải sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc. "Có như vậy ta mới mở cửa mà không vọng ngoại, đổi mới mà không mất gốc, giao lưu văn hoá mà vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc của dân tộc". Học tiếng Việt để nói đúng, viết đúng và hay Việt ngữ trong đời sống, trong ngành nghề chuyên môn… lại chẳng phải là một cách thể hiện tình yêu non sông đất nước trong thời bình đó sáo? Bởi lẽ, Tổ quốc không chỉ là lãnh thổ và chủ quyền mà Tổ quốc còn là tiếng nói và chữ viết.

Tiếng Việt được ví như dòng máu trong cơ thể người Việt. Dòng máu ấy khô cạn thì cơ thể kia lập tức không còn sức sống. Tiếng Việt là sức sống, là niềm tin yêu, tự hào trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tiếng Việt là linh hồn, là quê hương xứ sở, là đất nước con người Việt Nam. Vì vậy, có ý kiến cho rằng: "Mất lời quê tiếng mẹ, không những là mất nước mà còn mất cả giống nòi dân tộc".

Bảo vệ hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Một trong những trọng tâm mà Đại hội XIII đặt ra là: "Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, trong quá trình chuyển đổi, để đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đóng góp một vai trò hết sức quan trọng để định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Sự tiến bộ về vật chất không phải lúc nào và ở đâu cũng đem đến hạnh phúc cho con người nếu không có hệ giá trị định chuẩn để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của xã hội theo hướng chân, thiện, mỹ.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là bảo vệ hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam nhằm định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội hướng tới chân, thiện, mỹ.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Hơn thế nữa, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại…

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ...".

Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua những biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc. Kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của các kỳ đại hội trước về văn hóa, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế". Đó chính là niềm tin và khát vọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới./.    


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO