Gợi mở một số giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả tại cơ quan báo chí
Tại phiên thảo luận “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn” trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024, những ý kiến, trao đổi của các diễn giả đã gợi mở một số giải pháp cho các cơ quan báo chí.
Đặt vấn đề của báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ. Thực tế, một số cơ quan báo chí lớn đã phát triển theo hướng trở thành các công ty công nghệ báo chí, theo mô hình media-tech.
Và để bù đắp được phần doanh thu sụt giảm của các mô hình báo chí truyền thống trong bối cảnh phải đầu tư nguồn lực không nhỏ vào hạ tầng công nghệ, các cơ quan báo chí đã và đang tìm cách đang dạng hóa nguồn thu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung...
Hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển độc giả
Đại diện Tập đoàn Google cho biết, sứ mệnh của Google là sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu ích và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Tin tức từ báo chí là một nguồn thông tin thiết yếu cho xã hội. Là một doanh nghiệp, Google đầu tư vào các sản phẩm hỗ trợ các cơ quan báo chí, để người dùng có thể tiếp cận thông tin chất lượng cao trên mạng.
Chia sẻ về các giải pháp mà Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển tệp độc giả của mình, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên gia chương trình Google News Initiative (GNI) nhấn mạnh việc hiểu hành vi và phân loại độc giả là các bước quan trọng để phát triển độc giả.
Bà Dương đưa ra gợi ý về trình tự các bước tiếp cận độc giả gồm: Hiểu độc giả, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, mở rộng phân phối, phát triển doanh thu, xây dựng văn hóa, đổi mới, sáng tạo.
Theo chuyên gia GNI, các ứng dụng của Google có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển độc giả thông qua 3 bước: Phân tích, tối ưu, tương tác hiệu quả. Cụ thể, phân tích hành vi đọc, tương quan giữa nội dung và hành vi đọc để từ đó phân loại độc giả theo hành vi, xác định các tệp độc giả có giá trị cao (tệp độc giả giúp tăng doanh thu quảng cáo hay doanh thu bạn đọc, thu phí độc giả, thu phí thành viên).
Trên cơ sở dữ liệu phân tích có được, các cơ quan báo chí có thể tùy chỉnh trải nghiệm cho từng tệp độc giả khác nhau, khảo sát độc giả và tiếp nhận phản hồi. Đây sẽ là quá trình giao tiếp liên tục, tòa soạn phải làm thường xuyên để nắm bắt được thị hiếu độc giả.
Kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí đi đầu và gợi mở các giải pháp
Tập trung phân tích về tính năng tương tác đa phương tiện, đại diện Báo Nhân Dân nêu mục đích là thu hút người dùng và tương tác với họ theo cách mà phương tiện truyền thông truyền thống như (truyền hình và phát thanh, báo in,…) không làm được. Hay nói đơn giản hơn, tính năng tương tác đa phương tiện (gọi tắt là tác phẩm đa phương tiện) là “đặc sản” của môi trường số, bao gồm báo điện tử.
Đồng thời, tính năng này giúp các tòa soạn tạo ra các nội dung hạng “sang”, nội dung chất lượng; tăng cường trải nghiệm cho người dùng; tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh số lượng độc giả giảm mạnh.
Tính năng tương tác đa phương tiện ngày càng phổ biến khi công nghệ được cải tiến (sự ra đời của máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, kính thực tế ảo, pin cài áo AI,…). Các công nghệ và thiết bị này sẽ hỗ trợ nhà báo sản xuất và người dùng trải nghiệm tính năng tương tác đa phượng tiện trong tác phẩm báo chí số, mang lại nhiều lợi ích cụ thể như: Tăng cường trải nghiệm người dùng; truyền tải thông tin hiệu quả; tạo sự tương tác và tham gia; tạo sự độc đáo và khác biệt và tăng khả năng lan truyền và chia sẻ.
Dù có nhiều ưu điểm nhưng tính năng tương tác đa phương tiện cũng không phải không có nhược điểm. Theo nhà báo Thi Uyên, Báo Nhân Dân, nếu tập trung vào giải pháp sử dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh trong sản xuất tác phẩm tương tác đa phương tiện sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất - một trong những điểm yếu lớn của tác phẩm có tính năng tương tác đa phương tiện.
Điều này cũng được chứng minh qua dẫn chứng từ Dự báo xu hướng báo chí, công nghệ, truyền thông năm 2024 của Viện Báo chí Reuters, theo đó hiện AI tạo sinh đang được sử dụng trong báo chí với 8 mục đích chính: Tóm tắt bài viết, tạo tiêu đề, biên tập, ghi chú và giải băng, biên dịch, tạo hình ảnh, tạo bài viết, người dẫn chương trình ảo, tạo kênh truyền hình. Tại các quy trình trên đều có các ví dụ cụ thể của các cơ quan báo chí - truyền thông trên thế giới đã áp dụng.
Với cách thức và phương pháp luận trên, thực tế, Báo Nhân Dân đã áp dụng và đưa ra một số sản phẩm báo chí nổi bật. như E-magazine "Phụ nữ mang thế giới về Việt Nam"; "Người đi xây Tết" hay Trang thông tin Chiến thắng Điện Biên Phủ... Đây đều là các tác phẩm, sản phẩm báo chí ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất tin, bài, đem lại trải nghiệm và tương tác thú vị cho độc giả.
Đại diện VTV thì gợi ý, một sản phẩm làm ra phải được phân phối trên đa nền tảng, chạy trên một nền tảng công nghệ chung, từ đó mới đạt được hiệu quả tối đa. VTV hiện đang hướng đến một nền tảng công nghệ dùng chung (sản xuất, phân phối, kinh doanh sản phẩm trên cùng một nền tảng), cùng với đó là dữ liệu tập trung từ nhiều nền tảng, tạo ra một kho dữ liệu lớn phục vụ việc phân tích, quyết định nên đầu tư vào công cụ gì, loại hình gì để có hiệu quả nhiều hơn.
Minh chứng từ VTVgo - Nền tảng truyền hình số quốc gia, độc giả, khán thính giả có thể xem, nghe các chương trình trực tiếp hay xem lại của VTV ở bất cứ đâu, thời gian nào thông qua ứng dụng công nghệ số./.