Để trở thành 1 golfer chuyên nghiệp, người chơi cần có một định hướng mục tiêu cụ thể để xây dựng một lộ trình rõ ràng từ khi bắt đầu tập luyện, đến khi trở thành 1 golfer chuyên nghiệp và có thành công. Ngoài sự đam mê, người chơi cần đầu tư khá nhiều về thời gian, công sức, tiền bạc, đặc biệt là quyết tâm để có thể theo đuổi đến cùng.
Đầu tư về thời gian và công sức
Phải làm quen với golf từ khi tuổi còn trẻ và mất không dưới 5 năm, với thời gian luyện tập tối thiểu là 5 đến 7 tiếng một ngày để có thể đạt được Handicap 0 là điều đầu tiên mà các golfer chuyên nghiệp xác định sẽ phải trải qua. Ví dụ gần nhất là trường hợp của Trần Lê Duy Nhất và Nguyễn Thái Dương, 2 golfer chuyên nghiệp thực sự đầu tiên của Việt Nam. Cả 2 đều đến với golf từ khi còn rất trẻ, Duy Nhất 13 tuổi, còn Thái Dương là ở tuổi 15.
Để trở thành golfer chuyên nghiệp số 1 Việt Nam, Trần Lê Duy Nhất đã phải trải qua nhiều năm luyện tập.
Để đến với con đường chuyên nghiệp và có những thành công như ngày hôm nay, cả 2 đều phải hi sinh những năm tháng tuổi thơ bên gia đình để làm quen với cuộc sống tự lập vừa học văn hoá, vừa luyện tập và thi đấu ở những nước có nền golf phát triển trước khi trở thành 1 golfer chuyên nghiệp. Phải luyện tập mỗi ngày, trong điều kiện nắng nóng, cũng như mưa rét. Chính sự khổ luyện đó đóng vai trò quan trọng trong thành công của 2 golfer. Nên nhớ, không có tay golf thành danh nào chỉ có tài năng bẩm sinh mà không trải qua một quá trình luyện tập, rèn luyện bền bỉ và lâu dài.
Tài chính
Đây là yếu tố tiên quyết để hấp dẫn các golfer theo đuổi và nuôi dưỡng đam mê với con đường golf chuyên nghiệp, bởi chơi golf chuyên nghiệp là để kiếm tiền, không chỉ để cho vui. Chỉ có đam mê mà không có tài chính thì cũng khó để theo đuổi golf chuyên nghiệp. Vì đã xác định theo đuổi chuyên nghiệp thì các golfer sẽ phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, đi đánh giải để kiếm tiền trang trải cuộc sống, cùng các chi phí như phải thuê huấn luyện viên, bác sỹ tư vấn về thể lực, tâm lý…hay đơn giản là chi phí những chuyến đi tham dự giải cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam đó là việc số lượng golfer muốn lên thi đấu chuyên nghiệp không nhiều, điều này xuất phát từ việc golfer chưa thấy được cơ hội để cho họ có thể “sống” với nghề khi số lượng các giải đấu, số lượng các doanh nghiệp quan tâm đến golf chuyên nghiệp chưa nhiều.
Vấn đề trên có lẽ sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới khi cùng với sự quan tâm của một số doanh nghiệp lớn như tập đoàn FLC, Lexus hay VinFast đã tạo điều kiện để số lượng giải đấu chuyên nghiệp xuất hiện nhiều hơn, cùng với số tiền thưởng hấp dẫn để tạo động lực cho các golfer Việt tích cực tập luyện và tham gia thi đấu. Theo kinh nghiệm nhiều năm thi đấu chuyên nghiệp, golfer Nguyễn Thái Dương đã chia sẻ: “Thể thao Việt Nam khá lạc hậu so với Thế giới và golf cũng không ngoại lệ. Một đất nước muốn sở hữu nền công nghiệp golf phát triển, bắt buộc hệ thống golf chuyên nghiệp phải mạnh. Chúng ta đã có đã có những bước đi đầu tiên, trong đó tiền thưởng là quan trọng nhất,tiếp theo chúng ta cần một hệ thống giải golf chuyên nghiệp vững trãi để nâng bước cho nền golf nước nhà”.
Sự quyết tâm và lòng kiên trì
Trong quá trình tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những chấn thương, sự thất bại và những khoảng thời gian không có được danh hiệu. Đó là một phần của cuộc chơi và cũng là điều dễ khiến nhiều golfer nản lòng. Chính viễn cảnh này khiến không ít golfer không dám liều lĩnh và trung thành với kịch bản an toàn trong sự nghiệp để gặp ít rủi ro. Đối diện với những điều trên, liệu chỉ với đam mê mà không có quyết tâm thực sự, các golfer có tiếp tục theo đuổi con đường chuyên nghiệp?
Những chấn thương mà Tiger Woods đã từng trải qua tính đến trước vụ tai nạn xe hơi năm 2021.
Chúng ta đã được chứng kiến nhiều câu chuyện của các golfer trên Thế giới như Tiger Woods đã phải vượt qua nhiều ca phẫu thuật, cùng quãng thời gian khủng hoảng tâm lý để trở lại giành chiến thắng tại The Masters. Gần đây nhất, anh cũng đã rất nỗ lực để trở lại thi đấu sau vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng hồi năm 2021. Hay trường hợp của Chez Reavie với hành trình 11 năm vượt qua khó khăn để có được danh hiệu thứ 2 trên PGA Tour.
Để đạt được thành công, ngay cả những người xuất sắc nhất cũng không ít lần phải nếm mùi thất bại cay đắng. Điều khác biệt lớn nhất giữa người thành công và những người khác chính là việc họ không để những thất bại đánh gục, họ không từ bỏ mà lấy đó làm động lực để vươn lên. Khi đó, một sự quyết tâm cao cùng với đam mê sẽ có thể giúp bạn thành công.