Việc áp dụng kỹ thuật số ở Đông Nam Á đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy gia tăng thêm hơn 100 triệu người dùng nền tảng kỹ thuật số mới từ 6 thị trường Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines). Tuy nhiên, khi quá trình kỹ thuật số hóa tăng tốc, khu vực sẽ phải tìm ra các giải pháp để giải quyết khoảng cách kỹ thuật số, đảm bảo bảo vệ tốt hơn cho người lao động phi chính thức và cải thiện bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu.
Theo đó, TFGI ra đời với sứ mệnh trở thành nền tảng để thúc đẩy khu vực công và tư cùng hợp tác nghiên cứu, thảo luận và phát triển các khả năng nhằm nâng cao hiểu biết, thiết kế các chính sách giúp khai thác tác động tích cực cũng như giải quyết các vấn đề chính của công nghệ trong xã hội.
TFGI có đội ngũ cố vấn độc lập bao gồm: TS. Bambang Susanto của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), TS. Veerathai Santiprabhob của Quỹ Mae Fah Luang, Tim Murphy - Giám đốc hành chính của Mastercard, GS. Lim Siong Guan của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (NUS), TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Pandu Sjahrir - Chủ tịch Sea Group Indonesia, TS. Kai-Fu Lee - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sinovation Ventures, Sati Rasuanto - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Thương mại của VIDA.
Bà Hooi Ling Tan, Đồng sáng lập Grab cho biết: "Công nghệ đã mang lại những cơ hội vô hạn nhưng cũng là những thách thức mới mà chúng ta phải cùng nhau giải quyết với tư cách là một ngành công nghiệp. Với nền kinh tế số của Đông Nam Á vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển, đây được coi là thời điểm tốt nhất để cả khu vực công và tư hợp tác với nhau cùng thúc đẩy sự hòa nhập kỹ thuật số nhiều hơn cho khu vực".
Là nền tảng thúc đẩy hoạt động kinh tế, các nền tảng O2O (online-to-offline - mô hình kinh doanh trong đó công ty sẽ thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế) có tiềm năng lớn nhất để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và có thể phá vỡ chu kỳ đói nghèo cho 150 triệu người trưởng thành ở khu vực Đông Nam Á, những người vẫn bị loại trừ về kỹ thuật số.
"Đây là lý do tại sao Mastercard đặc biệt khuyến khích khi thấy các công ty nền tảng thế hệ đầu tiên như Grab đi đầu thành lập Viện Công nghệ vì cộng đồng, nơi sẽ tập hợp các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân để thúc đẩy một cách sáng tạo về cách áp dụng công nghệ, dữ liệu, tài năng và hệ sinh thái của họ cho cộng đồng", Rama Sridhar, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Phát triển kinh doanh, Đối tác kỹ thuật số và mới nổi, Dòng thanh toán mới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard chia sẻ.
Bà Rama Sridhar cũng bày tỏ Mastercard rất vui mừng được đóng góp vào sự phát triển của TFGI sẽ giúp hàng triệu người có thể tìm ra con đường dẫn đến thịnh vượng và thúc đẩy sự bao trùm tài chính trên toàn khu vực.
Đông Nam Á là khu vực đi đầu trong việc phát triển nền tảng O2O với 80% người dùng Internet trên 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á đã giao dịch trên ít nhất một nền tảng O2O trong 12 tháng qua. Và khu vực này vẫn còn tiềm năng rất lớn để tăng cường sự tham gia của người tiêu dùng vào các nền tảng.
Chia sẻ về tiềm năng của nền tảng này, Florian Hoppe, Đối tác của Bain & Company và lãnh đạo hoạt động Kỹ thuật số của Bain tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, nền tảng O2O là một phần cốt lõi trong tăng trưởng của Đông Nam Á. Các công ty đã giúp thu hẹp khoảng cách cả về cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số đã tồn tại trong khu vực nhiều năm.
"Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á ngày nay về bản chất đều là nền tảng O2O. Với các nền tảng tốt hơn và các chính phủ cùng hợp tác với nhau, thì tương lai của nền kinh tế số của Đông Nam Á sẽ càng tươi sáng hơn", ông Florian Hoppe nhấn mạnh./.