Nhiều đột phá mới
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tỉnh này đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành vào chỉ đạo, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày. Đồng thời, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp chính quyền qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Hệ thống thư điện tử của tỉnh Hà Nam bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ CBCC từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc đạt trên 95%. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ cũng đã được triển khai thử nghiệm.
Hệ thống hội nghị truyền hình được chú trọng đầu tư, trong năm 2020 đã trang bị phòng họp trực tuyến giữa UBND cấp xã với UBND cấp huyện tại 4/6 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 78 điểm cầu; một số Sở, ngành đã có phòng họp trực tuyến kết nối với các bộ, ngành trung ương. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên từ trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời tiết kiệm đáng kể về công sức, chi phí, thời gian.
Nổi bật, 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng CNTT trong việc quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, giúp tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao công tác quản trị bệnh viện, giảm thiểu sai sót, tăng độ chính xác trong công tác thanh, quyết toán bảo hiểm y tế.
Trong hoạt động du lịch, Cổng Thông tin Du lịch tỉnh Hà Nam (https://visithanam.vn) và ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone được đưa vào hoạt động đã cung cấp toàn bộ các thông tin cho người dùng về quảng bá xúc tiến du lịch tại Hà Nam. Hệ thống cung cấp giao diện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, bảo đảm dữ liệu được cập nhật liên tục, kịp thời và hỗ trợ giao diện đa ngôn ngữ, hỗ trợ bản đồ số giúp du khách dễ dàng hơn trong tìm kiếm địa điểm vui chơi, giải trí thích hợp. Nhờ đó, góp phần đẩy mạnh việc quảng bá du lịch Hà Nam được lan tỏa rộng khắp trên mạng xã hội, thu hút khách du lịch tìm hiểu về địa phương.
Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Hà Nam hiện nay cũng đã cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh, công khai toàn bộ quy trình giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC. Theo đánh giá của một số người dùng, hiện nay hệ thống một cửa về căn bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, giao diện dễ sử dụng, thông tin hồ sơ TTHC được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như tốc độ truy cập khá chậm; phần hỏi đáp chưa được trả lời kịp thời. Ngoài ra, phần tin tức cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ hơn để người dân, doanh nghiệp nắm rõ mọi chính sách mới, thay đổi của nhà nước, chính quyền địa phương về thủ tục hồ sơ.
Dấu ấn rõ nét nhất trong xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nam là đã sớm khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) hướng tới mục tiêu phát triển địa phương thông minh và xây dựng chính quyền điện tử. Hệ thống IOC Hà Nam được xây dựng chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu cơ bản gồm: Kinh tế, xã hội, ngân sách, hành chính công, phản ánh kiến nghị của người dân, quản lý lĩnh vực văn bản điện tử, giáo dục, thông tin du lịch, lưu trú, y tế, camera an ninh và giao thông, tạo thuận lợi để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành dễ dàng nắm bắt tình hình chung, kịp thời chỉ đạo, điều hành. Trong đó, dữ liệu phản ánh kiến nghị của người dân sẽ được tích hợp sử dụng trong năm 2021.
Hệ thống camera an ninh giao thông được triển khai thí điểm mới đây tại 2 tuyến đường Biên Hòa và Lê Duẩn (thành phố Phủ Lý) không chỉ tăng cường giám sát các hoạt động giao thông, an ninh công cộng, quản lý việc cung cấp điện, chiếu sáng đô thị, mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng nhanh chóng, kịp thời trước những trường hợp ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ…
Yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng
Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để tăng hiệu quả quản lý, điều hành, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phát biểu tại hội nghị Ban chỉ đạo chính quyền điện tử năm 2021 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu địa phương trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm sử dụng hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và quốc gia; hướng dẫn và cung cấp thông tin để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, các ngành liên quan phối hợp tham mưu xây dựng trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin hỗ trợ bảo đảm an toàn trong chuyển đổi số… Ngoài ra, hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng CNTT cho CBCC cũng được quan tâm chú trọng trong điều kiện các Sở, ngành, cơ quan còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển cán bộ chuyên trách về CNTT. Đây là những giải pháp cần làm ngay để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, tạo bước tiến cao hơn trong CCHC của tỉnh; tạo sự hài lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp; tạo dựng chính quyền hiện đại, thân thiện, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.
Mục đích cuối cùng của việc xây dựng chính quyền điện tử Hà Nam là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ định hướng chung này, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ; trong đó cơ sở vật chất là bộ mặt phục vụ nhân dân, cán bộ "một cửa" là nền tảng.
Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC từng ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ. Do vậy, thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất cán bộ, công chức, chú trọng về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.