Chuyển đổi số

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Đỗ Thêu 07:04 31/05/2023

Phát triển du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại đã và đang là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

anh-6.1.jpg
Hà Nội có nhiều tiềm năng thế mạnh để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Được mệnh danh là thủ đô “ngàn năm văn hiến”, mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng, Hà Nội ngày càng khẳng định rõ vị thế quan trọng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Với gần 6.000 di tích, hơn 1.350 làng nghề, Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, các huyện ngoại thành có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, phù hợp để Hà Nội phát triển loại hình du lịch giải trí, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp...

Với những tiềm năng, thế mạnh đó, hằng năm, Hà Nội luôn nằm trong tốp đầu những địa phương thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch lựa chọn Hà Nội là điểm đến trong hành trình của mình chủ yếu vì giá trị văn hóa, lịch sử, yếu tố tài nguyên tự nhiên, sự hiếu khách của người dân v.v.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để triển khai có hiệu quả công tác phát triển du lịch Thủ đô năm 2023, đưa du lịch phục hồi nhanh, bền vững, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành du lịch phải đổi mới, cơ cấu lại để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

CĐS giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong nỗ lực giúp ngành du lịch “cất cánh”, Hà Nội đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xác định công tác CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “CĐS hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho du khách thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, app du lịch... Ngoài ra, các DN có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu qua đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp".

Những năm qua, ngành du lịch Hà Nội tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố. Bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn) trong quá trình vận hành, nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường sự liên kết với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển nhiều ứng dụng trong hoạt động du lịch. Triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, flycam, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị, điểm đến trên địa bàn TP. Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Hà Nội cũng xây dựng và lắp đặt các trạm phát sóng WiFi tại các khu vực du lịch trọng điểm, tập trung lượng lớn khách du lịch như: Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố sách Hà Nội, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, khu vực phố Trịnh Công Sơn, khu vực nhà chờ sân bay Nội Bài,... phục vụ nhân dân và du khách.

Về phía các DN du lịch, điểm đến du lịch, hiện nay các đơn vị cũng chủ động, tích cực triển khai các hoạt động CĐS trong quản lý, xây dựng sản phẩm mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch.

anh-6.2.jpg
Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ trong quá trình khai thác, vận hành.

Điển hình như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long… đã và đang áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách, qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị. Các công nghệ mới như 360, 3D, flycam, mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm được ứng dụng. Hoạt động truyên truyền, quảng bá trên không gian mạng thông qua các chương trình xúc tiến, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, trên các nền tảng công nghệ mới được đẩy mạnh.

Chị Mai Thu Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vui vẻ chia sẻ: “Việc Ban quản lý di tích ứng dụng công nghệ vào quá trình vận hành đã giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, thuận lợi. Điển hình như việc mua vé trở nên dễ dàng hơn, không còn cảnh chen lấn như trước đây. Mọi thông tin về di tích đều được tích hợp trên nền tảng số, giúp mọi người tiếp cận đầy đủ, đa dạng và nhanh chóng”.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất một số các giải pháp nhằm thúc đẩy CĐS như: Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, DN và người dân về tầm quan trọng của CĐS đối với hoạt động du lịch Thủ đô; Đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo về du lịch, phóng sự trên các kênh truyền thông, hệ thống báo đài của Hà Nội và Trung ương, thông qua hệ thống các trang mạng điện tử, chương trình FM du lịch…

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các đề án lớn như: Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố, xây dựng bản đồ số trong hoạt động du lịch./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO