Hà Nội: Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp vào công tác an toàn thực phẩm

PV| 19/04/2021 15:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm 2021 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), TP. Hà Nội đã phát động chiến dịch nhằm tăng cường truyền thông về ATTP, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của người dân Thủ đô trong phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm của TP. Hà Nội rất lớn và ngày càng tăng. Nếu như năm 2016, toàn thành phố có 59.109 cơ sở, thì đến năm 2020 đã tăng lên 83.712 cơ sở. Trong quý I-2021, thành phố đã tổ chức 828 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có 719 đoàn liên ngành. Trong tổng số 18.064 cơ sở kiểm tra quý I-2021 có 14.390 cơ sở đạt, 4.568 cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3.137 cơ sở, nhắc nhở 1.431 cơ sở. Riêng tuyến quận, huyện, thị xã và tuyến xã, phường, thị trấn đã kiểm tra 13.867 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2.262 cơ sở; tuyến thành phố kiểm tra 4.197 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 875 cơ sở.

Hà Nội: Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp vào công tác an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: baohanoimoi)

Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, có không ít nơi chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài vi phạm về cơ sở vật chất khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ, thì các cơ sở còn vi phạm quy định về phòng dịch COVID-19, như: Chưa tuân thủ thực hiện việc giãn cách, đeo khẩu trang không đầy đủ…

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2021 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) là điểm nhấn trong năm, tạo ra đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người dân Thủ đô trong công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, thời gian này, thành phố sẽ tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng. Đó là, giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh phải làm những gì, xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, công bố tiêu chuẩn như thế nào, ghi nhãn sản phẩm ra sao, nếu họ cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào để họ biết và thực hiện. Hai là thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm – Ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chung, điểm mới trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay là: Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố cũng như quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ liên tục kiểm tra đột xuất công tác triển khai của cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại các cơ sở.

Ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cơ sở nào thực hiện tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19 vẫn bị xử phạt. Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được phát động trên toàn quốc mỗi năm, không chỉ tập trung xem thanh tra, kiểm tra, xử phạt được bao nhiêu cơ sở, mà điều quan trọng là dấy lên được một đợt cao điểm, tập trung một chủ đề "nóng" về an toàn thực phẩm, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Hà Nội chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm ở mức cao nhất và áp dụng nhiều biện pháp như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi nào cơ sở đó khắc phục được sai phạm… Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh sản phẩm ngay tại chỗ. Những sản phẩm không đạt sẽ bị thu hồi, tiêu hủy; sau thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành phúc tra. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ ngay từ đợt thanh tra, kiểm tra đầu tiên.

Như vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nói "không" với thực phẩm không an toàn, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, người dân khi tham gia các hoạt động lễ hội, du lịch cần có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế), đặc biệt lưu ý đến việc phải đeo khẩu trang đúng quy chuẩn, giữ khoảng cách, nhằm tránh lây lan các dịch tiết từ người khác, tránh tụ tập nếu không cần thiết… – Ông Chung cho biết.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp vào công tác an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO