Không ngừng nỗ lực
Để có được sóng ổn định, không thể không nói đến sự nỗ lực không ngừng của ngành viễn thông Ninh Thuận.
Bà Đinh Thị Bích Thuận, Giám đốc VNPT Ninh Thuận, cho biết: Ngay từ ngày mới chia tách, năm 1992, VNPT Ninh Thuận đã nhanh chóng tổ chức sắp xếp lại bộ máy hoạt động; đồng thời đề ra nhiều giải pháp điều hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo chiều sâu, đảm bảo hiệu quả như: Tiếp tục đổi mới quản lý, triển khai chính sách kinh doanh linh động, thực hiện cải cách trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển dịch vụ mới.
Cùng với đó, được sự quan tâm của ngành và địa phương, đơn vị đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng phát triển mạng lưới viễn thông theo hướng hiện đại, rộng khắp với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ đầu tư mạng lưới viễn thông ngày càng vững chắc, VNPT Ninh Thuận còn luôn đáp ứng và phục vụ tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhằm mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất về chất lượng dịch vụ. Ngoài các dịch vụ truyền thống, đơn vị tập trung phát triển các dịch vụ di động, dịch vụ băng thông rộng MegaVNN và FiberVNN, dịch vụ MyTV, dịch vụ truyền số liệu, dịch vụ chứng thực chữ ký số VNPT-CA...; đồng thời, thường xuyên thực hiện nâng cấp mạng lưới và đường truyền đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh được hiệu quả. Nhờ vậy, công tác điều hành thông tin được thuận lợi, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt cho các cơ quan của Đảng, chính quyền và người dân.
Thực hiện chủ trương phát triển mạnh theo từng loại hình, dịch vụ kinh doanh của Tập đoàn VNPT, tháng 8/2014, VNPT Ninh Thuận đã thực hiện việc chia tách khối kỹ thuật và khối kinh doanh ra làm hai Đề án tái cấu trúc của Tập đoàn VNPT để kinh doanh "Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả".
VNPT Ninh Thuận đã chú trọng đào tạo nhân lực cho đội ngũ kỹ thuật và kinh doanh trong các lĩnh vực, nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý SXKD, hiệu suất sử dụng thiết bị, chất lượng mạng, dịch vụ viễn thông không ngừng được nâng lên; các hoạt động chăm sóc, bảo dưỡng, bảo trì, giải quyết các khiếu nại của khách hàng luôn được đơn vị quan tâm giải quyết kịp thời. Đồng thời, cán bộ, công nhân viên được vận động tích cực tham gia các phong trào thi đua, hoạt động từ thiện xã hội, nhằm tạo không khí thi đua trong toàn đơn vị.
Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, VNPT Ninh Thuận tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tiếp tục đầu tư chuyên sâu, có trọng điểm, hiện đại hóa mạng lưới viễn thông - CNTT, tạo hạ tầng thông tin chất lượng, vững chắc, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Đến nay, VNPT Ninh Thuận đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác, đẩy mạnh giải pháp "Chính quyền số" giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn VNPT giai đoạn 2021-2025. VNPT Ninh Thuận đã tổ chức giới thiệu giải pháp giáo dục thông minh và các ứng dụng cho Sở Giáo dục và Đào tạo; cổng thông tin điện tử có tích hợp dữ liệu y tế từ các cơ sở y tế và các sở, ban, ngành liên quan.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, cổng du lịch thông minh và một số phần mềm, giải pháp số như: Phần mềm đặt lịch khám bệnh qua app cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phần mềm quản lý CSDL năng lượng cho Sở Công Thương, phương án an toàn bảo mật cho UBND huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Phước và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã được triển khai hiệu quả.
VNPT đã xây dựng Đề án IOC cho UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, phần mềm phản ánh và tương tác trực tuyến người dân và hệ thống báo cáo bộ, ngành, địa phương cho Sở TT&TT.
Người dân hưởng lợi
Anh Nguyễn Văn Hùng ở Ninh Hải vui mừng chia sẻ, gia đình anh làm nghề đi biển nhiều đời nay. Trước đây, mỗi lần đi biển là đi biền biệt phó mặc cho thời tiết. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ công nghệ thông tin (CNTT) phát triển, anh có thể liên lạc với đất liền. Qua đó, người dân được đảm bảo an toàn hơn rất nhiều trong mỗi lần ra khơi.
Không chỉ người dân miền biển, đời sống của người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa cũng từng ngày được nâng lên nhờ sự phát triển của CNTT. Em Mấu Thị Thủy, Bác Ái chia sẻ, suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát em phải ở nhà cách ly học online. Ban đầu, sóng Internet nơi em ở khá chập chờn. Tuy nhiên, thời gian sau, mạng Internet đi vào ổn định. Qua đó, việc học tập của em không bị gián đoạn. Hơn nữa, nhờ có mạng Internet, em có thể tra cứu nhờ thông tin để nâng cao trình độ./.