Hà Tĩnh hướng đến nền hành chính hiện đại

P.V| 28/10/2021 07:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Hà Tĩnh thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Từ nền tảng này, tỉnh đang hướng đến mục tiêu đứng trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số CCHC giai đoạn 2020 - 2030.

Sự hài lòng của người dân là thước đo

Với phương châm "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo", sau gần 4 năm hoạt động, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh đã được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.

Xếp gọn phiếu hẹn trả kết quả vào túi xách, chị Lê Thị Hà (thị trấn Đức Thọ) cho biết: Thay vì phải đến nhiều nơi, qua nhiều cửa như trước đây để thực hiện các thủ tục cấp phép, chứng nhận điều kiện kinh doanh thì nay chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công là được thực hiện tất cả các khâu, đặc biệt rút ngắn được thời gian…

Thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Hà Tĩnh đã tạo sự thống nhất từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã. Đặc biệt, xác định con người là yếu tố quyết định trong CCHC, các địa phương đều lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. Bởi thế, người đứng đầu ở nhiều nơi đã sâu sát trong chỉ đạo, điều hành; cán bộ, nhân viên phụ trách giải quyết TTHC trách nhiệm, nhiệt tình.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn, dấu ấn của người đứng đầu thể hiện rất rõ trong công tác CCHC. Một điều dễ nhận thấy, hầu hết địa phương không chỉ chủ động minh bạch tất cả TTHC; công khai số điện thoại "nóng", hòm thư đóng góp ý kiến, thời gian giải quyết từng thủ tục… mà Bộ phận Tiếp nhận giải quyết TTHC còn thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến khi có vấn đề không hài lòng để kịp thời điều chỉnh. Một số nơi còn gắn việc chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC vào tiêu chí thi đua, bình xét hàng tuần, hàng tháng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định công tác CCHC là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh này trong giai đoạn 2015 - 2020. Hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có những chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã ban hành 4.590 văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và khả thi. Trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về CCHC trên địa bàn.

Hà Tĩnh hướng đến nền hành chính hiện đại, phục vụ - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở TT&TT Hà Tĩnh ấn nút ra mắt Hệ thống điều hành và giám sát thông minh. (Ảnh: PV)

Bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh luôn xác định CCHC là nhiệm vụ cốt lõi trong nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Do vậy, tỉnh đã đi sâu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về CCHC như: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Đặc biệt, điểm nhấn trong quá trình CCHC của Hà Tĩnh là việc thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, cấp huyện; kiện toàn, hiện đại bộ phận một cửa cấp xã, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân… Bên cạnh đó, Sở Nội vụ kịp thời ban hành các kế hoạch CCHC bảo đảm các nội dung theo quy định; xây dựng nhiều sáng kiến có tính thực tiễn, được áp dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động tham mưu và phối hợp với các sở, ngành thực hiện tốt các lĩnh vực của CCHC; chủ trì thực hiện tốt các nhiệm vụ của dự án "Tăng cường tác động CCHC tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2016"...

Bằng những giải pháp hiệu quả, chỉ số CCHC của Hà Tĩnh năm 2019 đã tăng 15 bậc so với năm 2012 (đạt 83,25 điểm, đứng vị trí 12/63 tỉnh, thành phố). Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh có 4 năm liên tiếp xếp thứ nhất về CCHC trong khu vực Bắc Trung Bộ... đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.402 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 417.021 tỷ đồng...

Tạo nền tảng phát triển chính quyền số, đô thị thông minh

2011 - 2020 là giai đoạn khởi sắc cho công tác CCHC của tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh CCHC đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại địa phương; đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân theo hướng phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác CCHC của Hà Tĩnh vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc chỉ đạo tổ chức thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; vẫn còn không ít cán bộ, công chức trong thực thi công vụ trách nhiệm chưa cao và hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn; việc cập nhật, niêm yết, công khai TTHC ở một số nơi chưa khoa học, đầy đủ và đúng quy định; tiến độ triển khai chính quyền điện tử các cấp còn chậm… Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ số đánh giá cấp tỉnh tăng cao so với những năm trước, song trong từng chỉ số, các tiêu chí tăng chưa đồng đều, còn một số tiêu chí điểm không cao....

Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, triển khai xây dựng Hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh Hà Tĩnh (IOC Hà Tĩnh). Việc đưa Hệ thống IOC Hà Tĩnh vào hoạt động là một trong những mục tiêu, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đặc biệt, hệ thống này sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh trên các lĩnh vực KT-XH, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn... Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, các đơn vị, địa phương cần tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế được chỉ ra tại cuộc đánh giá, xếp loại CCHC năm 2020; sớm xử lý, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc ở cơ sở để tạo đồng thuận cho Nhân dân; tăng cường thanh, kiểm tra công tác CCHC trên các lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Định kỳ rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định TTHC theo hướng đơn giản và chuẩn hóa. Đồng thời, cập nhật, công bố, công khai theo quy định, nhất là các TTHC liên quan đến thu hút đầu tư, đời sống dân sinh, đất đai, xây dựng, tài chính, chính sách người có công... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh phấn đấu đưa chỉ số CCHC của tỉnh vào top 10 địa phương đứng đầu cả nước trong giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh hướng đến nền hành chính hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO