Hải Phòng đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử

Bình Minh| 13/04/2020 16:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, trong đó có công tác thiết lập Cổng Dịch vụ công (DVC) thành phố kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG) qua đó tạo bước chuyển tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC).

Cải cách hành chính trên nền tảng CNTT

Thành phố đã cụ thể hóa các chủ trương, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng chính quyền điện tử để các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và công dân tiếp cận, thực hiện.

Hải Phòng đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử - Ảnh 1.

Cổng dịch vụ công thành phố Hải Phòng

Thực hiện tốt công tác này, thành phố chú trọng ứng dụng CNTT gắn kết với công cuộc CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử).

Thành phố luôn xác định yếu tố con người là nhân tố quan trọng việc thực hiên công việc, do đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng các kỹ năng về ứng dụng CNTT. Hiện nay các đơn vị, cơ quan đều có cán bộ chuyên trách CNTT, tỷ lệ trung bình mỗi đơn vị có 1,4 cán bộ chuyên trách, trong đó 85% có trình độ đại học về CNTT.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hiệu quả vận hành tốt hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và DVC trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Việc kết nối 2 hệ thống này góp phần số hóa các văn bản đi, đến (hoàn toàn không dùng bản giấy). 100% cán bộ, công chức, viên chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ và sử dụng hộp thư điện tử trong trao đổi công việc...

Địa phương cũng luôn chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trang bị đồng bộ hệ thống máy chủ bảo mật, tích hợp chứng thư số chuyên dùng, sử dụng hệ thống giám sát, cảnh báo kết nối, sự cố mạng 24/24h để các đơn vị hoạt động ổn định, đúng tiến độ thành phố đề ra.

Chỉ đạo về việc tập trung cho công tác xây dựng Chính quyền điện tử, tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC nhà nước và xây dựng chính quyền điện tử thành phố ngày 20/3, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Xuân Bình khẳng định: Thành phố không được đi chậm trong xây dựng chính quyền điện tử. Muốn làm tốt, Sở Nội vụ cần hợp Văn phòng UBND thành phố rà soát lại việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, giải quyết dứt điểm theo đúng lộ trình của Trung ương và chỉ đạo của Thành ủy. 

Thủ trưởng các địa phương chịu trách nhiệm về triển khai thực hiện DVC trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng tham gia vận hành Chính quyền điện tử.

Đảm bảo kết nối liên thông Cổng CDVCQG

Hải Phòng là một trong số 4 địa phương cung cấp thêm các DVC, với 9 DVC tích hợp trên hệ thống Cổng DVC quốc gia. Trong đó có 5 DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố và 4 DVC được thực hiện tại cấp Bộ.

Thành phố đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp thành công hệ thống của thành phố với CDVCQG 4 dịch vụ: đăng ký khai sinh, cấp xuất phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam - người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm - hàng hóa dịch vụ nhóm 2 nhập khẩu.

Nhờ thực hiện tốt việc kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của CDVCQG đã giúp thành phố đẩy nhanh việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, đóng bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đối với các văn bản hành chính, thành phố đảm bảo mục tiêu việc gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền thành phố giao cho các đơn vị phải hoàn thành trước ngày 30/6 và chỉ tiêu xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng (80% đối với cấp bộ, 60% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện).

Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP, đến nay 100% các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đã kết nối, liên thông và gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số trên trục liên thông văn bản thành phố và trục liên thông văn bản quốc gia; thực hiện nâng cấp phần mềm Trục liên thông văn bản thành phố kết nối và phản hồi trên 5 trạng thái với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Phát huy hơn nữa công tác xây dựng chính quyền điện tử của Chính phủ, kế hoạch của thành phố tốt hơn nữa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố đã ký công văn 2432/UBND-KSTTHC ngày 3/4/2020, yêu cầu các đơn đơn vị trên địa bàn thành phố tập trung ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính thời kỳ phòng, chống dịch Covid -19. 

Cụ thể các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh để hạn chế việc người dân, DN đi lại, tiếp xúc trực tiếp tránh lây lan dịch bệnh.

Từ nay đến cuối năm 2020, Hải Phòng đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ thành phố đến xã, phường. Tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát, hạn chế sự phiền hà, nhũng nhiễu, đóng góp hiệu quả công việc cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Với những kết quả và nỗ lực thực hiện, việc xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, góp phần đưa Hải Phòng phát triển xứng đáng là một cực tăng trưởng của miền Bắc, trung tâm giao thương, hội nhập kinh tế quốc tế.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO