Công nghệ chuỗi khối (blockchain), được biết đến như là lĩnh vực độc quyền của những người đam mê công nghệ và tiền điện tử, đã được chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm trong nửa thập kỷ qua. Chính phủ nước này từng tuyên bố rằng thị trường blockchain là một cơ hội vàng cho quốc gia, giúp giữ vững vị thế của Hàn Quốc như một trung tâm kinh tế - tài chính của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như của cả thế giới.
Năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã ra mắt hệ thống ID số dựa trên blockchain đầu tiên của đất nước tại Seoul.
Sau đó, Chính phủ tiếp tục ra mắt B PASS, một ứng dụng và dịch vụ "xác minh danh tính tích hợp" dành cho công dân ở Busan. B PASS được phát triển và vận hành bởi Coinplug, một công ty tư nhân cung cấp các giải pháp blockchain và SSI. Đây được coi là một cuộc cách mạng bởi Hàn Quốc là một trong những quốc gia hiếm hoi hiện nay đã chấp nhận SSI (Nhận dạng theo quyền bản thân - Self Sovereign Identity) như một cách tiếp cận phi tập trung để quản lý dữ liệu cá nhân của công dân.
Các khu vực miễn trừ pháp lý
Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực chỉ đạo triển khai nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng và phát triển thành phố thông minh (TPTM) từ đầu năm 2013. Như một phần của chiến lược TPTM của Hàn Quốc, chính phủ đã bắt tay vào việc thiết lập các khu vực miễn trừ pháp lý (Regulatory Free Zone), nhằm theo đuổi các thử nghiệm công nghệ khác nhau. Theo đó, các lĩnh vực kinh doanh sáng tạo mới hoặc ngành công nghiệp chiến lược được triển khai trong khu vực này nếu gặp khó khăn do quy định hiện hành, có thể được (i) cấp giấy phép triển khai tạm thời hoặc (ii) được miễn trừ áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định nếu vì mục đích kiểm thử các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới.
Busan đã được thiết lập là "khu vực miễn trừ pháp lý về blockchain", về cơ bản được vận hành như một nơi thử nghiệm để chính phủ phát triển và thực hiện các giải pháp cũng như sáng kiến dựa trên blockchain. Khu vực blockchain của Busan là khu vực miễn trừ pháp lý mới nhất do chính phủ chỉ định để thử nghiệm các công nghệ và đổi mới khác nhau.
Sáu khu vực khác đã được thành lập ở nhiều vùng khác nhau của đất nước, bao gồm Gangwon-do (y tế số); Thành phố Daegu (sức khỏe thông minh); Thành phố Sejong (xe tự hành); Jeollanam-do (thiết bị di động điện tử); Chungcheongbuk-do (kiểm soát an toàn thông minh) và Gyeongsangnam-do (tái chế pin tiên tiến).
B PASS: Bước tiến tới một xã hội không sử dụng ví
Giống như những nơi khác trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ số khi Hàn Quốc thực hiện giãn cách xã hội. Do Hàn Quốc chủ yếu dựa vào các tài liệu nhận dạng vật lý nên nhu cầu về các biện pháp xác thực số càng trở nên phù hợp hơn trong giai đoạn cao điểm của đại dịch.
Việc nhận dạng công dân ở Busan sẽ trở nên dễ dàng hơn vì B PASS được tích hợp với nhiều dịch vụ công cộng và tư nhân như giao thông công cộng, dịch vụ thư viện, đăng ký tình nguyện viên, voucher kỹ thuật số, dịch vụ du lịch, và thậm chí đối với cả phụ nữ mang thai đang tìm kiếm các dịch vụ y tế miễn phí.
Công dân cũng có thể sử dụng B PASS để truy cập các cửa hàng tiện lợi không người bán một cách an toàn mà không cần cung cấp dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Một ứng dụng thú vị khác của B PASS là ứng dụng "Báo cáo an toàn công cộng Busan (Busan Public Safety Report)". Người dùng có thể báo cáo ẩn danh các trường hợp nguy hiểm, tai nạn hoặc thảm họa. Điều này giúp tăng độ tin cậy của dữ liệu, đặc biệt công dân được khuyến khích tham gia gửi báo cáo thông qua hệ thống khen thưởng được tích hợp sẵn.
Tiếp cận nhận dạng phi tập trung
Áp dụng công nghệ blockchain được coi là việc cần thiết của chính phủ Hàn Quốc, với sự hỗ trợ nghiên cứu và phát triển liên tục của nhiều tổ chức, bao gồm Bộ Khoa học và ICT, Cơ quan An ninh Internet Hàn Quốc (KISA), Cơ quan Quản lý Chương trình Tiếp thu Quốc phòng (DAPA), Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia (NIPA) và Bưu điện Hàn Quốc.
Hệ thống nhận dạng quốc gia hiện tại được quản lý một cách tập trung, nơi các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và quản lý thông tin xác thực và thông tin cá nhân. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận danh tính phi tập trung (DID) dựa trên blockchain để quản lý danh tính, chẳng hạn như B PASS sẽ dịch chuyển quyền sở hữu dữ liệu cho đại diện cá nhân, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa.
Thứ nhất, các vấn đề như giả mạo và trộm cắp có thể được loại bỏ do bản chất an toàn của công nghệ blockchain. Thứ hai, DID có thể ngăn chặn việc giả mạo, can thiệp và truy cập không an toàn bởi các thực thể không phải người dùng. Điều này đặc biệt quan trọng khi việc nhận dạng được yêu cầu cho mục đích xác minh, do đó loại bỏ các lo ngại về quyền riêng tư và theo dõi.
Với cách tiếp cận DID này, dữ liệu cá nhân của mỗi công dân sẽ được mã hóa và lưu trữ trực tiếp trên thiết bị di động của người dùng, thay vì cơ sở dữ liệu tập trung. Vì các bản ghi blockchain không thể bị giả mạo và được phân tán trên nhiều thiết bị, nên sẽ không gặp phải các rủi ro bảo mật giống như dữ liệu tập trung thông thường. Ngoài ra, nó có thể được sử dụng trực tuyến hoặc ngoại tuyến.
Nhận dạng phi tập trung và blockchain: Hướng tới một nền kinh tế thông minh và mạnh mẽ hơn
Trao đổi với Tech Wire Asia, đại diện B PASS, Eddy Lee, chia sẻ rằng cách tiếp cận DID sẽ có tác động đến đất nước theo hai cách chính - về mặt xã hội và kinh tế. Về mặt xã hội, một hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo sẽ nâng cao nhận thức về cách công nghệ blockchain có thể cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần xây dựng các TPTM hơn trên khắp đất nước.
Hơn nữa, công dân có thể cảm thấy thoải mái hơn khi biết họ giữ toàn quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình và được bảo vệ trước các rủi ro về quyền riêng tư cũng như bảo mật liên quan đến dữ liệu nhận dạng của họ. "Chúng tôi muốn mọi người "cảm nhận" và trải nghiệm công nghệ blockchain trong cuộc sống hàng ngày của họ với các dịch vụ như truy cập vào các tổ chức công cộng, thẻ thư viện công cộng, giao thông vận tải,...", ông Eddy Lee cho biết thêm.
Về mặt kinh tế, các dịch vụ thương mại hóa và ứng dụng dựa trên blockchain sẽ đóng vai trò như một động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, đặc biệt là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Blockchain được kỳ vọng sẽ cho phép các ý tưởng và mô hình kinh doanh mới, góp phần tạo ra việc làm cho các chuyên gia công nghệ và kinh doanh.
Theo ông Eddy Lee, trong thời đại mà dữ liệu cá nhân và dữ liệu nhạy cảm có nguy cơ bị đe dọa an ninh mạng, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều chính phủ thúc đẩy áp dụng phương pháp tiếp cận SSI để quản lý dữ liệu nhận dạng công dân./.