Truyền thông

Hiểu về tiếng Việt hơn qua bộ sách lịch sử chữ quốc ngữ

Lan Nguyễn 13/06/2024 08:11

“Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919” vừa được Omega Plus giới thiệu đến độc giả là tác phẩm có tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay dựa trên nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nên đọc để hiểu về nguồn cội chữ viết mà chúng ta đang dùng hằng ngày.

Ấn phẩm được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của TS. Phạm Thị Kiều Ly, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).

Sau khi bảo vệ luận án, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615 - 1919)” (Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919”). Với tâm niệm cần phổ biến kiến thức khoa học tới đại chúng, năm 2023, cô cũng đã cùng họa sĩ Tạ Huy Long xuất bản cuốn truyện tranh về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho trẻ em.

lich-su-chu-quoc-ngu.png
Bìa sách “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)” (Ảnh: Omega Plus)

Và năm 2024, đúng dịp kỷ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của công trình “Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615 - 1919” chính thức được xuất bản với 6 chương, gồm: (1) Quá trình mô tả các ngôn ngữ trên thế giới; (2) Phiên âm tiếng Đàng Trong bằng chữ La-tinh (1615 - 1631); (3) Phiên âm tiếng Đàng Ngoài bằng chữ La-tinh; (4) Hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (Từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả; (5) Chữ quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858); (6) Chữ quốc ngữ thời thuộc địa.

Có thể nói, đây là một thành tựu nghiên cứu đầy đủ nhất từ trước cho đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ, với khung thời gian trải dài hơn 300 năm, từ năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ Dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào năm 1919 - năm cuối cùng của khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế.

Bên cạnh việc đúc kết lịch sử chữ viết trong quãng thời gian gần 300 năm, tác giả Phạm Thị Kiều Ly còn lồng vào đó những câu chuyện không kém phần quan trọng là lịch sử truyền giáo, lịch sử - chính trị Việt Nam từ phong kiến tới thời thuộc địa và bảo hộ, và phần nào đó là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam theo các giai đoạn.

Với cách viết như kể chuyện lịch sử lồng những phân tích ngôn ngữ, tác phẩm sẽ giúp cho mỗi người Việt Nam dễ dàng nắm bắt và hiểu hơn về nguồn cội chữ viết mình đang sử dụng hằng ngày./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiểu về tiếng Việt hơn qua bộ sách lịch sử chữ quốc ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO