An toàn thông tin

Hình thức tấn công giả mạo để vượt xác thực hai yếu tố

Hạnh Tâm 08:42 12/06/2024

Các hình thức tấn công giả mạo (phishing) đã được tội phạm mạng sử dụng để vượt xác thực hai yếu tố (2FA), một biện pháp bảo mật quan trọng được thiết kế để bảo vệ tài khoản trực tuyến.

Mặc dù 2FA được nhiều trang web áp dụng rộng rãi và các tổ chức bắt buộc thực hiện, những kẻ tấn công mạng đã thay đổi hình thức tấn công mạng tinh vi hơn, bằng cách kết hợp phishing với bot OTP tự động để đánh lừa người dùng và truy cập trái phép vào tài khoản của họ.

Kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi hơn

Xác thực hai yếu tố (2FA) đã trở thành tính năng bảo mật tiêu chuẩn trong an ninh mạng. Hình thức này yêu cầu người dùng xác minh danh tính của họ bằng một bước xác thực thứ hai, thường là mật khẩu dùng một lần (OTP) được gửi qua tin nhắn văn bản, email hoặc ứng dụng xác thực. Lớp bảo mật bổ sung này nhằm mục đích bảo vệ tài khoản của người dùng ngay cả khi mật khẩu của họ bị đánh cắp. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo đã sử dụng các cách thức đầy tinh vi để lừa người dùng tiết lộ các OTP này, cho phép họ vượt qua các biện pháp bảo vệ 2FA.

Bot OTP là một công cụ tinh vi được kẻ lừa đảo sử dụng để ngăn chặn mã OTP thông qua hình thức tấn công phi kỹ thuật. Kẻ tấn công thường cố gắng lấy cắp thông tin đăng nhập của nạn nhân bằng các phương thức như phishing hoặc khai thác lỗ hổng dữ liệu để đánh cắp thông tin. Sau đó, chúng đăng nhập vào tài khoản của nạn nhân, kích hoạt việc gửi mã OTP đến điện thoại của nạn nhân.

Kế đến, bot OTP sẽ tự động gọi đến nạn nhân, mạo danh là nhân viên của một tổ chức đáng tin cậy, sử dụng kịch bản hội thoại được lập trình sẵn để thuyết phục nạn nhân tiết lộ mã OTP. Cuối cùng, kẻ tấn công nhận được mã OTP thông qua bot và sử dụng nó để truy cập trái phép vào tài khoản của nạn nhân.

a1.png
Một trang web giả mạo được thiết kế tương tự như trang đăng nhập ngân hàng trực tuyến (Ảnh minh hoạ)

Kẻ lừa đảo ưu tiên sử dụng cuộc gọi thoại hơn tin nhắn vì nạn nhân có xu hướng phản hồi nhanh hơn khi áp dụng hình thức này. Theo đó, bot OTP sẽ mô phỏng giọng điệu và sự khẩn trương của con người trong cuộc gọi nhằm tạo cảm giác đáng tin cậy và tính thuyết phục.

Kẻ lừa đảo điều khiển các bot OTP thông qua các bảng điều khiển trực tuyến đặc biệt hoặc các nền tảng nhắn tin như Telegram. Những bot này còn đi kèm với nhiều tính năng và gói đăng ký khác nhau tạo điều kiện cho những kẻ tấn công hành động. Kẻ tấn công có thể tùy chỉnh tính năng của bot để mạo danh các tổ chức, sử dụng đa ngôn ngữ và thậm chí chọn tông giọng nam hoặc nữ.

Ngoài ra, các tùy chọn nâng cao còn bao gồm giả mạo số điện thoại (spoofing) với mục đích khiến cho số điện thoại người gọi hiển thị giống như từ một tổ chức hợp pháp nhằm đánh lừa nạn nhân một cách tinh vi.

Để sử dụng bot OTP, kẻ lừa đảo cần đánh cắp thông tin đăng nhập của nạn nhân trước. Chúng thường sử dụng các trang web phishing được thiết kế giống hệt với các trang đăng nhập hợp pháp của ngân hàng, dịch vụ email hoặc các tài khoản trực tuyến khác. Khi nạn nhân nhập tên đăng nhập và mật khẩu của họ, kẻ lừa đảo sẽ tự động thu thập thông tin này ngay lập tức (theo thời gian thực).

Nghiên cứu của Kaspersky cho thấy tác động đáng kể của các cuộc tấn công phishing và bot OTP. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 31/5/2024, các giải pháp bảo mật của Kaspersky đã ngăn chặn được 653.088 lượt truy cập vào các trang web được tạo ra bởi bộ công cụ phishing nhắm vào các ngân hàng. Dữ liệu đánh cắp từ các trang web này thường được sử dụng trong các cuộc tấn công bằng bot OTP. Cũng trong khoảng thời gian đó, Kaspersky đã phát hiện 4.721 trang web phishing do các bộ công cụ tạo ra nhằm mục đích vượt qua xác thực hai yếu tố theo thời gian thực.

Bà Olga Svistunova, chuyên gia bảo mật của Kaspersky nhận định: "Tấn công phi kỹ thuật (social engineering) được xem là phương thức lừa đảo cực kỳ tinh vi, đặc biệt là với sự xuất hiện của bot OTP với khả năng mô phỏng một cách hợp pháp các cuộc gọi từ đại diện của các dịch vụ. Để luôn cảnh giác, điều quan trọng là phải duy trì sự thận trọng và tuân thủ các biện pháp bảo mật. Thông qua nghiên cứu và đổi mới liên tục, Kaspersky cung cấp các giải pháp bảo mật tiên tiến nhằm bảo vệ người dùng trong thời đại kỷ nguyên số bùng nổ".

Người dùng không bao giờ cung cấp mã OTP qua điện thoại

Mặc dù 2FA là biện pháp bảo mật quan trọng, nhưng nó không hoàn toàn giải pháp tối ưu. Để bảo vệ người dùng khỏi những trò lừa đảo tinh vi này, Kaspersky khuyến nghị tránh nhấp vào các liên kết trong tin nhắn email đáng ngờ. Nếu người dùng cần đăng nhập tài khoản của mình vào một tổ chức bất kỳ, hãy nhập chính xác địa chỉ trang web đó hoặc sử dụng dấu trang đã lưu (bookmark).

Cùng với đó, hãy đảm bảo địa chỉ website chính xác và không có lỗi đánh máy. Bạn có thể sử dụng công cụ Whois để kiểm tra thông tin đăng ký website. Nếu website mới được đăng ký gần đây, khả năng cao đây là trang web lừa đảo.

Người dùng không bao giờ cung cấp mã OTP qua điện thoại, bất kể người gọi có vẻ thuyết phục đến mức nào. Các ngân hàng và tổ chức uy tín khác không bao giờ yêu cầu người dùng đọc hoặc nhập mã OTP qua điện thoại để xác minh danh tính.

Để bảo vệ doanh nghiệp toàn diện trước các mối đe dọa an ninh mạng, các giải pháp thuộc dòng sản phẩm Kaspersky Next cung cấp khả năng bảo vệ theo thời gian thực, hiển thị mối đe dọa, điều tra và ứng phó các sự cố an ninh thông qua các tính năng EDR và XDR. Các giải pháp này phù hợp cho mọi quy mô và lĩnh vực hoạt động. Tùy theo nhu cầu và nguồn lực sẵn có, doanh nghiệp có thể lựa chọn gói sản phẩm phù hợp nhất, đồng thời dễ dàng nâng cấp lên các gói cao hơn khi yêu cầu bảo mật thay đổi./.

Bài liên quan
  • Tấn công giả mạo tài chính tăng cao ở Đông Nam Á
    Philippines ghi nhận 163.279 số vụ giả mạo tài chính cao nhất trong năm 2023. Tiếp theo là Malaysia với 124.105 vụ, Indonesia cũng ghi nhận 97.465 cuộc tấn công, trong khi đó, số vụ tấn công tại Việt Nam là 36.130. Thái Lan và Singapore là hai quốc gia có số lượng tấn công ít nhất, lần lượt là 25.227 và 9.502.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện Việt Nam đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khi thay đổi địa giới hành chính
    Bưu điện Việt Nam đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 1/7/2025.
  • AI có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp
    Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giảm thiểu khoảng 70 tỷ USD chi phí tổn thất thiên tai trực tiếp hàng năm đến năm 2050. Điều này đã được Deloitte Toàn cầu đưa ra trong báo cáo mới đây.
  • AI lõi "Make in Viet Nam" được xếp hạng Top 12 thế giới
    Trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi AI tại Việt Nam đang diễn ra, công nghệ OCR (Nhận dạng ký tự quang học) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc số hóa tài liệu, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị.
  • Làm sao để tăng hiệu quả bảo mật môi trường đa đám mây?
    Khi cuộc tranh luận về việc nên triển khai hệ thống máy chủ tại chỗ hay trên đám mây đã dần lắng xuống, doanh nghiệp (DN) giờ đây lại phải đối mặt với một bài toán khác khó khăn hơn: làm thế nào để bảo mật hiệu quả môi trường đa đám mây (multicloud)?
  • Cỗ máy gia tốc từ Nghị quyết 57: Một bài học sống động
    Sau nửa năm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (2/1/2025 – 29/6/2025), CT Group đã tổ chức Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW với hàng loạt sản phẩm hoàn thiện rất phong phú từ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số đến Đổi mới sáng tạo. Thành tựu đạt được chính là minh chứng sống động cho khát vọng làm chủ công nghệ lõi, tạo lực đẩy đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng vị thế quốc gia trên tiến trình hội nhập, vì một Việt Nam hùng cường.
Đừng bỏ lỡ
Hình thức tấn công giả mạo để vượt xác thực hai yếu tố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO