Cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho DN ĐMST và khởi nghiệp
Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). ĐMST đang trở thành nhân tố then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh của các DN.
Để ĐMST thành công và tạo ra các DN có chất lượng mang tầm quốc tế, việc phát triển nguồn lực về nhiều mặt, trong đó nguồn vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp, ĐMST, là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Để tận dụng được những tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng cường lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo nguồn lực để thích ứng với nền kinh tế số và giai đoạn bình thường mới với tác động của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại chương trình công bố dự án "Hỗ trợ DN khởi nghiệp có tính ĐMST", ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết: CMCN 4.0 đang lan tỏa trên khắp mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Biến động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã làm thay đổi cách nghĩ, cách thích ứng, cách quản trị xã hội, đồng thời là động lực để không chỉ DN mà các quốc gia cũng phải nhanh chóng chuyển đổi số (CĐS). ĐMST để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.
Theo Thứ trưởng, giống như các DN khác, đại dịch COVID-19 đã khiến các cộng đồng DN khởi nghiệp toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư, đặc biệt dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 công bố ngày 31/5/2021 cho thấy tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Đứng trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm giảm các khoản đầu tư mới cho các DN Việt Nam, nhất là nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ khởi nghiệp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ DN, các quỹ đầu tư và chính cộng đồng DN đang nỗ lực tìm các giải pháp, nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn cho các DN ĐMST.
"Để góp phần giải quyết khó khăn cho các DN ĐMST và khởi nghiệp, Bộ KHĐT và ADB đã nghiên cứu, xây dựng dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ DN ĐMST do ADB tài trợ và NIC làm chủ dự án", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam trong thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các DN ĐMST và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư cũng như các kỹ năng để phát triển kinh doanh.
Theo đó, các đối tượng ưu tiên của dự án sẽ là các DN khởi nghiệp, ĐMST hoạt động trong các lĩnh vực như: công nghệ sạch (cleantech), tài chính (fintech), nông nghiệp (agritech), sức khỏe y tế (healthtech). Đây là các lĩnh vực tiềm năng và ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù nguồn vốn không lớn nhưng dự án sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và các thị trường các quốc gia thành viên khác của ADB thông qua các khoản hỗ trợ kỹ thuật, qua đó giúp các DN khởi nghiệp, ĐMST phát triển những giải pháp tạo ra sự thay đổi tích cực với biến đổi khí hậu và bình đằng giới.
Việt Nam sẽ tham gia thực hiện một phần của chương trình khu vực, đó là 02 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật bao gồm Hỗ trợ kỹ thuật thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật hạt giống (ADB Ventures SEED). Thông qua hai hợp phần hỗ trợ kỹ thuật này, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các DN khởi nghiệp giảm rủi ro thị trường, đồng thời kết nối các DN ĐMST, khởi nghiệp với các khách hàng tiềm năng và hỗ trợ DN triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ ở các thị trường mới.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp Việt Nam bứt phá
Trong những năm gần đây, ĐMST được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa DN và đối thủ, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, từ năm 2019, Bộ KHĐT đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm ĐMST Quốc gia, nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng ĐMST của Việt Nam trong CMCN 4.0 thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh quản lý sáng tạo. Ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm ĐMST Quốc gia.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ KHĐT và các bộ, ngành liên quan, đến nay, nhiều cơ chế pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động ĐMST và khởi nghiệp tại Việt Nam đã dần hoàn thiện. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Ngoài ra, Bộ KHĐT cũng đã tham mưu cho Thủ tướng chính phủ ban hành các đề án, mô hình về kinh tế chia sẻ, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN ĐMST và khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, để tăng cường nguồn vốn kinh doanh khởi nghiệp, nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là đòn bẩy cho sự thành công của các ý tưởng sáng tạo, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ KHĐT còn hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để tập trung, sử dụng nguồn lực nước ngoài nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm thúc đẩy ĐMST.
Việc công bố dự án "Hỗ trợ DN khởi nghiệp có tính ĐMST" hôm nay và "Nguồn nhân lực cho ĐMST- Hệ sinh thái khởi nghiệp" (USAID WISE)" vào ngày 01/10 vừa qua được kỳ vọng sẽ giúp nhiều DN, nhiều người lao động được hỗ trợ và đào tạo để tăng cơ hội vươn lên trong môi trường kinh doanh mới./.